Tranh cãi quanh việc Mỹ âm thầm thử nghiệm F-35 với S-400 của Nga tại Syria

Báo chí Nga cho rằng không quân Mỹ đã tiến hành đánh giá khả năng tác chiến của tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II với hệ thống phòng không S-400 Triumf được triển khai trên đất Syria từ vài năm nay.

Trang Avia-pro của Nga đăng tải ý kiến chuyên gia quân sự cho rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã âm thầm thử nghiệm khả năng tác chiến của máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lightning II với S-400 Triumf của Nga ở Syria từ vài năm nay

Chuyên gia Nga chú ý đến điều này dựa trên những trở ngại khó hiểu đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tác chiến các hệ thống S-400 mua từ Nga.

"Các thử nghiệm của Mỹ, bao gồm cho F-35 bay vào trong phạm vi quản lý của S-400 không ủng hộ chiếc tiêm kích tàng hình, cho thấy chúng không có khả năng tiếp cận an toàn khu vực cảnh giới của radar Nga".

"Những chiếc F-35 có lẽ đã được thử nghiệm thực tế trên S-400 từ 2 - 3 năm nay và máy bay chiến đấu Mỹ không đánh lừa được radar S-400 như kỳ vọng, nhưng nhiều khả năng Nga chưa nhận biết rõ điều đó", ghi chú của chuyên gia quân sự Nga.

Theo chuyên gia này, chính vì lý do trên mà Mỹ đang cản trở việc triển khai tác chiến đối với hệ thống S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ và cũng không mạo hiểm đưa tiêm kích F-35 của mình tới gần hơn 250 km so với khu vực có S-400.

"Hiện tại Washington nhận ra rằng nếu Tổng thống Erdogan tiết lộ lỗ hổng của F-35 đối với S-400 (do Ankara tham gia chương trình sản xuất nên biết rõ đặc điểm) thì Nga sẽ có khả năng bắn hạ F-35 trước khi chúng có thể gây hại".

"Nếu điều đó xảy ra sẽ khiến cho không quốc gia nào trên thế giới muốn mua chiếc tiêm kích tàng hình này. Ai cần F-35 khi chúng có thể bị bắn hạ từ một tổ hợp với chi phí rẻ hơn nhiều so với máy bay chiến đấu Mỹ", chuyên gia Nga nói thêm.

Ngoài ra báo chí Nga còn lưu ý rằng Israel cũng không dám sử dụng tiêm kích tàng hình F-35 của mình tại Syria, có thể họ nhận được khuyến nghị từ Washington, bởi vì S-400 của Nga có thể phát hiện ra và thậm chí giúp Syria hạ gục chúng.

Nhưng ở chiều ngược lại, truyền thông Mỹ cho rằng không có chuyện tiêm kích tàng hình F-35 phải e ngại S-400 thậm chí thực tế còn khác biệt hoàn toàn.

Những lần radar của S-400 tuyên bố phát hiện ra F-35 từ cự ly lớn đều chỉ là những chuyến bay luyện tập, khi đó F-35 bay cao và mang theo thiết bị làm tăng diện tích phản xạ radar (RCS) Luneberg Lens để che giấu chỉ số RCS thật sự.

Còn khi tác chiến thực tế thì tiêm kích F-35 sẽ bỏ thiết bị này đi và thực hiện đường bay phức tạp bám địa hình, khiến radar của S-400 không thể nhận biết chúng.

Lấy ví dụ, rất nhiều lần tiêm kích F-35I Adir của Israel đã đánh phá các mục tiêu bên trong lãnh thổ Syria mà radar của S-400 không thể phát hiện, bất chấp cự ly tiếp cận đã là rất gần.

Lực lượng phòng không Nga và Syria chỉ nhận biết được F-35I đã tham chiến khi phát hiện thấy mảnh bom đường kính nhỏ GBU-39 SDB (thứ vũ khí được thiết kế đặc biệt cho F-35) nằm trong đống đổ nát mà thôi.

Không chỉ riêng Israel, vào cuối tháng 2/2020, tiêm kích tàng hình F-35A của Mỹ cũng thực hiện vụ oanh kích ngay tại thành phố Al Tanf, cách nơi Nga triển khai S-400 có 250 km nhưng cũng không hề bị phát hiện.

Việt Dũng (Theo Avia-pro)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-tranh-cai-quanh-viec-my-am-tham-thu-nghiem-f35-voi-s400-cua-nga-tai-syria/852864.antd