Tranh cãi thu phí người thăm nuôi 'phí chồng phí': Bộ Y tế lên tiếng

Đại diện Bộ Y tế cho rằng, mấu chốt không phải việc thu phí người thăm nuôi mà ở chất lượng cung ứng dịch vụ cho người nhà bệnh nhân đến đâu.

Mới đây, Facebook xuất hiện đoạn video có nội dung bệnh viện (BV) Đa khoa Khu vực Thủ Đức, TP.HCM buộc người nuôi bệnh qua đêm phải đóng 30 nghìn đồng chi phí chỗ ngủ, nước sinh hoạt, điện và các dịch vụ khác. Thông tin này khiến BV bị "ném đá", nhận nhiều chỉ trích.

Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức bị cộng đồng phản ứng dữ dội sau khi thu tiền thăm nuôi của thân nhân người bệnh. Ảnh: Dân trí.

Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức bị cộng đồng phản ứng dữ dội sau khi thu tiền thăm nuôi của thân nhân người bệnh. Ảnh: Dân trí.

Dân kêu "phí chồng phí"

Việc thu “trọn gói” thay vì thu theo dịch vụ mà người nhà bệnh nhân sử dụng, chưa kể chất lượng dịch vụ ở một số nơi còn kém, khiến người dân cảm thấy bức xúc. Nhiều người cho rằng bệnh nhân đã lâm vào cảnh khốn đốn "è cổ" đóng viện phí, nay lại thu thêm phí người thăm nuôi là "phí chồng phí", tận thu, móc túi người bệnh.

Mặc dù hiện nay, chưa có một quy định nào về việc thu phí với thân nhân của các bệnh nhân vào chăm sóc nhưng một số BV ở TP.HCM đã thu loại phí này trong mấy tháng qua. Ngoài ra, cũng có BV sau khi thu, do người dân phản ứng gay gắt nên phải tạm dừng.

Trong khi đó, khảo sát ở các bệnh viện lớn tại Hà Nội như BV Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản Trung ương, Bệnh viện K… mỗi ngày đón hàng nghìn người đến khám và điều trị. Thông thường, đi kèm theo mỗi người bệnh có một đến vài người nhà đi theo. Tuy nhiên, không hề xảy ra tình trạng thu phí thăm nuôi.

Ông Nguyễn Bá Tĩnh - Trưởng phòng Công tác xã hội (BV K, Hà Nội) cho biết, lý giải cho việc thu tiền được phản ánh, một số lãnh đạo bệnh viện cho rằng đó là chi phí trả cho tiền điện, nước, thang máy, bảo trì... của bệnh viện. Vì hiện tại những khoản này đã bị đội lên rất nhiều do chính những người thân khi chăm sóc bệnh nhân nội trú trong viện sử dụng.

Tuy nhiên, tại BV K từ trước đến nay không thu bất kỳ một khoản phí nào của người nhà bệnh nhân khi vào chăm sóc người bệnh. Bệnh nhân của BV K chủ yếu là bệnh nhân mắc bệnh nan y và thời gian điều trị dài. Nhiều trường hợp nằm lại viện điều trị không cần người nhà chăm sóc mà có các y tá. BV cũng không có chủ trương thu trong thời gian tới.

Bộ Y tế lên tiếng

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, mấu chốt không phải ở việc thu phí mà là ở việc cung ứng dịch vụ cho người thăm nuôi.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, những người thăm nuôi có điều kiện sẵn sàng chi trả cho những dịch vụ tiện ích xứng đáng. Tuy nhiên, những người khó khăn không thể bắt ép trả phí trọn gói, như thế là vô lý.

Nếu như có dịch vụ, BV phải làm đến nơi cung ứng đến chốn, phải có sự phục vụ hợp lý. BV nếu thu phí người thăm nuôi chỉ nên thu ở mức hợp lý, đủ để trang trải dịch vụ cung cấp cho người nhà người bệnh mà không phải thu để sinh lợi.

"Nếu BV có khả năng cung ứng cho người có nhu cầu, hướng tới phục vụ tiện ích cho người dân thì tốt. Nhưng những phí đó là phí tự nguyện, không thu phí trọn gói. Không thể có chuyện không sử dụng dịch vụ mà cũng bị thu phí" ,Thứ trưởng Tiến nêu quan điểm.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, việc thu phí thăm nuôi hiện không vi phạm pháp luật, không bị cấm nhưng cũng không được khuyến khích. BV nào muốn làm thì phải xin ý kiến của sở Y tế địa phương. Nếu được ủng hộ thì nên làm thí điểm, để đánh giá hiệu quả và sự hài lòng của người bệnh.

Hà Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/y-te/tranh-cai-thu-phi-nguoi-tham-nuoi-phi-chong-phi-bo-y-te-len-tieng-728233.ldo