Tranh cãi không hồi kết giữa Mỹ và châu Âu về thuế kỹ thuật số

Cuộc tranh cãi về thuế kỹ thuật số đã khiến mối quan hệ vốn không mấy tốt đẹp giữa Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Pháp Macron ngày càng xấu đi.

Hôm 4/12, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchinkêu gọi tất cả các nước đình chỉ kế hoạch đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số mà Mỹ cho rằng không công bằng nhằm vào các công ty công nghệ Mỹ, để mở đường cho Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đạt được một thỏa thuận về thuế quốc tế. Lời kêu gọi này đưa ra sau những tranh cãi về thuế kỹ thuật số giữa Pháp và Mỹ khiến hai nước càng thêm bất đồng trong nhiều vấn đề quốc tế.

Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Trong thư gửi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin nhấn mạnh, những lo ngại của Mỹ đối với những dự luật thuế dịch vụ kỹ thuật số do Pháp và các quốc gia khác khởi xướng nhằm vào doanh thu chứ không phải lợi nhuận. Ông cho biết những người nộp thuế ở Mỹ ủng hộ sự chắc chắn về thuế lớn hơn, nhưng lo ngại rằng sự thay đổi các quy tắc bắt buộc khi các nước có quyền đối với các công ty thuế có thể ảnh hưởng đến "những trụ cột lâu dài" của hệ thống thuế quốc tế mà người đóng thuế ở Mỹ dựa vào.

Trong thư, ông Mnuchin khẳng định, Mỹ mong muốn hợp tác với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, nhưng có "mối quan ngại nghiêm trọng" về bất kỳ động thái nào nhằm loại bỏ một số cấu trúc thuế hiện tại như giá chuyển nhượng theo nguyên tắc xác định giá thị trường cho việc định giá chuyển nhượng hay các tiêu chuẩn cốt lõi về thuế. Theo ông Mnuchin, những lo ngại có thể được giải quyết bằng cách tạo ra một khung pháp lý theo nhóm trụ cột 1, nhóm cải cách thuế đầu tiên mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế muốn hoàn thành vào tháng 1/2020.

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, Pháp sẵn sàng cùng Mỹ giải quyết vấn đề tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế: “Chúng tôi sẵn sàng rút lại thuế kỹ thuật số khi có giải pháp quốc tế ở cấp độ OECD. Câu hỏi duy nhất bây giờ là liệu Mỹ có sẵn sàng chấp nhận Đề xuất quốc tế hiện đang ở trên bàn ở cấp độ OECD hay không. Chúng tôi sẵn sàng để đạt thỏa thuận về thuế quốc tế theo đề xuất của OECD. Nếu Mỹ sẵn sàng làm điều tương tự và cũng chấp nhận giải pháp quốc tế do OECD đề xuất thì mọi chuyện sẽ kết thúc”.

Những tranh cãi qua lại giữa Mỹ và Pháp diễn tra trong bối cảnh hôm 3/12, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố có thể sẽ áp thuế trả đũa lên tới 100% đối rượu sâm banh, phô mai và các sản phẩm khác của Pháp trị giá 2,4 tỷ USD sau khi kết luận rằng mức thuế dịch vụ kỹ thuật số 3% mới của Pháp sẽ gây thiệt hại cho các công ty công nghệ Mỹ. Đáp trả, Pháp đã gọi lời đe dọa thuế quan mà Mỹ đưa ra là “không thể chấp nhận” và Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng đáp trả nếu Mỹ áp đặt mức thuế mới. Bất kỳ hành động trả đũa nào từ Pháp sẽ được thực hiện ở cấp độ toàn EU.

Cuộc tranh cãi về bùng phát trong bối cảnh Mỹ và EU cũng vướng vào các cáo buộc trợ cấp không công bằng cho hai hãng hàng không Boeing và Airbus kéo dài 15 năm. Trước đó vào đầu tháng Bảy, Mỹ đề xuất mức thuế trị giá 4 tỷ USD nhằm vào một loạt sản phẩm của EU, với lý do EU trợ cấp cho nhà sản xuất máy bay Airbus. Cuộc tranh cãi về thuế kỹ thuật số đã khiến mối quan hệ vốn không mấy tốt đẹp giữa ông Donald Trump và ông Macron lại càng xấu đi. Hai nhà lãnh đạo trước đó đã xảy ra mâu thuẫn trong quan điểm về các vấn đề thương mại, biến đổi khí hậu và Iran./.

Vũ Anh Tuấn/VOV1
Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/tranh-cai-khong-hoi-ket-giua-my-va-chau-au-ve-thue-ky-thuat-so-986448.vov