Tranh cãi quanh Luật hôn nhân mới của Trung Quốc: [Bài 2] Bước ngoặt

Tòa án Trung Quốc yêu cầu người đàn ông trả cho vợ cũ 7.700 USD 'tiền bồi thường làm việc nhà' trong vụ ly hôn mang tính bước ngoặt.

 Quyền đòi bồi thường việc nhà trong thủ tục ly hôn không phải là một khái niệm mới trong luật pháp Trung Quốc. Ảnh minh họa: Getty Images.

Quyền đòi bồi thường việc nhà trong thủ tục ly hôn không phải là một khái niệm mới trong luật pháp Trung Quốc. Ảnh minh họa: Getty Images.

Theo tòa, số tiền đó để bồi thường công việc nhà mà người vợ phải gánh vác trong suốt cuộc hôn nhân kéo dài 5 năm. Phán quyết ly hôn mang tính bước ngoặt đã làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi.

Wang, một người nội trợ, đã yêu cầu chồng bồi thường số tiền tương đương 24.700 USD (khoảng 160.000 nhân dân tệ) sau khi chồng cô đệ đơn ly hôn tại tòa án quận ở Bắc Kinh vào tháng 10/2020. Wang cho biết cô phải một mình chăm sóc con và làm hết việc nhà, vì chồng cô "hầu như không quan tâm hoặc tham gia bất kỳ việc nhà nào", Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc (CNR) đưa tin .

Trong phán quyết của mình, tòa án yêu cầu người chồng phải trả cho Wang khoảng 7.700 USD như "tiền bồi thường việc nhà", sau khi chia đều tài sản chung của họ. Wang cũng được trao quyền giám hộ con trai của họ và 300 USD tiền cấp dưỡng mỗi tháng, theo CNR.

Feng Miao, Thẩm phán Chủ tọa vụ án giải thích rằng quyết định này được đưa ra theo Điều 1088 của Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quy định rằng "Khi một bên vợ hoặc chồng có thêm trách nhiệm nuôi con, chăm sóc cao tuổi hoặc giúp đối tác kia trong công việc của mình thì người vợ/chồng nói trên có quyền yêu cầu đối tác bồi thường khi ly hôn và bên kia phải bồi thường thỏa đáng".

Thẩm phán Feng Miao của Tòa án nhân dân quận Fangshan, Bắc Kinh đã phân chia tài sản vật chất chung của hai vợ chồng và dựa vào Bộ luật Dân sự để phán quyết về "tài sản vô hình" có được từ cuộc hôn nhân, bao gồm cả việc nhà.

Thẩm phán nói thêm rằng các tòa án sẽ cần phải "tích lũy kinh nghiệm" để xác định mức bồi thường trong những trường hợp như vậy trong tương lai.

Phán quyết này, được báo chí địa phương đưa tin lần đầu vào đầu tháng 2/2021, đã trở thành chủ đề thịnh hành trên Weibo, mạng xã hội tương tự Twitter của Trung Quốc. Tính đến nay, hashtag đã được xem hơn 500 triệu lần.

Và nó được tiếp thêm động lực sau khi truyền thông địa phương đưa tin rằng Wang kháng cáo, vì ban đầu cô yêu cầu bồi thường 160.000 nhân dân tệ.

Một số cư dân mạng đã ca ngợi phán quyết này, coi đó là sự công nhận công việc toàn thời gian của những người vợ.

Những người khác cho biết 50.000 nhân dân tệ để bồi thường lao động gia đình cho một người vợ toàn thời gian ở Bắc Kinh là không đủ, lưu ý rằng khoản tiền trả cho người dọn dẹp nhà cửa trong sáu tháng còn nhiều hơn thế.

Một số cư dân mạng, đưa vụ việc đi sâu hơn vào khía cạnh vấn đề giới tính, cho rằng phụ nữ dù sao cũng không nên làm nội trợ toàn thời gian.

Vai trò giới bất bình đẳng trong cuộc sống gia đình là chủ đề tranh luận của công chúng ở Trung Quốc trong những năm gần đây trong bối cảnh phong trào nữ quyền đang lên.

Mặc dù trình độ học vấn ngày càng cao và tình trạng kinh tế ngày càng tăng của phụ nữ, các chuẩn mực giới và truyền thống gia trưởng ở Trung Quốc vẫn chưa bắt kịp những thay đổi này, và phụ nữ vẫn phải đảm nhận hầu hết các công việc chăm sóc con cái và nội trợ sau khi kết hôn.

“Đời sống gia đình phức tạp, chưa kể có sự phân công lao động cả xã hội và gia đình nên khó định lượng được sức lao động. Hệ thống tài sản chung cũng đã tính đến vấn đề cân đối giữa hai bên các khoản đóng góp và lợi nhuận, vì vậy tôi không khuyến nghị tòa án hỗ trợ một số tiền lớn hơn cho việc kiện tụng bồi thường việc nhà", Chen Hao, một luật sư của Công ty Luật Shaanxi Dezun, nói với Thời báo Hoàn cầu hôm 22/2.

"Không có tiêu chuẩn rõ ràng về mức bồi thường là bao nhiêu. Tuy nhiên, tòa án đã tính toán dựa trên thời kỳ hôn nhân, thu nhập của gia đình, mức sống của cộng đồng và hơn thế nữa", luật sư ly hôn Yi Yi, Giám đốc Công ty Luật Bắc Kinh Jiali, nói với NBC News hôm 24/2.

“Các biện pháp bảo vệ theo Bộ luật Dân sự mới báo trước ‘một mùa xuân’ cho phụ nữ làm việc nhà nhưng bất chấp phán quyết, phụ nữ vẫn phải gánh vác hầu hết các công việc gia đình”, Yi phân tích.

Zhong Wen, một luật sư trợ giúp ly hôn tại tỉnh Tứ Xuyên nói với South China Morning Post: "Theo luật dân sự mới, hai bên cần đàm phán các biện pháp, và nếu đàm phán thất bại, pháp luật nên xử lý".

"Số tiền bồi thường trong vụ ly hôn nói trên là quá thấp", ông bổ sung.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính phụ nữ Trung Quốc dành gần 4 giờ mỗi ngày cho công việc không được trả lương, cao hơn khoảng 2,5 lần so với mức trung bình của nam giới.

Hương Lan

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tranh-cai-quanh-luat-hon-nhan-moi-cua-trung-quoc-bai-2-buoc-ngoat-d285048.html