Tranh cãi việc EU tài trợ năng lượng hạt nhân trong ngân sách giai đoạn 2028-2034
Ủy ban châu Âu muốn chuyển một phần ngân sách của EU trị giá 2 nghìn tỷ euro - vốn được đề xuất cho giai đoạn 2028-2034, sang đầu tư cho năng lượng hạt nhân. Động thái này có thể gây chia rẽ các quốc gia thành viên của khối, trong đó Đức là nước đã ngay lập tức bác bỏ.

Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh Reuters
Trong phụ lục của đề xuất ngân sách được công bố vào thứ Tư 16/7, Ủy ban đã liệt kê năng lượng hạt nhân là hoạt động mà các quốc gia có thể tài trợ thông qua phần ngân sách quốc gia của mình - cụ thể là bổ sung công suất năng lượng phân hạch mới.
Động thái này sẽ là sự thay đổi lớn đối với EU, vì ngân sách hiện tại không tài trợ cho các nhà máy điện hạt nhân thông thường, qua đó phản ánh xung đột lâu dài giữa các thành viên EU ủng hộ năng lượng hạt nhân như Pháp và Thụy Điển, và các quốc gia theo năng lượng truyền thống phản đối năng lượng hạt nhân như Đức và Áo.
"Đức phản đối mọi khoản trợ cấp cho năng lượng hạt nhân từ ngân sách EU", Bộ trưởng Môi trường Carsten Schneider cho biết hôm thứ Năm 17/7, đồng thời ông nhấn mạnh Berlin tôn trọng sự lựa chọn của các quốc gia khác trong việc xây dựng lò phản ứng. Tuy nhiên, ông Schneider cho biết: "Tôn trọng chủ quyền quốc gia trong các vấn đề năng lượng cũng có nghĩa là không yêu cầu EU tài trợ cho con đường tốn kém này".
Bộ Năng lượng Pháp chưa trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Bộ trưởng Năng lượng Thụy Điển Ebba Busch cũng từ chối bình luận.
Đề xuất ngân sách của Ủy ban lần này có thể sẽ là dấu mốc bắt đầu cho quá trình nhiều năm đàm phán căng thẳng giữa các quốc gia EU. Từ lâu, các nước EU đã bất đồng quan điểm về việc có nên thúc đẩy năng lượng nguyên tử để giảm lượng khí thải CO2 hay không, một tranh cãi vốn đã làm chậm trễ công tác hoạch định chính sách về biến đổi khí hậu và năng lượng trong khối.
Tuy nhiên vào đầu năm nay, Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết Berlin không còn phản đối việc coi năng lượng hạt nhân ngang bằng với năng lượng tái tạo trong các chính sách của EU. Các quốc gia bao gồm Đan Mạch và Ý cũng đã thay đổi quan điểm, không còn phản đối năng lượng hạt nhân như trước đây. Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao EU cho biết sự mềm mỏng này không đồng nghĩa với việc khuyến khích EU ủng hộ tài trợ hạt nhân.
Một nhà ngoại giao của các nước EU cho biết: "Sẽ không có chuyện tiền của EU được dùng cho chương trình hạt nhân mới". Rõ ràng, ngân sách hiện tại của EU cấm các quốc gia thành viên xây dựng nhà máy điện hạt nhân bằng cách sử dụng phần đóng góp của họ trong quỹ phát triển khu vực.