Tranh cãi về khoản phạt hơn 5 tỷ USD của Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS

Cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đã giảm mạnh sau phán quyết của tòa án Pháp - yêu cầu UBS phải nộp 4,5 tỷ euro (khoảng 5,1 tỷ USD vì ngân hàng này phạm tội rửa tiền và dụ dỗ khách hàng bất hợp pháp. Theo phán quyết đưa ra tại Paris, khoản phạt kể trên đã bao gồm 907 triệu USD bồi thường thiệt hại dân sự mà UBS phải trả cho nước Pháp.

Và mức phạt 5,1 tỷ USD gần bằng lợi nhuận ròng của UBS thu được trong năm 2018. Giới chuyên môn cho rằng, UBS đang phải đối mặt với khoản phạt tài chính lớn sau khi tòa án Pháp đưa ra phán quyết - họ đã tìm cách giúp khách hàng giàu có trốn thuế. Tại phiên tòa hồi cuối năm ngoái, các công tố viên Pháp từng yêu cầu UBS phải nộp phạt hơn 6 tỷ USD.

Về phần mình, ngay sau khi tòa án Pháp đưa ra phán quyết gây sốc, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ cho biết, sẽ đưa ra phát ngôn sớm nhất có thể theo các quy định về công bố thông tin, đồng thời kháng cáo. "USB tin rằng, số tiền phạt không được hậu thuẫn bằng các chứng cứ mạnh mẽ với những cáo buộc liên quan", đại diện UBS từng tuyên bố. Bởi UBS cho rằng, họ bị tòa buộc tội thiếu cơ sở.

UBS - ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ.

UBS - ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ.

Gần 5 tháng trước (8-10-2018), UBS bị buộc tội khuyến khích khách hàng chuyển tiền ra nước ngoài để trốn thuế ở Pháp bằng chiến thuật "xứng tầm James Bond". Được biết, cựu giám đốc quản lý tài chính của UBS ở Tây Âu Dieter Kiefer cũng bị xét xử vì vai trò trong vụ án kể trên.

Tờ Le Temps từng nói về mức án phạt có thể lên tới hơn 5 tỷ USD. Bởi từ cuối tháng 7-2014, Tòa phúc thẩm Paris đã nâng mức bảo lãnh lên 1,1 tỷ euro đối với UBS. Theo giới truyền thông, để đưa ra những cáo buộc đối với ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, cơ quan chức năng Pháp đã mở cuộc điều tra kéo dài tới 6 năm.

Các điều tra viên đã có tài liệu chứng minh, UBS từng cử nhân viên của họ tìm khách hàng ở nhiều quốc gia, bất chấp việc những người này thiếu giấy phép hoạt động ngân hàng và hộ chiếu châu Âu. Những người này đã sử dụng máy tính được mã hóa, dùng thẻ tín dụng không rõ chủ đầu tư và được yêu cầu chuyển khách sạn thường xuyên.

Và trước sự chăm sóc chu đáo của UBS, họ đã có 38.000 tài khoản của khách hàng Pháp, với số tiền lên tới hàng tỷ euro. Điều đó đồng nghĩa với việc, UBS đã giúp hàng chục nghìn tài khoản che giấu số tiền lên tới 13 tỷ USD mà không phải đóng một khoản thuế nào. Và các hoạt động gian lận thuế diễn ra trong giai đoạn 2004-2012.

Trước khi tòa án Pháp đưa ra phán quyết kể trên, UBS từng bị Tòa án Nhân quyền châu Âu công bố quyết định phải nộp thế chấp khoản tiền 1,1 tỷ euro do các cáo buộc gian lận thuế. Việc này diễn ra hơn 2 năm trước (tháng1-2017), sau khi Tòa án Nhân quyền châu Âu bác đơn kháng cáo của UBS nộp lên tòa án Pháp.

Khoản thế chấp này chỉ là "biện pháp tạm thời", không đồng nghĩa với việc UBS đã bị kết tội. Và quyết định này được coi là đòn giáng mạnh vào nỗ lực của UBS trong việc dàn xếp cuộc chiến pháp lý liên quan đến hành vi gian lận thuế tại Pháp.

Dư luận từng cho rằng, việc Văn phòng Công tố viên Pháp chính thức mở cuộc điều tra UBS sau khi cuốn sách "600 tỷ euro mất tích khỏi nước Pháp" được xuất bản năm 2012. Ngày 11-7-2012, cảnh sát Pháp đã khám xét chi nhánh UBS tại thành phố Bordeaux vì bị tình nghi rửa tiền và trốn thuế lên tới hàng tỷ euro.

Ngoài ra, cảnh sát còn điều tra chi nhánh của UBS ở thành phố Lyon và Strasbourg. UBS bị truy tố tại Pháp diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia siết chặt tình trạng trốn thuế. Và Bộ trưởng Ngân sách Pháp Jerome Cahuzac phải từ chức với thú nhận đã cất giấu hàng trăm nghìn euro ở các ngân hàng Thụy Sỹ và Singapore trong hàng chục năm qua. Được biết, mỗi năm Pháp thất thu từ 40 đến 50 tỷ euro tiền thuế, tương đương với 3% GDP của nước này.

10 năm trước (2009-2019), UBS từng phải trả 780 triệu USD cho các cơ quan chức năng Mỹ để chấm dứt kiện tụng về tình trạng trốn thuế của các tỷ phú xứ sở cờ hoa. Giới chuyên môn từng tuyên bố, biểu tượng 3 chiếc chìa khóa lồng vào nhau của UBS thể hiện tính bảo mật tuyệt đối dành cho chủ tài khoản khi ký gửi tiền bạc, kim cương hay tài liệu bí mật ở đây. Và đó được coi là một trong những địa chỉ ưa thích của giới siêu giàu trên thế giới tìm đến khi muốn cất giấu tài sản. 3 năm trước (tháng 2-2016), Bỉ từng chính thức cáo buộc UBS về tội tổ chức trốn thuế ở cấp độ nghiêm trọng. Hà Lan cũng gửi yêu cầu UBS cung cấp thông tin về tài khoản của công dân nước này gửi tại Thụy Sĩ để điều tra thuế.

Mạnh Phong

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/tranh-cai-ve-khoan-phat-hon-5-ty-usd-cua-ngan-hang-lon-nhat-thuy-si-ubs-534847/