Tranh cãi tồi tệ nhất nhiều thập kỷ giữa Nhật Bản–Hàn Quốc chưa có lối thoát

Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết sẵn sàng gặp mặt sau khi Tokyo siết chặt xuất khẩu các mặt hàng quan trọng sang nước láng giềng, song lại không có nhiều động cơ chính trị để nhượng bộ trong vụ tranh cãi tồi tệ nhất nhiều thập kỷ qua.

Nhiều thập kỷ mất niềm tin khiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khó khăn trong việc tìm lối thoát cho căng thẳng thương mại vừa bùng phát giữa hai nước.

Căng thẳng gia tăng sau khi Chính phủ Nhật Bản ngày 4/7 bắt đầu siết chặt các quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao sử dụng trong sản xuất các chất bán dẫn và màn hình - gồm fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo), hydrogen fluoride và resist (chất cản màu). Theo đó, các công ty Nhật Bản sẽ phải xin cấp phép cho từng hợp đồng xuất khẩu các vật liệu này. Các biện pháp này có thể ảnh hưởng đến các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Electronics.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AFP

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AFP

Tờ Straits Times đưa tin một loạt mốc sự kiện quan trọng sắp đến, trong đó có cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản diễn ra ngày 21/7, đã gia tăng sức ép chính trị lên hai nhà lãnh đạo bởi cả hai đều không thể tỏ ra yếu mềm khi thương thuyết về những bất đồng lịch sử từ thời Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên (1910 – 1945).

Ngày 10/7, Tổng thống Moon – người đắc cử năm 2017 với cam kết sẽ xem xét lại toàn bộ chính sách của người tiền nhiệm để xoa dịu mối thù lịch sử với Nhật Bản – cảnh báo các lãnh đạo trong giới kinh doanh tại Seoul về một cuộc chiến kéo dài. Trong một cuộc tranh luận bầu cử tuần trước, ông Abe đã cáo buộc Hàn Quốc bội ước.

Ông Jonathan Berkshire Miller, chuyên viên cao cấp về vấn đề an ninh Đông Bắc Á tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản ở Tokyo, nhận xét: “Các nhà lãnh đạo của hai bên không hề tương đồng trong bất kỳ kế hoạch nối lại tình hữu nghị nào. Cảm nhận về ông Moon ở đây không tích cực còn Abe rõ ràng không được chào đón tại Hàn Quốc”.

Vụ căng thẳng bắt đầu bùng phát từ lúc tòa án Hàn Quốc ra quyết định thu giữ tài sản của công ty Nhật Bản để bồi thường cho người dân Hàn Quốc bị ép phải làm việc trong các nhà máy và hầm mỏ thời kỳ thuộc địa. Tuần trước, vấn đề này đã leo thang từ một cuộc tranh cãi ngoại giao khu vực thành một mối lo ngại thương mại lớn, sau khi Chính quyền của ông Shinzo Abe quyết định giới hạn xuất khẩu vật liệu công nghệ cao cho nước láng giềng.

Nếu không được kiểm soát, giới phân tích cảnh báo sẽ nổ ra một cuộc chiến kinh tế công khai giữa hai đồng minh chiến lược của Mỹ, điều mà họ vẫn cố tránh trong nhiều thập kỷ qua.

Nhật Bản cũng đang xem xét rút Hàn Quốc khỏi danh sách các thị trường xuất khẩu đáng tin cậy, động thái có thể ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng xuất khẩu hơn nữa. Ông Moon Jae-in dường như không thể chống đỡ thêm bất kỳ sự tuột dốc nào trong lĩnh vực kinh tế sau khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc trong quý 1 sụt giảm nghiêm trọng nhất trong vòng 10 năm.

Seoul đã đề nghị Washington giúp đỡ thông qua việc cử một cố vấn hàng đầu của Tổng thống Moon sang Mỹ và Ngoại trưởng Kang Kyung-wha điện đàm với người đồng cấp Mike Pompeo. Nữ ngoại trưởng Hàn Quốc đã nói với ông Pompeo rằng việc kìm hãm hoạt động xuất khẩu có thể tác động xấu lên trật tự thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, con đường để thỏa hiệp lại chỉ thêm phức tạp. Hàn Quốc suốt nhiều tuần gần đây đã kháng lại yêu cầu của Nhật Bản về việc mời trọng tài của nước thứ ba xử lý vấn đề lao động cưỡng ép trong quá khứ với lập luận rằng những người lao động này có quyền theo đuổi vụ kiện tại tòa án.

Trong khi đó, ông Abe cho biết việc siết chặt xuất khẩu vật liệu xuất phát từ những mối lo ngại về sự kiểm soát của Hàn Quốc đối với các vật liệu này, chứ không liên quan đến các bất đồng về bồi thường cho lực lượng lao động ép buộc.

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Hiroshige Seko ngày 9/7 cho biết ông cởi mở trước lời đề nghị gặp gỡ và thảo luận về vấn đề xuất khẩu của phía Hàn Quốc, song nhấn mạnh rằng Tokyo sẽ chỉ giải thích lập trường của mình chứ không đàm phám.

Các đồn đoán cho rằng những chất quý hiếm trên có thể rơi vào tay Triều Tiên để chế tạo vũ khí đã đổ thêm dầu vào lửa. Tổng thống Moon – người nhạy cảm với bất cứ thông tin nào cho rằng ông không ủng hộ lệnh cấm vận kinh tế do Mỹ áp đặt với Bình Nhưỡng – đã bác bỏ lập luận trên là vô căn cứ.
Ông Kak-Soo Shin, nguyên đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản giai đoạn 2011 – 2013, cho rằng: "Hai nước cần phải hạ nhiệt căng thẳng và nhìn vào mối quan hệ quan trọng của họ với một lăng kính lớn hơn”.

Theo ông Shin, để giải quyết mối tơ vò này thì Mỹ cần sử dụng “tầm ảnh hưởng của mình với hai đồng minh quan trọng tại Đông Bắc Á”, đồng thời hối thúc Seoul đề xuất một giải pháp cho vụ tranh cãi về vấn đề lao động cưỡng ép và Tokyo rút bỏ các biện pháp siết chặt xuất khẩu.

Chính quyền Tổng thống Trump - cho đến nay vẫn ít bình luận công khai về vụ tranh cãi này - có thể có cơ hội để tháo gỡ vấn đề khi tân Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell đến Tokyo vào hôm 11/7.

Không có sự can thiệp của Mỹ, hai bên đang phải đối mặt với các sự kiện và cột mốc chính trị có khả năng gây gia tăng căng thẳng. "Không bên nào có thể giải quyết vấn đề này", ông Kunihiko Miyake, cựu nhân viên ngoại giao, hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Ritsumeikan ở Kyoto, Nhật Bản cho biết. Ông cho rằng bước ngoặt sẽ không xảy ra cho đến khi các doanh nghiệp và thị trường tài chính đưa ra một thông điệp mạnh mẽ.

Hoàng Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tranh-cai-toi-te-nhat-nhieu-thap-ky-giua-nhat-banhan-quoc-chua-co-loi-thoat-20190711145819711.htm