Tranh cãi không hồi kết về vụ bé gái 11 tuổi kết hôn tại Malaysia

Vụ việc cô bé 11 tuổi kết hôn với người đàn ông 41 tuổi tại Malaysia khiến nhiều người bức xúc, gọi đây là hủ tục. Tuy nhiên, một số khác coi đó là phong tục đạo Hồi.

Hai cô bé Norazila và Ayu là bạn thân, chia sẻ với nhau mọi thứ. Tuy nhiên, tình bạn đẹp ở vùng thôn quê phía bắc Malaysia bất ngờ tan vỡ cuối tháng trước, khi Norazila, 14 tuổi, biết tin Ayu, 11 tuổi, là vợ thứ 3 của cha em.

“Bạn thân của cháu giờ là mẹ kế. Cháu chẳng hiểu gì cả”, Norazila nói.

Che Abdul Karim Che Abdul Hamid, người cha 41 tuổi của Norazila, là một thương nhân giàu có nhờ buôn bán cao su. Cuộc hôn nhân giữa người này với bé gái 11 tuổi đang châm ngòi cho cuộc tranh cãi về việc duy trì truyền thống Hồi giáo trong xã hội Malaysia hiện đại.

Norazila, 14 tuổi, tại quán ăn của gia đình ở Gua Musang, Malaysia. Ảnh: New York Times.

Norazila, 14 tuổi, tại quán ăn của gia đình ở Gua Musang, Malaysia. Ảnh: New York Times.

Chính quyền chần chừ

Liên minh đảng Pakatan Harapan giành chiến thắng vào tháng 5 đã cam kết sẽ cấm tảo hôn. Tuy nhiên, từ khi vụ việc bùng nổ trên mạng xã hội, nhiều người chỉ trích chính phủ mới lấy cớ tự do tôn giáo, không bảo vệ trẻ vị thành niên.

Wan Azizah Wan Ismail, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Nữ giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng, gọi đây là “vụ việc vu khống” và “thật không công bằng nếu tự ý xử tội ai đó trên mạng xã hội dựa trên cảm xúc cá nhân”.

Nữ bộ trưởng từ chối bình luận về vụ việc của Ayu với lý do vụ này có liên quan tới nhiều cuộc điều tra đang được tiến hành.

Tuy nhiên, Latheefa Koya, luật sư về quyền con người, khẳng định: “Không có nghi ngờ gì hết. Cô bé là nạn nhân. Tại sao chúng ta lại chần chừ bảo vệ đứa trẻ? Vấn đề đáng lo ngại là sự thiếu nghiêm túc, thiếu cấp bách trong xử lý vụ việc”.

Không giới hạn độ tuổi kết hôn

Vào tháng 7, Ayu được đưa đến bệnh viện kiểm tra trinh tiết. Sau đó, cô bé đã gặp chồng và hai người thường ở cùng nhau.

“Tôi yêu cô ấy”, Che Abdul Karim nói qua điện thoại, khẳng định sẽ không “chạm” vào tân nương cho đến khi cô bé 16 tuổi. Ayu cũng từng viết trong tin nhắn rằng cô cũng yêu chồng, người đàn ông đã có 2 vợ và 6 con.

Nuraini Che Nawi, vợ cả của Abdul Karim, cho xem ảnh đám cưới giữa chồng mình và vợ 3, Ayu. Ảnh: New York Times.

Hệ thống luật pháp Malaysia tồn tại với hai hệ thống riêng biệt. Những người không theo đạo Hồi, ví dụ người gốc Hoa và Ấn Độ, không thể kết hôn cho đến khi 18 tuổi trừ khi có sự chấp thuận đặc biệt từ chính quyền.

Đối với người theo đạo Hồi (chiếm đa số), tòa án Shariah phải cho phép thì trẻ dưới 16 tuổi mới được kết hôn. Tuy nhiên, nếu một người nhận được sự chấp thuận từ chính quyền Shariah thì anh ta có thể cưới người thuộc bất kỳ độ tuổi nào. Điều này đồng nghĩa với việc không có giới hạn tuổi hôn nhân.

“Trong đạo Hồi, chỉ cần cô gái đồng ý, cha mẹ chấp thuận và cô gái đã có kinh nguyệt, thì có thể kết hôn”, Sayed Noordin nói. Ông là thầy tu ở nhà thờ Kuala Betis, nơi Che Abdul Karim thường tới. Theo Sayed, "Che Karim là một người đàn ông có trách nhiệm".

