Tranh cãi về 'quyền được chết' sau vụ bác sĩ Nhật Bản giúp bệnh nhân tự tử

Vụ bắt giữ 2 bác sĩ giúp đỡ một người phụ nữ mắc bệnh nan y tự tử đã làm dấy lên tranh cãi về việc hợp pháp hóa 'quyền được chết' tại Nhật Bản.

Bà Yuri Hayashi đã qua đời tại nhà riêng ở Kyoto sau khi đã tiêm một lượng thuốc an thần gây chết người. Ảnh: DPA

Bà Yuri Hayashi đã qua đời tại nhà riêng ở Kyoto sau khi đã tiêm một lượng thuốc an thần gây chết người. Ảnh: DPA

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), bà Yuri Hayashi, 51 tuổi, đã qua đời từ tháng 11/2019 tại nhà riêng ở Kyoto. Người phụ này được cho là đã chấp thuận để các bác sĩ tiêm cho bà một liều thuốc an thần gây chết người. Hai bác sĩ sau đó đã chính thức bị bắt giữ vào hôm 23/7 vừa qua.

Bác sĩ Yoshikazu Okubo, người điều hành một phòng khám đa khoa có trụ sở tại tỉnh Miyagi, phía bắc Nhật Bản, và Naoki Yamamoto đang bị thẩm vấn vì nghi ngờ giết bà Hayashi. Năm 2011, bệnh nhân này được chẩn đoán mắc bệnh thoái hóa thần kinh (hay còn gọi là bệnh xơ cứng teo cơ một bên).

Căn bệnh này hiện nay vẫn chưa có cách chữa trị và bệnh đã tiến triển đến mức bà Hayashi không thể di chuyển và cần hỗ trợ 24 giờ. Truyền thông địa phương cho biết bà thường bày tỏ nỗi thất vọng khi tình trạng bệnh ngày càng xấu đi và cảm thấy bất lực khi không có khả năng tự kết liễu mạng sống của mình. Bà đã nhiều lần mong muốn được chết trong các tin nhắn và bài đăng trên Twitter và blog cá nhân.

“Tôi không còn lý do gì để tiếp tục sống với cơ thể này nữa”, một trong những lời nhắn mà bà Hayashi đã để lại viết.

Bà Hayashi liên tục bày tỏ ý nguyện được chết trên phương tiện truyền thông xã hội. Ảnh: EPA

Sau khi vụ việc được khởi tố, nhiều người cho rằng đây là một điều rất kỳ lạ vì không có chuyên gia chăm sóc sức khỏe nào lại ủng hộ quyền được chết. Trong khi đó, các điều tra viên cho biết bác sĩ Okubo, người đầu tiên phản hồi lại lời nhắn của bà Hayashi khoảng 11 tháng trước khi qua đời, đã đề nghị giúp bà thực hiện ý nguyện. Họ cho biết lời đề nghị của bác sĩ đã khiến người phụ nữ “bật khóc vì hạnh phúc”.

Vào ngày quyết định kết liễu đời mình, bà Hayashi nói với người chăm sóc rằng có một số người bạn đến thăm. Khoảng 10 phút sau khi những người này rời đi, người chăm sóc phát hiện ra rằng bà đã rơi vào tình trạng bất tỉnh. Bà đã qua đời tại một bệnh viện địa phương ngay sau đó.

Sau đó, một thông tin cho biết bà Hayashi đã chuyển 9.500 USD (khoảng hơn 220 triệu đồng) vào một tài khoản liên quan đến bác sĩ Okubo vài ngày trước khi qua đời.

Ông Yasuyuki Gondo, một nhà tâm lý học tại Đại học Osaka, chuyên gia về bệnh nhân cao tuổi, cho biết, quyền được chết hay việc lựa chọn cái chết êm ái – việc từ chối điều trị kéo dài sự sống cho một người – đã được quy định rõ ràng trong luật pháp Nhật Bản. Ông nhấn mạnh đây là vấn đề “vô cùng phức tạp”.

“Truyền thống chăm sóc người thân đã tồn tại lâu đời trong xã hội Nhật Bản, ngay cả khi người bệnh nằm liệt giường. Đã có một số tranh luận về việc kết liễu cuộc sống của người đã mất ý thức, như những người đang duy trì sự sống bằng ống thở. Tuy nhiên, không có nhiều người đồng ý đó là việc nên làm”, ông nói.

Người cao tuổi Tokyo tại một ngôi đền ở Nhật Bản. Ảnh: AFP

Một nghiên cứu phát hiện phần lớn người già cho biết họ sợ trở thành gánh nặng cho gia đình hoặc con cái mình. Họ thà chết còn hơn là làm phiền người khác. Một số cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng có đến 70% - 80% người dân Nhật Bản ủng hộ việc hợp pháp hóa quyền được chết, giống như Thụy Sĩ, Hà Lan và một số quốc gia khác.

Một tổ chức ủng hộ quyền được chết cho rằng con người có quyền từ chối được chăm sóc nếu họ đang trong tình trạng sức khỏe giai đoạn cuối và khuyến khích mọi người rèn luyện “ý chí sống”. Họ cho biết Nhật Bản “không nên chấp thuận quyền được chết trước khi thay đổi nhận thức và cải cách các quy tắc về ý chí sống”. Ngoài ra, quyền tự quyết về việc kết liễu cuộc sống của mỗi người là “việc theo đuổi hạnh phúc và do đó điều này cần được hiến pháp bảo đảm”.

Tuy nhiên, nhà tâm lý học Gondo nghĩ rằng sự thay đổi này rất khó khăn.

“Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận về điều này trong quá khứ. Tuy nhiên, những người bảo thủ và người có tư tưởng chính thống không muốn chấp thuận vấn đề này. Họ cho rằng sự sống lâu dài luôn là một kho báu và không bao giờ là gánh nặng”, ông nói.

Bố của bà Hayashi, cụ Kazuo Hayashi, đã chỉ trích bác sĩ đã kết liễu cuộc đời con gái mình. Cụ ông cho biết mình không nghĩ rằng bà Hayashi đã rất tuyệt vọng đến nỗi muốn chết.

“Tôi chắc chắn sẽ ngăn Hayashi lại nếu tôi biết điều đó. Tôi không nghĩ có cha mẹ nào có thể đồng ý cho con họ làm điều đó. Tại sao họ có thể kiếm tiền bằng cách lợi dụng điểm yếu của một cá nhân”, cụ Kazuo nói.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tranh-cai-ve-quyen-duoc-chet-sau-vu-bac-si-nhat-ban-giup-benh-nhan-tu-tu-20200728155511763.htm