Tranh cãi vụ chủ nhà chém trộm bị truy tố tội giết người

Nhiều người cho rằng, với hành vi đột nhập của bị hại trong vụ việc này, việc nghi phạm tự vệ, phòng vệ là cần thiết.

Cơ quan CSĐT - CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can tội danh “Giết người” đối với Lê Minh Phương (SN 1967, trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm), đồng thời ra lệnh tạm giam 4 tháng để điều tra. Sự việc đã gây nhiều tranh luận.

Quán tạp hóa nơi xảy ra sự việc

Giết người hay phòng vệ chính đáng?

Theo CQĐT, khoảng 0h15 ngày 23/11, CAQ Bắc Từ Liêm nhận được tin báo của người dân về việc có một thiếu niên là học sinh, đột nhập vào một cửa hàng bán tạp hóa với mục đích trộm cắp tài sản và bị chủ nhà phát hiện đánh gây thương tích.

Công an đến hiện trường, phát hiện Nguyễn Đăng Tùng (SN 2002) cùng trú tại phường Tây Tựu đang nằm trong cửa hiệu tạp hóa của Lê Minh Phương với nhiều thương tích ở vùng đầu và tay trong tình trạng lơ mơ thiếu tỉnh táo.

Tùng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 19-8 Bộ Công an. Qua điều tra, công an xác định đây là hiệu tạp hóa của gia đình Lê Minh Phương và chính Phương là người gây nên thương tích cho cháu Tùng, nên đã triệu tập về cơ quan công an để làm rõ. Tại cơ quan công an, Phương khai nhận do trước đây đã nhiều lần bị mất trộm nên khá bức xúc.

Vì thế, khi thấy một bóng đen lẻn vào nhà lúc nửa đêm, Phương nghĩ là trộm nên rất bực tức, sẵn có kiếm trong nhà đã chém vào người đó, không biết chém vào đâu.

Chỉ đến khi thiếu niên trên bị thương ngã xuống, Phương mới dừng lại. Khi Phương hỏi cậu này là ai, ở đâu đến thì mới hay là người cùng địa phương. Hung khí Phương dùng để đánh Tùng là một thanh kiếm sắt đầu nhọn, chuôi bằng gỗ dài 99cm, rộng khoảng 4cm.

Xác minh sơ bộ thương tích của Nguyễn Đăng Tùng tại bệnh viện cho thấy Tùng bị một vết thương ở vùng đỉnh đầu dài khoảng 20cm và bị vỡ xương đỉnh, tụ máu trong não. Phần khuỷu tay có vết thương khoảng 10cm nhưng đứt gân cơ, lộ xương khuỷu tay, đứt mõm khuỷu tay phải.

Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT - CAQ Bắc Từ Liêm đã quyết định tạm giữ hình sự và ra lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của Lê Minh Phương. Kết quả giám định pháp y nêu rõ, Tùng bị liệt hoàn toàn nửa người bên phải, tạm thời đánh giá tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 61%.

Căn cứ vào thương tổn của Tùng và hành vi của Lê Minh Phương, VKSND cùng cấp đã đồng ý với quan điểm của Cơ quan CSĐT - CAQ Bắc Từ Liêm, thay đổi tội danh từ “Cố ý gây thương tích” sang tội danh “Giết người” theo Điều 93 Bộ luật Hình sự. Việc công an truy tố chủ nhà đánh trộm tội giết người như trên đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Trao đổi với báo chí, Trung tá - Nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học) - nguyên Điều tra viên Đội Điều tra trọng án (Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TP Hà Nội) - cho rằng, sở dĩ người dân quan tâm vì trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ kẻ đột nhập, giết hại nhiều người trong một gia đình, điển hình như vụ Lê Văn Luyện (vụ trộm tiệm vàng ở Bắc Giang), Nguyễn Văn Kỳ (trộm đâm chết chủ nhà ở Thạch Thất, Hà Nội) hay Nguyễn Hải Dương (thảm án Bình Phước)…

Trong vụ vừa xảy ra ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), chủ nhà có hành vi tấn công, gây thương tích cho kẻ đột nhập lại dính vào vòng lao lý, khiến nhiều người hoang mang, khó hiểu, vì điều này có vẻ trái ngược với Điều 15 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về quyền phòng vệ chính đáng.

