Tranh cãi quyền đánh cá khiến Anh-EU chưa thể 'ly hôn'

Anh muốn thay đổi điều khoản thỏa thuận Brexit liên quan đến vấn đề Bắc Ireland, Pháp gửi tín hiệu.

Mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc điện đàm thảo luận một số vấn đề quan trọng ở khu vực, trong đó lãnh đạo hai nước nhất trí cùng thúc đẩy thỏa thuận Anh-Liên minh châu Âu (EU) trong giai đoạn hậu Brexit để nhanh chóng kết thúc tiến trình đàm phán.

Ngư trường đánh bắt cá đang là vấn đề nan giải trong đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu.

Ngư trường đánh bắt cá đang là vấn đề nan giải trong đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu.

Trước đó, ngày 6/9, trước thềm vòng đàm phán thứ 8 giữa Anh và EU được nối lại tại London, Thủ tướng Johnson đã đặt thời hạn chót để đạt một thỏa thuận thương mại hậu Brexit vào ngày 15/10 tới.

Tiến trình Brexit rơi vào nguy cơ bế tắc khi ngày 7/9 nổi lên vấn đề Chính phủ Anh đang có kế hoạch sẽ đặt lên bàn đàm phán với EU vào ngày 9/9 tới về việc Anh có quyền đơn phương giám sát các yếu tố trong quyết định Bắc Ireland.

Truyền thông Anh đã rò rỉ thông tin từ chính quyền Thủ tướng Boris Johnson cho thấy, dường như Số 10 phố Downing đang có ý định thay đổi điều khoản liên quan đến thỏa thuận đánh bắt cá và giao thương với Bắc Ireland.

Nếu điều khoản này được phía Anh sửa đổi thì nó sẽ vi phạm các thỏa thuận đã được thống nhất từ năm ngoái giữa Brussels và London. Nghị định đó quy định các vấn đề về Bắc Ireland và quyền công dân phải tuân theo luật của EU.

Dẫu vậy, cho đến nay, chính quyền của Thủ tướng Johnson chưa thể hiện rõ về việc họ có ý định sửa đổi các thỏa thuận về Bắc Ireland hay không.

Ông George Eustice, Bộ trưởng Môi trường của Vương quốc Anh trả lời phỏng vấn Sky News cho biết, vấn đề sửa đổi thỏa thuận về Bắc Ireland là "những điều phóng đại". Ông nói thêm rằng, "giao thức về Bắc Ireland đã được đồng ý" và là một phần của thỏa thuận rút khỏi Liên minh mà London không có ý định muốn sửa đổi.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của chính phủ Anh đã mô tả khả năng sửa đổi thỏa thuận về Bắc Ireland được đề xuất như "một quan điểm dự phòng".

CNN dẫn lời người phát ngôn cho biết: "Chúng tôi đang làm việc chăm chỉ để giải quyết các vấn đề còn tồn tại với Nghị định thư Bắc Ireland thông qua Ủy ban hỗn hợp và sẽ tiếp tục tiếp cận các cuộc thảo luận này một cách thiện chí. Với tư cách là một chính phủ có trách nhiệm, chúng tôi đang xem xét các phương án dự phòng trong trường hợp điều này không đạt được để đảm bảo các cộng đồng ở Bắc Ireland được bảo vệ."

Dù thỏa thuận thương mại và an ninh mới với EU có được ký kết vào cuối năm nay hay không, theo thỏa thuận Brexit, Bắc Ireland sẽ là khu vực duy nhất thuộc Anh còn ở lại trong thị trường thống nhất của EU từ năm 2021.

Theo đó, hàng hóa từ Bắc Ireland được chuyển tới các phần còn lại của Vương quốc Anh cũng phải áp dụng quy tắc kiểm tra hải quan. Điều này giống như tạo ra một đường biên giới mềm giữa chính Bắc Ireland và Anh.

Giới quan sát để ngỏ một khả năng phía Anh cố tình vi phạm thỏa thuận Brexit hòng đảm bảo hoạt động đánh bắt cá ở Bắc Ireland cũng như thuế quan ở đây.

Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh, nếu hai bên không đạt thỏa thuận thương mại tự do song phương vào tháng 10 tới, Anh sẽ có một thỏa thuận "theo kiểu Australia" với EU, hoặc tương tự như với Canada và các nước khác.

"Nếu chúng tôi có thể đạt được thỏa thuận mà điều phối thương mại giống Canada, điều đó là tuyệt vời. Nhưng nếu chúng tôi không thể có được một thỏa thuận như vậy, chúng tôi sẽ áp dụng một thỏa thuận thương mại giống như Australia, và London đã hoàn toàn sẵn sàng cho kịch bản đó" - Trưởng đoàn đàm phán của Anh, ông David Frost nói.

Hiện Australia đang giao dịch thương mại với EU theo các quy định và thuế quan của Tổ chức Thương mại thế giới (WHO).

Nhưng các chuyên gia cho rằng, trong tình huống London kiên quyết vi phạm thỏa thuận Brexit thì EU có quyền trừng phạt Anh, đưa ra Tòa án Công lý châu Âu. Theo đó, Tòa án có thể áp dụng lệnh trừng phạt nặng đối với Anh, treo một phần trong thỏa thuận rút khỏi EU, phát động các cuộc chiến tranh thương mại và áp thuế đối với Anh, thậm chí là còn có thể ra lệnh trừng phạt hàng xuất khẩu của Anh.

Trong bối cảnh London đang gánh chịu những thiệt hại nhất định từ việc "ly hôn" với EU, giá đồng bảng hạ thấp cũng như tình trạng kinh tế suy kiệt ảnh hưởng bởi đại dịch toàn cầu COVID-19 thì một kịch bản vi phạm thỏa thuận Brexit có thể sẽ không diễn ra.

Anh chính thức rời EU vào tháng 1/2020 nhưng hiện đang giao dịch thương mại với EU bằng các điều khoản như khi vẫn là thành viên của khối. Việc giao dịch như vậy sẽ được duy trì trong giai đoạn chuyển tiếp, dự kiến kéo dài đến cuối năm nay.

Giới chức châu Âu cho biết cần đạt thỏa thuận trước tháng 10, tức là chỉ còn chưa đầy hai tháng để tìm điểm chung và giải quyết bất đồng.

Nếu không đạt thỏa thuận, quan hệ thương mại Anh-EU sẽ chỉ dựa trên các chuẩn mực tối thiểu mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thiết lập, theo đó các mức thuế quan sẽ cao hơn hiện nay và các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thủ tục phiền hà hơn hiện nay, có thể ảnh hưởng xấu tới hoạt động thương mại và đầu tư ở hai bờ eo biển Manche.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tranh-cai-quyen-danh-ca-khien-anh-eu-chua-the-ly-hon-3418640/