Tuy nhiên, tháng 7, tòa án Shariah bang Kelantan đã phạt Che Abdul Karim 450 USD vì kết hôn với Ayu khi chưa có sự cho phép của tòa.

Tảo hôn: Truyền thống đạo Hồi hay hủ tục lạc hậu?

Các nhà hoạt động xã hội vì quyền trẻ em tại Malaysia cho biết năm 2010, khoảng 15.000 bé gái dưới 15 tuổi là nạn nhân của tảo hôn. Trên toàn thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ước tính 650 triệu bé gái và phụ nữ kết hôn trước năm 18 tuổi.

Tuy nhiên, nỗ lực cấm tảo hôn từng thất bại tại Quốc hội Malaysia. Cựu thẩm phán Shabudin Yahaya là một trong những người phản đối lệnh cấm. Theo ông, một bé gái 9 tuổi có thể sẵn sàng cho hôn nhân nếu đã dậy thì.

“Cơ thể các em đã gần giống với năm 18 tuổi. Do đó, về tinh thần lẫn thể chất, không có bất kỳ chướng ngại nào ngăn cô bé kết hôn”, Shabudin nói.

Trong khi Mohamad Amar Nik Abdullah, phó thủ hiến bang Kelantan đồng thời là phó chủ tịch đảng Hồi giáo Malaysia, nhấn mạnh tảo hôn là hợp pháp trong đạo Hồi, nhiều người đặt nghi vấn phải chăng tảo hôn chỉ đơn thuần là hủ tục lạc hậu. Họ cho rằng có thể Nhà tiên tri Muhammad không kết hôn với người vợ 6 tuổi, và thực ra vợ của Muhammad có thể đã lớn hơn.

“Chúng ta không thể dựa vào một lỗi nhỏ trong lịch sử về Nhà tiên tri Muhammad để tha thứ cho nạn tảo hôn”, luật sư Latheefa cho biết. “Điều đó thật bệnh hoạn”.

Chờ luật tới bao giờ?

Tảo hôn ở Malaysia chủ yếu diễn ra nhờ ghép đôi không được tòa án công nhận. Tuy nhiên, các cặp đôi lệch tuổi khi tới đăng ký kết hôn cũng không hề gặp khó khăn. Theo nghiên cứu của UNICEF, trong 2.143 đơn đăng ký kết hôn với trẻ em được nộp lên tòa án 7 bang từ năm 2012 đến 2016, chỉ 10 hồ sơ bị từ chối.

Nhà của gia đình Ayu lại Gua Musang, bang Kelantan. Ảnh: New York Times.

Đôi khi, tòa án tán thành để hợp pháp hóa các vụ mang thai ngoài giá thú. Một số cuộc hôn nhân khác xuất phát từ việc gia đình bé gái quá nghèo. Ayu là ví dụ điển hình.

Gia đình Ayu chuyển từ Thái Lan tới Malaysia để cha em nhận công việc thu hoạch mủ cao su. Ayu lớn lên trong một ngôi nhà gỗ ọp ẹp. Trong khi đó, Che Abdul Karim sống trong dinh thự với chiếc xe thể thao Mazda RX-8 đỗ trước cổng. Nuraini Che Nawi, vợ cả, sở hữu quán ăn và tiệm bách hóa. Đây cũng chính là nơi mẹ của Ayu làm việc và cô bé cũng thường theo mẹ tới đây vì em không đi học.

Tháng này, Bộ trưởng phụ trách công tác tôn giáo Mujahid Yusof Rawa cho biết bộ đang bắt đầu nỗ lực để ban hành lệnh cấm tảo hôn đối với người Hồi. Tuy nhiên, ông cảnh báo việc thực thi được lệnh cấm sẽ còn tốn nhiều thời gian.

Trong lúc đó, hai người vợ đầu của Che Abdul Karim đã “kết bè” với nhau.

“Chúng tôi nói với ông ấy rồi. Hoặc chúng tôi hoặc cô bé đó. Ông không thể có cả ba”, Siti Noor Azila, vợ hai của Che Abdul Karim, nói.

Nhìn các con của mình, Siti Noor giãi bày: “Cha của chúng chưa bao giờ chăm sóc chúng. Ông ta thậm chí còn chẳng thích những đứa trẻ, ngoại trừ một đứa. Đó là Ayu”.

Ngọc Hà (theo New York Times)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tranh-cai-khong-hoi-ket-ve-vu-be-gai-11-tuoi-ket-hon-tai-malaysia-post864639.html