Tuy nhiên, qua việc nghi phạm bị khởi tố về tội “Giết người” theo Điều 93 BLHS, có thể thấy rằng hành vi tấn công tên trộm của chủ nhà đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá không phải là hành vi phòng vệ chính đáng.

Trung tá Hiếu cho rằng, với hành vi đột nhập của bị hại trong vụ việc này, việc nghi phạm tự vệ, phòng vệ là cần thiết và đó là quyền phòng vệ chính đáng để bảo đảm sự an toàn cho bản thân và gia đình.

“Đặt tình huống nửa đêm bất ngờ có bóng đen xuất hiện trong nhà, quyền phòng vệ chính đáng theo Điều 15 BLHS lập tức được đặt ra ngay đối với chủ nhà, chứ không cần phải đợi kẻ gian phải có hành vi tấn công mới thực hiện quyền phòng vệ.

Theo tôi, việc đánh phủ đầu, tấn công trước là được phép vì bản thân hành vi đột nhập vào chỗ ở trong đêm đã ẩn chứa những nguy cơ cực lớn về khả năng xảy ra án mạng. Qua các vụ thảm án đã xảy ra, có thể thấy luôn có sự chuyển hóa về tội phạm từ hành vi “trộm” sang hành vi “cướp”.

Chỉ cần chủ nhà không biết cách ứng xử, “kích hoạt” nỗi sợ bị bắt trong tâm lý tội phạm, kẻ gian sẵn sàng dùng hung khí mang theo để tấn công chủ nhà, ngăn ngừa triệt tiêu khả năng bất lợi cho mình xảy ra.

Vì vậy, trong xử lý các vụ án có yếu tố phòng vệ, phải đặc biệt cân nhắc đến yếu tố này. Cần để cho người dân được thực hiện cái quyền mà pháp luật đã dành cho họ.” - Trung tá Đào Trung Hiếu phân tích.

Một chuyên gia nghiên cứu tội phạm học khuyên gia chủ cách xử lý như sau:

- Cần xác định mạng sống của mình và những người trong nhà vào thời điểm đó là quan trọng nhất, không vì tâm lý tiếc tài sản mà giằng co lấy lại. Bạn hãy tảng lờ như ngủ say, không la hét hay xông vào bắt giữ.

- Chủ nhà cũng không nên đuổi đánh kẻ đột nhập vì rất có thể từ nạn nhân trở thành thủ phạm.

- Khi bị khống chế, bạn phải tuyệt đối phục tùng không để chúng bị kích động, song cố gắng nhớ đặc điểm nhận dạng để báo cơ quan công an.

Nghi phạm bị khởi tố tội Giết người.

Cần thận trọng, tránh oan sai

Đánh giá về tội danh cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố đối với chủ nhà, Trung tá Hiếu cho biết, ông chưa có đủ thông tin để đưa ra nhận xét. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm điều tra trọng án, ông đã đặt ra nhiều giả thuyết để phân tích vụ việc.

“Trường hợp trong đêm nghi phạm chợt phát hiện thấy trong nhà có trộm đột nhập, bản năng tự vệ dẫn nghi phạm đến việc dùng dao, kiếm chém loạn xạ trong bóng tối khi chưa bật đèn, dẫn đến hậu quả gây thương tích cho bị hại, thậm chí là tử vong.

Theo tôi, hành vi đó có dấu hiệu phòng vệ, chứ không phạm tội. Hoặc nếu đánh giá nghi phạm hành động vượt quá mức cần thiết, căn cứ yếu tố hậu quả, cơ quan tố tụng có thể xử lý nghi phạm về tội giết người (hoặc cố ý gây thương tích) do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Các luật sư cho rằng, việc định tội danh trong trường hợp này không phải là đơn giản. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần hết sức thận trọng, tránh xảy ra oan sai.

Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách gia luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, khi xem xét hành vi phạm tội của Lê Minh Phương, cơ quan tố tụng cần thiết đánh giá nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội, lỗi của bị hại trong vụ án này để xử lý tương ứng với hành vi gây thương tích cho nạn nhân theo quy định của các nhóm tội liên quan đến tính mạng, sức khỏe tại Chương XII BLHS.

