Tranh cãi kịch liệt: Bị đuổi học vì nói xấu thầy, cô

7 học sinh ở trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) bị đuổi học vì nói xấu thầy cô và nhà trường trong nhóm kín trên mạng xã hội.

Trường THPT Nguyễn Trãi, nơi xảy ra vụ việc.

Câu chuyện gây tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội ngày hôm qua, đó là việc trường THTP Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) ra quyết định kỷ luật 7 học sinh bằng hình thức đuổi học do phạm lỗi nói xấu, xúc phạm thầy cô và nhà trường trên mạng xã hội.

Thông tin trên báo chí cho biết, ngày 1/10, một nữ sinh lớp 10A5 sử dụng điện thoại trong giờ học bị giáo viên bộ môn thu giữ và giao cho chủ nhiệm lớp là cô Đậu Thị Bích. Chiều cùng ngày, tại phòng trực giám thị, do điện thoại của nữ sinh không bị khóa nên cô Bích thấy trên màn hình hiện cuộc nói chuyện nhóm Facebook có tên là “Động Cô Bích”.

Kiểm tra, cô giáo đọc được các cuộc trò chuyện nói xấu thầy cô, nhà trường, sự việc kéo dài nhiều ngày trước khi được phát hiện. Ban giám hiệu nhà trường sau đó mời đại diện hội cha mẹ học sinh và các phụ huynh liên quan thông báo, đồng thời yêu cầu học sinh viết tường trình.

Căn cứ mức độ vi phạm, Hội đồng kỷ luật nhà trường đã họp, đưa ra các mức phạt: buộc thôi học một năm đối với ba học sinh lớp 10A5 do vi phạm đạo đức. Bốn em nam khác bị đuổi học một tuần, một nữ sinh bị cảnh cáo trước toàn trường.

Theo thầy Bùi Nguyên Tiến- Hiệu trưởng nhà trường, khi sự việc vỡ lở, nhóm học sinh không ăn năn. "Nhà trường rất đau lòng khi phải kỷ luật các em. Tuy nhiên đây là hình thức nghiêm nhằm răn đe, giáo dục học sinh khác”, thầy Tiến nói.

Vụ việc này gây tranh cãi gay gắt trên cộng đồng mạng, người thì cho rằng nhà trường đưa ra quyết định như vậy là đúng, bởi học sinh bây giờ nhiều em quá hư, sử dụng những từ bậy bạ xúc phạm thầy cô, nếu không kỷ luật nghiêm thì các em sẽ không biết sợ. Lỗi mang điện thoại đến trường là sai, nhiều gia đình hiện nay quá nuông chiều con.

Nhóm phản bác lại không đồng tình. Họ cho rằng việc cô giáo xem tin nhắn (trong nhóm kín) của các học sinh là vi phạm “bí mật thư tín” của người khác. Thêm vào đó, các em dù có nói xấu thầy cô và nhà trường thì cũng là trong nhóm kín, không công khai, việc bày tỏ suy nghĩ của mình về thầy cô và nhà trường là quyền của các em, chẳng lẽ không được nói xấu mà chỉ được nói tốt. Việc bị các học trò nói xấu, nhà trường phải xem lại mình, đuổi học là biện pháp không nên sử dụng trong giáo dục, vì có thể làm hỏng tương lai của các học sinh này.

Thực sự đây là một trường hợp rất phức tạp, đặc biệt là khi chúng ta đang cùng tham gia vào “không gian ảo” khi việc nói xấu xảy ra trong “nhóm kín” trên mạng xã hội. Không phải không có lý khi mà có ý kiến cho rằng, cô giáo đã vi phạm “bí mật thư tín” và quyền tự do của học trò khi xem tin nhắn (dù là vô tình trên điện thoại không khóa). Nếu nội quy nhà trường quy định, học sinh không được sử dụng mạng xã hội mà nhóm học sinh này vẫn sử dụng, thì nhà trường có quyền kỷ luật các em. Còn nếu nhà trường không có quy định này thì có lẽ những người thầy, trước tiên cũng cần phải tôn trọng “bí mật thư tín” của học trò.

Cũng cần phải thừa nhận một thực tế, học sinh hiện nay không như các thế hệ tầm 20 năm trở về trước. Khi ấy, đạo “kính thầy” dường như vẫn còn được các em coi trọng hơn, và cái tình “yêu trò” của các thầy cô cũng chưa bị “thương mại hóa” đến phai nhạt như hiện nay. Việc các học sinh lập nhóm kín để xúc phạm thầy cô bằng những từ ngữ bẩn, dung tục đến mức không thể chấp nhận nổi trong môi trường học đường, là một kết cục đáng buồn, là hệ quả của tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp.

Giá như, lại là chữ “giá như”, môi trường giáo dục của chúng ta được trong lành, thanh sạch, có lẽ sẽ không có những câu chuyện buồn thế này. Trò ra trò, thầy ra thầy thì sẽ không có cảnh học sinh lập nhóm để xúc phạm thầy cô. Và cũng không có chuyện nhà trường “bất lực” đến mức không thể tiếp tục giáo dục các em, đành phải đưa ra hình thức kỷ luật cao nhất là đuổi học.

Một câu chuyện buồn cho ngành giáo dục. Nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận nó, như chấp nhận việc một kỳ thi quốc gia có hàng loạt địa phương sửa điểm thi để sinh ra hàng loạt thủ khoa, chấp nhận việc Bộ GD ĐT mới đây vừa đưa ra dự thảo “sinh viên sư phạm bán dâm không quá 4 lần”.

Khi chuẩn mực đã không còn, nhiều thứ sẽ xiêu vẹo, lộn xộn kéo theo. Cuộc tranh luận nên đuổi hay không đuổi các học sinh nói xấu thầy cô có lẽ sẽ khó mà có hồi kết. Và đó cũng là điều đáng phải suy nghĩ cho mỗi chúng ta.

Mi An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/tranh-cai-kich-liet-bi-duoi-hoc-vi-noi-xau-thay-co-3368326/