Tranh cãi trả lời mail trên đường đi làm có được tính là làm thêm giờ?

Mỗi ngày, hàng nghìn người di chuyển trên các tuyến xe hoặc phương tiện công cộng khác để đi làm, họ tranh thủ thời gian này để giải quyết một số công việc ở nhiệm sở.

Thời gian di chuyển từ nhà đến công ty nên được tính vào giờ làm việc, đề xuất này chắc chắn sẽ làm các ông chủ "xù lông", theo New York Times.

Trong một khảo sát tìm hiểu thói quen di chuyển bằng tàu điện của hàng nghìn người lao động, nhóm nhà nghiên cứu người Anh nhận thấy sự xuất hiện của WiFi trên ôtô và các phương tiện công cộng đã làm thay đổi cách thức làm việc của không ít người.

Họ tranh thủ thời gian di chuyển để tiếp tục chăm chú với chiếc điện thoại. Họ chăm chỉ nhận và soạn thư điện tử, đọc thêm tài liệu, hoặc xóa giấy tờ không cần thiết.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Tây Anh Quốc cho rằng những hoạt động này không khác gì làm thêm ngoài giờ. New York Times dẫn báo cáo của họ cho thấy hơn 50% người lao động sử dụng thời gian di chuyển từ nhà đến công ty để giải quyết công việc.

"Là một giảng viên, tôi nhận thấy không ai thắc mắc chuyện tôi làm việc ở đâu miễn là nó hoàn thành", bà Juliet Jain, học giả tại Trung tâm Giao thông Xã hội thuộc Đại học Tây Anh Quốc, cho biết.

Một người tranh thủ làm việc tại ga Gare Saint-Lazare ở Paris. France. Ảnh: AFP

Một người tranh thủ làm việc tại ga Gare Saint-Lazare ở Paris. France. Ảnh: AFP

Với WiFi, ai cũng có thể làm việc từ bất kỳ đâu

Bà Jain cho rằng càng bộn bề công việc, những đối tượng được nghiên cứu càng nhận thấy "(chuyện làm việc trên đường đến công ty) không phải là làm thêm ngoài giờ, mà chỉ là cách giúp cuộc sống của họ 'dễ thở' hơn".

Lối sống cân bằng giữa công việc và đời sống riêng là khái niệm vô cùng được ưa chuộng trong thời hiện đại. Nhiều công ty lắp đặt máy mát-xa như một cam kết giảm tải áp lực cho nhân viên, các sếp liên tục nhấn mạnh việc chú trọng đến gia đình và sức khỏe.

Tuy nhiên, tình trạng quá tải công việc vẫn ngày càng phổ biến. Cuối năm 2017, truyền thông xôn xao trước thông tin một nữ nhân viên 31 tuổi người Nhật tử vong vì phải làm ngoài giờ đến 159 tiếng mỗi tháng.

Tại Nhật Bản, việc nhân viên ngủ lại văn phòng rất phổ biến và được xem là dấu hiệu của thái độ siêng năng. Tuy nhiên, chính phủ Nhật đã "tuyên chiến" với vấn nạn làm việc quá sức.

Năm 2017, Pháp, quốc gia quy định giờ làm việc tiêu chuẩn là 35 tiếng/tuần, đưa ra luật mới, buộc các công ty lớn cho phép nhân viên ngắt kết nối Internet và chặn thư điện tử ngoài giờ làm. Tại nhiều quốc gia khác, những điều luật tương tự đang được thử nghiệm.

Năm 2013, Bộ Lao động Đức yêu cầu thanh tra giám sát không liên lạc với nhân viên ngoài giờ làm chính thức. 2 năm trước đó, tập đoàn sản xuất ôtô Volkswagen bắt đầu thực hiện quy định tắt máy chủ vào cuối ngày làm việc, không cho phép nhân viên gửi hay nhận thư điện tử ngoài giờ.

