Tranh cãi quanh bộ sách Tiếng việt lớp 1 Công nghệ giáo dục: Tưởng mới hóa cũ

Trước những ồn ào, tranh cãi về bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đang gây bão dư luận, vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã lên tiếng về bộ sách này. Theo đó, phương pháp học theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) đã được thông qua và áp dụng từ nhiều năm nay. Trong năm học 2018 - 2019, tài liệu TV1 - CNGD sẽ tiếp tục triển khai ở những địa phương theo nguyên tắc tự nguyện, nhưng không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sẽ không tái mù chữ

Giáo sư Hồ Ngọc Đại Ảnh: P.T

Giáo sư Hồ Ngọc Đại Ảnh: P.T

Thời gian vừa qua, bên cạnh việc tranh cãi về cách đánh vần Tiếng Việt, đọc thơ theo “vuông, tròn, tam giác”; tài liệu TV1-CNGD của GS Hồ Ngọc Đại còn nhận nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến một số bài đọc trong sách. Chẳng hạn, sách dùng quá nhiều từ địa phương, từ láy khó đọc, khó nhớ, kiến thức nặng nề so với học sinh lớp 1… Đặc biệt, nhiều phụ huynh còn bày tỏ ý kiến bức xúc, cho rằng sách có nhiều câu chuyện không phù hợp để đưa vào dạy trẻ lớp 1, các nhân vật xưng với nhau là “mày-tao”, ý nghĩa thì chỉ dạy các cháu cách sống tiểu xảo…

Trao đổi tại buổi tọa đàm về công nghệ giáo dục 4.0 mới đây, GS Hồ Ngọc Đại cho biết, trong số tất cả công trình của mình, sách TV1-CNGD do ông chịu trách nhiệm chiếm nhiều công sức và là thành tựu lớn nhất của ông. “Khi còn ở Liên Xô, các thầy tôi đã nói: Toán thì chắc không sao, nhưng Tiếng Việt thì chắc phải cần tới 50 năm. Người ta nói phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam, ý nói tiếng Việt rất phong phú.

Nhưng tôi dạy trẻ con, hết lớp 1, bất cứ ở miền nào đều đọc thông viết thạo, đúng chính tả. Đời sống trẻ con chỉ có một nên tôi phải tận dụng từng giây của chúng. Học sinh học xong là nắm chắc, không phải ôn tập, không phải học để thi. Học chữ nào là chắc chứ đó, không thể tái mù được” – Giáo sư Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh.

Mục đích của việc học chữ theo cách ký hiệu bằng các hình vuông, tròn, tam giác là để học sinh nắm được tiếng nói, phân biệt được tiếng nói và chữ viết. Theo GS Hồ Ngọc Đại, tiếng nói là vật thật, âm nghe được là vật thật; còn chữ cái chỉ là vật thay thế, có quy tắc, quy ước riêng. Đồng thời, chia sẻ thêm về việc ghép vần tạo thành các chữ vô nghĩa, GS Hồ Ngọc Đại cho biết, ngữ âm và tiếng nói là hai phạm trù khác biệt nhau. Học sinh lớp 1 chỉ cần phân tích về âm, chưa xét đến ngữ nghĩa. Khi đã có âm, nếu âm có nghĩa thì trở thành từ, sau đó đọc thành tiếng. Từ quan điểm này, Giáo sư đã xây dựng cách đánh vần dựa trên tiếng nói hằng ngày; hướng đến việc giúp trẻ sử dụng tiếng nói, đọc thông viết thạo.

Đảm bảo các yêu cầu của môn học

Trước những ồn ào, tranh cãi không đáng có quanh bộ sách TV1-CNGD, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã nêu quan điểm của Bộ GD&ĐT về việc triển khai bộ sách này. Theo đó, tài liệu TV1-CNGD là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS. TSKH Hồ Ngọc Đại thông qua các đề tài nghiên cứu và được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ (Hà Nội).

Sách Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. (Ảnh: Đ.T)

Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn Tiếng Việt ở lớp 1 tại Trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học Tiếng Việt lớp 1, nhất là ở những vùng khó từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017 trên tinh thần tự nguyện của các địa phương.

Theo quan điểm của Bộ GD&ĐT về sách TV1- CNGD, căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã đánh giá việc triển khai Tài liệu Tiếng Việt 1-CNGD ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên và đề xuất các giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả Tài liệu TV1-CNGD.

Trong năm 2017 và 2018, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt lớp 1, cùng với việc rà soát, tinh giảm các nội dung chưa phù hợp với học sinh trong sách giáo khoa hiện hành, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia Tài liệu TV1-CNGD. Sau 2 vòng thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đánh giá: Tài liệu TV1-CNGD về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học.

Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện KHGD Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định Tài liệu TV1-CNGD, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các sở GD&ĐT triển khai Tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới

Cuối năm 2016, tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai Tài liệu TV1-CNGD và đề xuất các giải pháp chỉ đạo. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát; Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã đánh giá việc triển khai Tài liệu TV1-CNGD ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên và đề xuất các giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả Tài liệu TV1- CNGD. Trong báo cáo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức Hội đồng thẩm định Tài liệu TV1-CNGD theo quy định và đề nghị các tác giả tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện tài liệu để đáp ứng nhu cầu của các địa phương.

Trong năm 2017 và 2018, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt lớp 1, cùng với việc rà soát, tinh giảm các nội dung chưa phù hợp với học sinh trong sách giáo khoa hiện hành, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia Tài liệu TV1- CNGD. Sau 2 vòng thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đánh giá: Tài liệu TV1- CNGD về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học (Theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006 của Bộ GD&ĐT). Tài liệu TV1- CNGD đã được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện theo Kết luận của Hội đồng thẩm định.

Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định Tài liệu TV1-CNGD, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các Sở GD&ĐT triển khai Tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tài liệu TV1 - CNGD là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số.Khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa”, tất cả các tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là sách giáo khoa đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định.

Căn cứ vào kết luận và đề xuất của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ phê duyệt danh mục sách giáo khoa (theo Chương trình giáo dục phổ thông mới) được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các quy định, các cơ sở giáo dục được phép lựa chọn sách giáo khoa phù hợp.

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tranh-cai-quanh-bo-sach-tieng-viet-lop-1-cong-nghe-giao-duc-tuong-moi-hoa-cu-79847.html