Tranh cãi hậu bầu cử ở Cameroon

Vị tổng thống 85 tuổi của Cameroon, ông Paul Biya, cuối cùng đã được tuyên bố giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hôm 7-10, qua đó đắc cử nhiệm kỳ thứ 7 và tiếp tục mở rộng kỷ nguyên cầm quyền suốt 36 năm qua tại đất nước Trung Phi nghèo khó này.

Món quà đáng ngờ sau cuộc bầu cử gây tranh cãi

Hôm 24-10, Cameroon đã mời thầu xây dựng nhà mới cho Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp, hai ngày sau khi cơ quan này tuyên bố đương kim Tổng thống Paul Biya tái đắc cử nhiệm kỳ mới.

Tổng thống Biya sẽ 92 tuổi nếu đi hết nhiệm kỳ thứ 7. Ảnh: AP

Căn nhà trị giá gần 500.000 USD sẽ tọa lạc tại Thủ đô Yaounde. Trong khi thư mời thầu cho thấy căn hộ sẽ là công trình công cộng, thì nhiều người dân tại quốc gia này xem đây là món quà đặc biệt dành cho Thẩm phán Clement Atangana. Tuần rồi, Hội đồng Hiến pháp đã bác bỏ 18 đơn kiến nghị của phe đối lập xung quanh cuộc bầu cử. Một luật sư đối lập cáo buộc ông Atangana ủng hộ Tổng thống Biya. Đáp lại, Atangana phủ nhận thiên vị, đồng thời khẳng định mọi phán quyết của ông đều dựa trên luật pháp.

Theo kết quả kiểm phiếu trước đó, ông Biya, người giữ chức tổng thống từ năm 1982, giành được 71,3% số phiếu ủng hộ, so với chỉ 14% của ứng viên đứng thứ hai là Maurice Kamto, lãnh đạo Phong trào Tái sinh Cameroon (MRC). Ông Kamto phản đối kết quả chính thức vì cho rằng “có gian lận tràn lan” trong ngày bỏ phiếu 7-10.

Xung đột giữa cộng đồng nói tiếng Anh và tiếng Pháp

Đáng nói, sự kiện trên còn bị phủ bóng bởi tình trạng bạo lực và tỷ lệ đi bầu thấp ở 2 tỉnh nói tiếng Anh là Tây Nam và Tây Bắc. Trong hơn một năm qua, hai vùng này chịu ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình và tấn công của những phần tử ly khai, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Nhiều cử tri tại Tây Nam và Tây Bắc quay lưng với các điểm bỏ phiếu vì họ nhận thấy bị chính phủ do cộng đồng nói tiếng Pháp kiểm soát “loại ra khỏi xã hội”. Ông Biya lâu nay bị các nhóm nhân quyền cáo buộc điều hành “bộ máy tàn bạo”, đặc biệt nhắm vào những người sống ở các tỉnh nói tiếng Anh, vốn chiếm 20% dân số Cameroon.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết kể từ đầu năm nay, đã có 400 dân thường chết trong các vụ bạo lực leo thang giữa lực lượng an ninh và các nhóm ly khai vũ trang ở hai tỉnh này. Lực lượng ly khai đang biến nhiều thị trấn và làng mạc ở Tây Nam và Tây Bắc thành nơi “bất trị”.

Các nhóm dân quân đã trỗi dậy sau khi Chính phủ Cameroon dùng vũ lực trấn áp các cuộc biểu tình lớn được khởi xướng bởi các giáo viên và luật sư, xung quanh việc không công nhận đầy đủ hệ thống giáo dục và pháp luật Anh tại Tây Nam và Tây Bắc.

Chính phủ của ông Biya bị tố phụ thuộc quá nhiều vào những người được đào tạo về giáo dục và pháp luật Pháp.

THANH BÌNH (Theo BBC)

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/tranh-cai-hau-bau-cu-o-cameroon-a103132.html