Tại Anh, đặc biệt là ở London, người lao động mất trung bình 1 giờ cho việc di chuyển từ nhà đến công ty và ngược lại. Và không phải ai cũng có thể làm việc trong khi chen lấn trên những chuyến tàu điện. Họ thường bị thu hút bởi video giải trí hoặc những trò chơi như Candy Crush.

"Không phải ai cũng thích việc soạn thư trên đường đi làm", bà Jain cho biết.

Bà trò chuyện với những người đang trên đường đi làm và nhận thấy "có điều gì đó ẩn sau việc nhân viên giải quyết đống thư từ trên phương tiện công cộng, vì đây không phải giờ làm chính thức".

Công nhân viên tranh thủ giải quyết những cuộc gọi liên quan đến công việc trên đường đến nhiệm sở. Ảnh: Getty.

Trong hơn 40 tuần, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Tây Anh Quốc thực hiện khảo sát trên 5.000 công nhân viên di chuyển hơn 400 km để đi làm trên 2 tuyến tàu điện ở phía tây bắc London.

Nhóm nghiên cứu ghi lại cẩn thận cách những nhân viên này sử dụng WiFi trên tàu. Họ rút ra kết luận các nhân viên sử dụng thời gian di chuyển để làm việc, càng đi xa, càng nhiều công việc được giải quyết.

44% nhân viên trên tuyến tàu dài hơn, và 36% nhân viên trên tuyến ngắn hơn kiểm tra và trả lời thư điện tử trên đường từ nhà đến công ty hoặc ngược lại. Kết luận này đã được trình lên Hội Địa lý Hoàng gia Anh hồi cuối tháng 8.

Châu Âu dần thay đổi luật

Bà Jain khẳng định nghiên cứu trên chưa thể đưa ra cái nhìn tổng quát về vấn nạn làm việc quá tải ở Anh và mọi thay đổi về giờ làm việc tiêu chuẩn sẽ được chính phủ quyết định.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Âu đã bắt đầu nghiên cứu việc thay đổi luật, trong đó xét đến quá trình di chuyển của người lao động từ nhà đến nhiệm sở và thực tế rằng mọi người có thể online từ bất cứ đâu, vào bất cứ giờ nào với mạng 3G và 4G.

Theo New York Times, một vụ án được đưa ra tòa châu Âu hồi năm ngoái có thể ảnh hưởng đến quy định giờ làm việc tiêu chuẩn của cả châu lục. Tòa đưa ra phán quyết một số nhân viên ở Na Uy có thể tính thời gian di chuyển đến công ty vào thời gian làm việc chính thức.

Nhiều nước đang xem xét việc thông qua luật hạn chế kết nối ngoài giờ làm. Ảnh: Getty.

Vừa qua, tòa án có thẩm quyền cao nhất ở Pháp yêu cầu một công ty Anh bồi thường cho nhân viên số tiền lên đến 70.000 USD, sau khi công ty này yêu cầu người làm công mở điện thoại 24/24 để trả lời câu hỏi và tiếp nhận góp ý của khách hàng.

Luật sư Alexandra Sabbe-Ferri, người đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho công nhân tại Paris, khẳng định sự việc trên cho thấy cả chủ sở hữu lao động và người lao động đều xem việc phân biệt rõ ràng giữa giờ làm và thời gian riêng tư là một vấn đề vô cùng nghiêm túc.

"Quyền được ngắt kết nối di động nhắc chúng ta rằng mỗi người nên có thái độ phù hợp với công nghệ hiện đại", bà Sabbe-Ferri nói.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, quy định về quyền được ngắt kết nối ngoài giờ làm việc của Pháp chỉ tồn tại về mặt lý thuyết, cho đến khi tòa án ban hành các thông tư hướng dẫn, luật sư này cho biết.

Chi Mai (theo NYT)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tranh-cai-tra-loi-mail-tren-duong-di-lam-co-duoc-tinh-la-lam-them-gio-post873971.html