“Về mặt khách quan của tội phạm, hành vi dùng hung khí tác động vào vùng trọng yếu trên cơ thể người khác đã có dấu hiệu phạm tội giết người theo Điều 93 BLHS. Trường hợp nạn nhân không chết, người gây án vẫn phải chịu trách nhiệm phạm tội chưa đạt theo Điều 18 BLHS.” - luật sư Tạ Anh Tuấn phân tích.

Phân tích sâu về vụ án trên, luật sư Tuấn dẫn giải một số quy định của pháp luật như Hiến pháp 2013 quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và bảo vệ quyền sở hữu của công dân (Điều 22 và Điều 32).

Đặc biệt, Giải đáp số 02 của Chánh án TAND Tối cao năm 2017 có hướng dẫn áp dụng pháp luật đối với Nghị quyết số 04/1986 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về tội danh “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.

Từ đó, luật sư Tuấn cho rằng, Lê Minh Phương thực hiện hành vi phạm tội trong hoàn cảnh bị hại đã có lỗi - thực hiện hành vi trộm cắp tài sản vào buổi đêm.

“Hành vi đột nhập vào tiệm tạp hóa lúc nửa đêm của nạn nhân đã gây sự bức xúc, dẫn đến việc Phương không kiềm chế được bản thân do bị kích động tâm lý nên đã sử dụng hung khí chém nạn nhân gây thương tích. Việc chém này nhằm ngăn chặn hành vi đột nhập, xâm phạm chỗ ở và tài sản.

Hành vi của Phương có dấu hiệu phạm tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, quy định tại Điều 95 BLHS.” - Trưởng Văn phòng luật sư Bách gia luật và Liên danh nhận định.

Về cơ sở pháp lý để truy tố Lê Minh Phương theo Điều 95 BLHS, luật sư Tuấn nhìn nhận, Lê Minh Phương thực hiện hành vi giết người do bị kích động mạnh về tinh thần, được hiểu là khi không còn nhận thức được đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nghĩa là mất khả năng nhận thức tạm thời, mất khả năng tự chủ và không thấy hết được tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình.

“Bị hại đã có hành vi trái pháp luật như xâm phạm chỗ ở của nghi phạm và thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Hành vi trái pháp luật của bị hại là nguyên nhân Phương bị kích động mạnh về tinh thần.

Hành vi trái pháp luật của nạn nhân và tinh thần bị kích động mạnh của Lê Minh Phương có quan hệ nhân quả, tất yếu. Có hành vi trái pháp luật của bị hại mới có việc Lê Minh Phương chém gây thương tích cho bị hại.” - luật sư Tuấn phân tích.

Hiện nay, dư luận đang xôn xao trước lời của mẹ bị hại rằng khi xảy ra sự việc, nghi phạm đã bật điện, thấy rõ bị hại là một cậu bé, không có vũ khí, bị hại đã quỳ xuống xin lỗi nhưng vẫn bị chém dã man.

Trung tá Hiếu cho rằng, nếu lời khai này là đúng thì hành vi chém trộm của chủ nhà không còn yếu tố phòng vệ nữa, tuy nhiên vẫn có yếu tố tinh thần bị kích động do hành vi trái pháp luật của nạn nhân.

“Theo tôi, trong điều kiện ánh sáng điện, nếu chủ nhà chém bị hại để thỏa mãn ác tính, nhằm vào đầu là bộ phận trọng yếu trên cơ thể để chém, thì có dấu hiệu của tội “Giết người”.

Nhưng nếu là chém bừa, trúng đâu thì trúng, thì thực tiễn xét xử là hậu quả đến đâu, xử lý đến đó. Nếu nạn nhân không chết, xử lý bị can về tội “Cố ý gây thương tích” là có căn cứ.

Các cơ quan tiến hành tố tụng cần làm rõ thương tích của bị hại được hình thành trong thời điểm nào. Các vết thương ở vùng trọng yếu được hình thành trong bóng tối hay khi nghi phạm đã bật đèn” - Trung tá Hiếu phân tích.

Anh Tài

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/tranh-cai-vu-chu-nha-chem-trom-bi-truy-to-toi-giet-nguoi-d59097.html