Tranh cãi về việc đánh giá chuẩn giáo viên theo Thông tư 20

Không ít trường học hiện nay, lại dùng chiêu thức ép buộc tất cả giáo viên trong trường phải có 2 loại chứng chỉ này mới đánh giá giáo viên đủ chuẩn.

Từ năm học này, giáo viên các trường học phổ thông đánh giá theo chuẩn mới được quy định trong Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT.

Việc triển khai cách đánh giá giáo viên theo chuẩn mới này đang gặp không ít khó khăn vì “ông nói gà bà nói vịt”.

Yêu cầu ngoại ngữ trong chuẩn giáo viên có khả thi (Ảnh minh họa: TTXVN)

Một số vị lãnh đạo ngành giáo dục địa phương lợi dụng chuyện này để ép giáo viên phải đi học lấy chứng chỉ ngoại ngữ và tin học gây bất bình trong đội ngũ nhà giáo.

Những minh chứng để đánh giá

Những tiêu chuẩn, tiêu chí của chuẩn giáo viên mới gần như không khác so với việc đánh giá chuẩn cũ trừ tiêu chuẩn 5 (tiêu chí 14, tiêu chí 15).

Tiêu chí 14, Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT quy định rõ:

Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.

Có 3 mức để xếp như Đạt, Khá và Tốt.

Mức đạt chỉ yêu cầu: Có thể sử dụng được các từ ngữ giao tiếp đơn giản bằng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) hoặc ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

Phần gợi ý thu thập minh chứng trong Quyết định số 4530 BGDĐT/ NGCBQLGD về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư 20/2018/TT-BGDĐTcũng nêu rõ:

Yêu cầu ngoại ngữ trong Chuẩn hiệu trưởng, Chuẩn giáo viên xa rời thực tế

Ý kiến ghi nhận, các nhận của nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/Ban Giám hiệu…về việc giáo viên có thể sử dụng được các từ ngữ giao tiếp đơn giản bằng ngoại ngữ…

Hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ đạt mức 1/16 theo khung năng lực ngoại ngữ dành cho Việt Nam hoặc các chứng chỉ tương đương về ngoại ngữ do các đơn vị có thẩm quyền cấp…

Tiêu chí 15 cũng quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục

Mức đạt yêu cầu:

Sử dụng được các phần mềm ứng dụng cơ bản, thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục và quản lý học sinh theo quy định; hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng, khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục theo quy định;

Phần gợi ý thu thập minh chứng cũng nêu rõ:

Ý kiến ghi nhận, các nhận của nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/Ban Giám hiệu…về việc giáo viên về trình độ tin học đạt chuẩn kĩ năng về sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy học, giáo dục.

Hoặc chứng chỉ hợp lệ xác nhận trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/03/2004 do Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hoặc kế hoạch và kết quả thực hiện kế hoạch dạy học, công tác hàng năm có tích hợp ứng dụng công nghệ, thiết bị công nghệ trong dạy học và công tác quản lý học sinh.

Là không hiểu hay cố tình không hiểu?

Trong các phần thu nhận minh chứng về tiêu chí ngoại ngữ và vi tính có cụm từ “sử dụng được…” và từ Hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Việc xếp chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông theo Thông tư 20 quá phức tạp

Chứng tỏ, chuẩn mới cũng chỉ yêu cầu giáo viên “sử dụng được” hoàn toàn không yêu cầu buộc giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ và vi tính.

Nhiều giáo viên cho biết, sử dụng được ngoại ngữ theo yêu cầu của chuẩn mới “các từ ngữ giao tiếp đơn giản bằng ngoại ngữ” thì rất nhiều thầy cô sẽ đạt ở mức này.

Bởi, 10 năm học ngoại ngữ ở phổ thông, 3 - 4 năm học ở trường cao đẳng hoặc đại học hầu như thầy cô giáo nào cũng có được vốn kiến thức ngoại ngữ nhất định để giao tiếp đơn giản như yêu cầu

Với trình độ vi tính cũng thế, gần như 100% giáo viên đều biết vi tính để soạn giáo án, vào phần mềm Vendu đánh giá nhận xét học sinh hằng kỳ…

Vậy mà không ít trường học hiện nay, lại dùng chiêu thức ép buộc tất cả giáo viên trong trường phải có 2 loại chứng chỉ này mới đánh giá giáo viên đủ chuẩn.

Có hiệu trưởng còn cho rằng, giáo viên nào không có 2 loại chứng chỉ trên sẽ bị xếp vào loại không đạt chuẩn.

Ùn ùn đi “học” chứng chỉ trong nỗi ấm ức.

Giáo viên nào chẳng sợ bị xếp vào loại chưa đạt chuẩn. Xếp như thế chẳng khác nào tự sa thải mình.

Bởi thế, sự sợ hãi đã buộc họ tìm đến các trung tâm để đăng kí nộp tiền thi lấy chứng chỉ.

Bỏ ra khoảng hơn 2 triệu đồng (có nơi gần 4 triệu) là có ngay 2 loại chứng chỉ mang về nộp.

Để có khoản tiền này, không ít thầy cô giáo đã phải đi vay mượn tiền, bóp chặt chi tiêu hàng tháng để trả dần.

Chỉ sướng cho các trung tâm ngồi rung đùi mà vẫn có người tìm đến nộp tiền.

Thông tư quy định trình độ ngoại ngữ, trình độ vi tính của giáo viên là không sai.

Cách mà khá nhiều địa phương dựa vào đó để ép buộc giáo viên tìm cách “mua” chứng chỉ mới là đáng trách.

Mai Hoa

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/tu-van-phap-luat/tranh-cai-ve-viec-danh-gia-chuan-giao-vien-theo-thong-tu-20-post198323.gd