Tranh cãi về học sinh Trung Quốc phải mặc đồng phục gắn GPS

Nhiều trường học ở Trung Quốc bắt học sinh mặc đồng phục gắn hệ thống định vị GPS để quản lý. Việc này khiến không ít người lo ngại cuộc sống riêng của các em bị xâm phạm.

Để quản lý học sinh, nhiều trường ở tỉnh Quý Châu và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, sử dụng loại đồng phục thông minh tích hợp hệ thống định vị GPS. Học sinh mặc đồng phục đồng nghĩa việc nhà trường và cha mẹ có thể theo dõi, dễ dàng xác định vị trí của các em.

Ngăn chặn học sinh trốn học

Theo China Daily, đến đầu tháng một, 9 trường ở Quý Châu và 2 trường ở Quảng Tây yêu cầu học sinh mặc đồng phục thông minh đến lớp. Sản phẩm này do Công ty Công nghệ Quan Vũ Quý Châu ở thành phố Quý Dương phát triển.

Với đồng phục thông minh, giáo viên và phụ huynh ngay lập tức phát hiện những học sinh trốn học. Ảnh minh họa: China Daily.

Với đồng phục thông minh, giáo viên và phụ huynh ngay lập tức phát hiện những học sinh trốn học. Ảnh minh họa: China Daily.

Khi học sinh mặc đồng phục đến trường, khoảng thời gian này sẽ được ghi lại thành video ngắn. Phụ huynh có thể truy cập hệ thống theo dõi thông qua ứng dụng trên điện thoại di động. Đồng phục cũng gắn hệ thống nhận diện gương mặt để đảm bảo người mặc là chủ nhân thực, tránh trường hợp đổi áo để gian lận.

Khi học sinh trốn học, hệ thống báo động trên đồng phục sẽ gửi thông tin tới giáo viên và phụ huynh. Nếu học sinh ra khỏi trường khi chưa được cho phép, hệ thống cảnh báo bằng giọng nói được kích hoạt.

Wang Ping - Chủ tịch Công đoàn trường Trung học Tu Văn ở huyện Tu Văn, thành phố Quý Dương - cho biết hơn 1.000 học sinh lớp 10 của trường đã mặc đồng phục thông minh hơn một tháng nay.

Mỗi em có 4 đồng phục, gồm hai bộ mùa đông và hai bộ mùa hè. Mỗi bộ giá 320 nhân dân tệ, tương đương giá đồng phục thông thường.

Khi học sinh bước vào trường, phòng học hay ký túc xá, hệ thống có thể hiển thị thông tin của các em, bao gồm họ tên, ảnh, lớp học. Nhân viên căn cứ vào đó để quản lý, đồng thời thông báo tới phụ huynh.

Dễ khiến học sinh nổi loạn hơn

Sau khi thông tin về đồng phục thông minh xuất hiện trên truyền thông, dư luận xuất hiện hai luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người chỉ trích đồng phục công nghệ đang "siết chặt" cuộc sống của các em, khiến việc đi học trở nên ngột ngạt.

"Nếu là học sinh, bạn có thích bị giám sát 24 giờ mỗi ngày không", tài khoản Sangguo_Sunny bình luận trên Weibo.

Không ít ý kiến phản đối việc dùng công nghệ để giám sát học sinh, cho rằng nó tước đi quyền tự do cơ bản của con người. Một số người thậm chí lên án gay gắt cách quản lý mới này vì xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của trẻ.

"Trẻ em thì không có nhân quyền và quyền riêng tư sao?", người dùng mạng Dawson-HO đặt câu hỏi.

Việc giám sát học sinh bằng đồng phục thông minh tạo ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trên mạng xã hội Weibo. Ảnh minh họa: Getty.

Trong khi đó, một bộ phận khác cảm thấy đồng phục thông minh có ích và phù hợp xu thế phát triển chung khi công nghệ được ứng dụng rộng rãi vào các mặt đời sống. Theo họ, nhìn vào mặt tích cực, đồng phục tích hợp GPS và hệ thống cảnh báo không chỉ giúp trường, phụ huynh quản lý học sinh tốt hơn mà còn hỗ trợ trong trường hợp trẻ mất tích.

Đồng phục thông minh cũng nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía trường học và nhiều phụ huynh. Zhao Shengyong, người có con theo học tại trường Trung học Tu Văn, cho biết ông rất vui và cảm thấy hài lòng về chức năng giám sát của đồng phục mới.

"Con học tại trường nội trú, vợ chồng tôi khó quản lý. Đồng phục gắn hệ thống theo dõi sẽ khiến con biết tôi phát hiện nó trốn học. Việc giám sát một thiếu niên không dễ. Tôi sẵn sàng dùng mọi biện pháp để theo sát con", ông nói.

Đại diện trường cũng lên tiếng ủng hộ việc sử dụng đồng phục thông minh. Trả lời phỏng vấn báo Global Times, ông Lin Zongwu - Hiệu trưởng trường Trung học số 11 Nhân Hoài, tỉnh Quý Châu - khẳng định dù có thể theo dõi học sinh mọi thời điểm trong ngày, trường sẽ sử dụng chức năng giám sát một cách vừa phải.

Vị hiệu trưởng cam đoan không kiểm tra vị trí cụ thể của học sinh khi tan học, đồng phục chỉ được dùng để quản lý các em, tránh chuyện trốn học hay trong trường hợp học sinh mất tích. Ông nói thêm từ khi yêu cầu học sinh mặc đồng phục thông minh, tỷ lệ học sinh đến lớp tăng rõ rệt.

Đáp lại làn sóng chỉ trích trên Weibo, phía công ty Quan Vũ cũng lên tiếng đảm bảo "luôn tôn trọng và bảo vệ nhân quyền" của học sinh sử dụng đồng phục.

Ông Li Daguo, đại diện pháp lý của công ty, cho biết chỉ phụ huynh và giáo viên có quyền truy cập thông tin do đồng phục ghi lại. Công ty cam đoan bảo vệ quyền riêng tư của học sinh. Tuy nhiên, bất chấp sự ủng hộ từ phụ huynh hay lời đảm bảo của trường và công ty, nhiều người vẫn lo ngại về tác động tiêu cực của đồng phục thông minh đối với học sinh.

Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia, cho rằng việc giám sát hành vi của trẻ ảnh hưởng xấu đến tâm lý của các em.

"Khi học sinh cảm thấy bị theo dõi, các em sẽ hành xử khác và hành động trái với nguyện vọng của chính bản thân. Cách làm này dễ dẫn đến hành vi nổi loạn", ông giải thích.

Chuyên gia này nói thêm việc cha mẹ áp đặt ý nghĩ của mình lên con cái khiến con đánh mất năng lực tự quyết định.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tranh-cai-ve-hoc-sinh-trung-quoc-phai-mac-dong-phuc-gan-gps-post906403.html