Tranh cãi về thuế kỹ thuật số giữa Mỹ - EU: Gia tăng căng thẳng thương mại

Cuộc tranh cãi về thuế kỹ thuật số giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa có hồi kết khi Pháp vừa cho biết sẽ đánh thuế các 'gã khổng lồ' về công nghệ trực tuyến như Google, Apple, Facebook… dựa trên thu nhập của các tập đoàn này trong năm 2020. Động thái trên có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương sau một thời gian tạm lắng.

Các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ sẽ bị Pháp áp thuế kỹ thuật số trong tháng 12-2020.

Theo thông báo từ Bộ Tài chính Pháp, các hãng công nghệ lớn được yêu cầu đóng thuế kỹ thuật số theo đúng kế hoạch vào tháng 12-2020. Việc đánh thuế có thể mang lại 500 triệu euro mỗi năm cho đất nước hình lục lăng. Pháp cũng ước tính, nếu loại thuế này được triển khai đồng bộ tại EU sẽ giúp “ngôi nhà chung” thu về khoảng 5 tỷ euro mỗi năm.

Các nhà lãnh đạo EU cho rằng, thời gian qua, 5 "đại gia" Mỹ là Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft với biệt danh "Big Five" đã thống trị lĩnh vực kỹ thuật số toàn cầu. Dù lợi nhuận khổng lồ chảy vào túi các tập đoàn này, song họ chỉ trả bình quân 9% thuế thu nhập, còn các doanh nghiệp truyền thống phải trả tới 23%. Số lượng các công ty công nghệ chỉ khoảng 10% nhưng lợi nhuận chiếm tới 80% toàn thế giới. Để tránh nộp thuế cao, 5 tập đoàn nói trên đã tìm đến các "thiên đường trốn thuế" hoặc chuyển lợi nhuận qua các nước áp thuế thấp như Ireland hay Hà Lan thuộc EU. Theo luật của EU, các công ty Mỹ có thể thông báo tổng thu nhập của họ trên toàn liên minh cho một quốc gia thành viên.

Trong bối cảnh các quy tắc thuế hiện hành đã lỗi thời và thế giới chưa có thỏa thuận quốc tế về thuế, một số nước EU đã chọn giải pháp xây dựng luật thuế kỹ thuật số riêng mà đi đầu là Pháp. Vào tháng 7-2019, Paris đã ban hành thuế kỹ thuật số ở mức 3% thu nhập của các công ty cung cấp dịch vụ bán hàng trực tuyến cho các nhà bán lẻ là bên thứ ba, cũng như quảng cáo kỹ thuật số và bán dữ liệu cá nhân. Mức thuế này nhắm vào các công ty có doanh thu kỹ thuật số trên toàn thế giới ít nhất 750 triệu USD/năm và doanh thu ở Pháp hơn 25 triệu euro/năm.

Tuy nhiên sau đó, Pháp đã đạt được thỏa thuận với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc ngừng áp thuế trên trong khi các bên tìm kiếm một thỏa thuận thuế kỹ thuật số mang tính toàn cầu dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Thế nhưng, hồi tháng 10 vừa qua, OECD cho biết thỏa thuận như vậy sẽ không thể "ra đời" trong năm 2020 như kỳ vọng, phần lớn là do sự phản đối của Mỹ.

Không ít lần Washington cảnh báo sẽ “đáp trả tương xứng và tương thích” nếu các thành viên EU có ý định đơn phương áp thuế các hãng công nghệ hàng đầu. Theo quan điểm của Chính phủ Mỹ, loại thuế này là không công bằng với các hãng công nghệ số và gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ. Phía doanh nghiệp công nghệ cũng phản bác rằng, loại thuế mới trên thực tế là đánh thuế hai lần, trùng với thuế doanh nghiệp các hãng đã phải đóng cho khoản doanh thu dịch vụ kỹ thuật số phát sinh tại nước mình đóng trụ sở.

Ông Clete Williams, cựu cố vấn kinh tế của chính phủ Mỹ còn nhận định rằng, các biện pháp thuế quan do Pháp thiết lập nhằm thu thuế tối đa từ các hãng công nghệ cao của Mỹ nhưng lại nương tay với các doanh nghiệp công nghệ cao trong nước. Tất nhiên, Mỹ cũng có phản ứng của mình khi đang lên kế hoạch áp mức thuế 25% đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Pháp ước tính trị giá 1,3 tỷ USD/năm.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây ra những tổn thất nặng nề tới nền kinh tế thế giới, các biện pháp “ăn miếng, trả miếng” giữa Mỹ và các thành viên EU liên quan đến thuế kỹ thuật số nếu xảy ra sẽ tác động xấu đến nền kinh tế của hai bên vốn đã gặp quá nhiều khó khăn và đang chật vật tìm cách phục hồi.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/984748/tranh-cai-ve-thue-ky-thuat-so-giua-my---eu-gia-tang-cang-thang-thuong-mai