Tranh cãi xung quanh vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria

Ít nhất 72 người thiệt mạng và nhiều người khác gặp vấn đề về hô hấp, bất tỉnh, nôn mửa và sùi bọt mép sau khi một cuộc tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học xảy ra tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria. Vụ việc đã gây tranh cãi khi nhiều nước phương Tây chỉ trích Chính phủ Syria gây ra thảm họa trên, trong khi Syria và Nga bác bỏ cáo buộc trên.

Cấp cứu nạn nhân của vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib ngày 4-4. Ảnh: Reuters

Cấp cứu nạn nhân của vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib ngày 4-4. Ảnh: Reuters

Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), vụ tấn công xảy ra tại thị trấn Khan Sheikhun do quân nổi dậy kiểm soát vào ngày 4-4. Cuộc không kích đã khiến nhiều người tử vong do ngạt khói. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, với số người thiệt mạng lớn, rõ ràng có liên quan tới vũ khí hóa học do không có trường hợp bị tổn thương bên ngoài trong số nạn nhân có các triệu chứng giống nhau, trong đó có suy hô hấp cấp. Một số trường hợp có các dấu hiệu giống như bị phơi nhiễm các hóa chất organophosphorus, trong đó có chất hóa học thần kinh.

Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã lên án vụ tấn công được cho là bằng vũ khí hóa học tại tỉnh Idlib. Phát biểu tại quảng trường St. Peter, Giáo hoàng Francis khẳng định đây là "vụ thảm sát không thể chấp nhận". Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg và lãnh đạo nhiều nước châu Âu cũng lên tiếng phản đối vụ tấn công này.

Tuy nhiên, đằng sau vụ tấn công trên là ai vẫn đang tạo ra luồng quan điểm khác nhau. Trong khi mọi nghi ngờ đều hướng vào quân đội Syria thì cả Nga và Syria đều lên tiếng bác bỏ sự liên quan. "Quân đội Syria phủ nhận việc sử dụng chất hóa học hay chất độc tại thị trấn Khan Sheikhun ngày 4-4. Quân đội chính phủ nhấn mạnh rằng chưa bao giờ sử dụng các chất độc hóa học ở bất cứ thời điểm và địa điểm nào và cũng sẽ không bao giờ làm điều này trong tương lai", hãng thông tấn Nhà nước Syria SANA dẫn một tuyên bố của quân đội nước này nêu rõ.

Trong khi đó, Nga cho rằng các phương tiện truyền thông Phương Tây đã quá vội vàng cáo buộc Chính phủ Syria trong việc sử dụng vũ khí hóa học cũng như đã tìm cách đổ trách nhiệm cho Nga. Theo Bộ Quốc phòng Nga, ngày 4-4, Không quân Syria đã tấn công khu vực phía Đông thị trấn Khan Sheikhun nhằm vào các xưởng sản xuất vũ khí chứa chất độc của lực lượng nổi dậy, các vũ khí mà đã được đưa đến Iraq và đã được sử dụng tại Aleppo. Một chỉ huy của quân đội Syria cho rằng các phiến quân và các nhóm khủng bố phải chịu trách nhiệm về hành vi sử dụng các chất độc và chất hóa học, cũng như thái độ thờ ơ trước mạng sống của những người dân vô tội.

Thậm chí Moscow còn tuyên bố lời đe dọa của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, theo đó Washington sẽ có hành động quân sự nếu một "giới hạn đỏ" bị vượt quá và vũ khí hóa học được sử dụng ở Syria, đã châm ngòi cho các vụ tấn công hóa học. Phản bác lại cáo buộc trên, Washington cảnh báo Nga nên cân nhắc lại về sự ủng hộ của Moskva đối với chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tranh cãi xung quanh vụ tấn công nghi sử dụng chất hóa học đã được Anh, Pháp, Mỹ đưa vào dự thảo Nghị quyết và trình lên Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 5-4. Dự thảo nghị quyết kêu gọi Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) nhanh chóng báo cáo kết quả điều tra vụ tấn công, đồng thời đề nghị Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres báo cáo hàng tháng về sự hợp tác của Chính phủ Syria liên quan cuộc điều tra quốc tế này.

Bình luận về dự thảo nghị quyết nêu trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định, dự thảo nghị quyết của HĐBA về vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học tại Idlib là "không thể chấp nhận", vì nó đã xác định trước kết quả điều tra đồng thời ấn định trước là Chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm.

Theo người phát ngôn, dự thảo nghị quyết này mang tính chống Syria và có khả năng làm gia tăng căng thẳng tình hình chính trị và quân sự vốn đã phức tạp trong khu vực.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra cuộc đối đầu giữa một bên là Syria và Nga và một bên là các nước phương Tây. Tuy nhiên, kết thúc mỗi cuộc đối đầu là một kết quả không phân thành-bại, đúng-sai. Chỉ có người dân Syria là nạn nhân chính trong các vụ việc tương tự như vụ tấn công nghi sử dụng hóa học ở Idlib mới đây.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tranh-cai-xung-quanh-vu-tan-cong-nghi-su-dung-vu-khi-hoa-hoc-tai-syria/