Tranh cãi về vai trò khí đốt trong Liên minh châu Âu

8 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, chủ yếu là ở Đông Âu, đang ra sức bảo vệ rằng khí đốt là một nhiên liệu cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng.

Bulgaria, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Hungary, Litva, Ba Lan, Romania và Slovakia đã ký kết một văn bản dài hai trang, chuyển đến Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu ngày 22/5, kêu gọi đưa "khí đốt và các nhiên liệu khí khác như biomethane và các loại khí đã khử cacbon vào chiến lược hướng tới một châu Âu trung hòa carbon vào năm 2050”.

Vị trí của khí tự nhiên trong quá trình chuyển đổi năng lượng của EU vẫn còn gây tranh cãi. Ngân hàng Đầu tư châu Âu đã quyết định ngừng tài trợ cho bất kỳ dự án mới nào liên quan đến nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả khí đốt, từ năm 2022.

Nhưng về vấn đề này, EU vẫn chưa đưa ra quyết định trong các quy định về đầu tư cho năng lượng xanh. Trong các cuộc thảo luận nhằm thiết lập một phân loại đầu tư theo đóng góp của các nhiên liệu cho quá trình chuyển đổi sinh thái, khí đốt (cũng như điện hạt nhân) vẫn chưa được giải quyết. Loại nhiên liệu đã không được loại trừ rõ ràng ra khỏi các nhiên liệu hóa thạch trong các quy định của EU.

Tám quốc gia trên tin rằng khí đốt tự nhiên có thể là "nguồn dự phòng và cân bằng quan trọng", cho các nước thời gian để phát triển năng lượng tái tạo và điều chỉnh mạng lưới điện. "Điều cần thiết là duy trì sự hỗ trợ và giúp đỡ tài chính của EU cho việc phát triển cơ sở hạ tầng khí đốt thông qua một khuôn khổ thuận lợi, các quỹ đầu tư và các khoản cho vay ", 8 nước trên cho biết và thêm rằng nếu không sẽ làm tăng chi phí chuyển đổi và giá năng lượng cho người tiêu dùng.

Nh.Thạch

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tranh-cai-ve-vai-tro-khi-dot-trong-lien-minh-chau-au-571526.html