Tranh cãi gay gắt chuyện bắt học sinh quỳ sẽ hết hư

Bắt học sinh quỳ sẽ hết hư, quỳ xong rồi sẽ ngoan…là những câu hỏi gây ra nhiều tranh cãi nhất thời điểm này.

Mới đây trên trang cá nhân, họa sỹ Hoàng A Sáng đồng thời cũng là ông bố tâm huyết với chuyện nuôi dạy con đã đưa ra ý kiến cá nhân về vấn đề “bắt quỳ sẽ hết hư?”. Trước những thắc mắc về việc hình phạt này liệu có tác dụng giáo dục, răn đe trẻ, họa sỹ A Sáng khẳng định là không. Cụ thể như sau.

Sự việc cô giáo phạt học sinh quỳ đang gây xôn xao dư luận.

Sự việc cô giáo phạt học sinh quỳ đang gây xôn xao dư luận.

Dư luận đang xôn xao việc cô giáo bắt học sinh quỳ vì nghịch ngợm. Tôi dùng từ nghịch ngợm bởi chưa có gì để bảo đảm các em học sinh đó hư.

Nói là hư nghĩa là đã dần trở thành bản chất, tạo ra một thói quen xấu, có nguy cơ trở thành một công dân xấu. Nhưng đó là một quá trình dài, rất dài. Thực tế chứng minh rằng, có những người thời học trò rất ngoan, học không tệ, thậm trí khá giỏi, nhưng sau này trở thành người xấu (nghiện ngập, phạm tội…)

Vì thế học sinh nghịch ngợm, vi phạm kỷ luật của nhà trường, thành tích học tập yếu kém... không hoàn toàn đồng nghĩa với việc trở thành người xấu.

Hơn nữa, việc bắt học sinh quỳ gối trước lớp cũng không đồng nghĩa với việc em đó sẽ hết hư.

Việc cô giáo biện hộ rằng, đó là yêu cầu của phụ huynh cũng sai hoàn toàn. Cô giáo là người có chuyên môn sư phạm - không phải lúc nào cũng nghe theo yêu cầu của phụ huynh, đặc biệt là hành động "bắt quỳ" phản sư phạm như vậy.

Trong chuyện này, cô giáo hoàn toàn sai. Đã sai thì hãy nhận và chịu trách nhiệm. Coi đó là một bài học sâu sắc trong nghề.

Một số ý kiến cho rằng: "..bắt quỳ không chết, hư mới chết". Đó là ý kiến phiến diện, cực đoan, không đa chiều và khách quan. Xin thưa, bắt quỳ học sinh không hết hư đâu. Có thể em đó sẽ sợ và không nghịch nữa, nhưng trong sâu thẳm hẳn em đó sẽ rất hận cô giáo, phụ huynh, thậm chí cả nhà trường và bạn bè. Bắt quỳ là một hành động cổ hủ, lạc hậu cần phải vứt bỏ không thương tiếc. Quỳ gối trước cả lớp là một hành động bị hạ nhục, nó làm tổn thương sâu sắc tận bên trong tâm thức học trò. Sự phản kháng có thể không tức thì, nhưng sẽ âm ỉ và để lại một năng lượng xấu.

Có thể thông cảm cho giáo viên khi đứng trước áp lực này, nhưng chúng ta không thể "thông cảm" và tiếp tay cho hành động bắt quỳ.

Giáo dục hiện đại, cuộc sống hiện đại, thầy cô hiện đại, phụ huynh hiện đại... và cuối cùng những học trò thời đại này không cần một thứ giáo dục kiểu quỳ gối xấu xí đó.

Trước ý kiến này, nhiều người cũng đồng quan điểm với họa sỹ A Sáng. Bên cạnh việc vẫn ủng hộ thầy cô nghiêm khắc với học sinh, nhưng bắt quỳ là hành vi hạ nhục, không chấp nhận được.

Nên hay không nên phạt học sinh quỳ? (Ảnh minh họa)

Cô Văn Thùy Dương - Hiệu phó trường THPT Lương Thế Vinh cũng nêu quan điểm rõ ràng trước việc "nên hay không nên phạt học sinh quỳ".

"Mấy hôm nay, thấy nhiều phụ huynh đăng đàn ý “quỳ không chết, con hư hỏng mới chết” hoặc đại loại như thế. Thấy cũng có lý và cũng mừng khi phụ huynh thấu hiểu nỗi vất vả của các cô và cũng không như phía đối lập bênh con chằm chặp. Nhiều phụ huynh đã bắt đầu hiểu được rằng các con cần phải được học ngay từ nhỏ việc chấp hành kỷ luật mọi lúc mọi nơi, chính việc học chấp hành kỷ luật từ nhỏ sẽ tạo cho các con thói quen kỷ luật sau này.

Tuy nhiên, theo mình các thầy cô vẫn nên chọn cách kỷ luật học sinh làm sao để cho chúng tâm phục khẩu phục, cho chúng không trở nên hận thù vì bị mất mặt mà chống đối dẫn đến phản tác dụng. Những đứa trẻ viết bản kiểm điểm khi chưa thực sự nhận ra lỗi là sự thất bại của giáo dục.

Hoàn toàn thông cảm với cô nhưng lần sau nên rút kinh nghiệm. Cả bố mẹ cũng vậy, đừng bắt con quỳ".

Thực tế nhiều người cũng đồng quan điểm với họa sỹ Hoàng A Sáng và cô Văn Thùy Dương. Rõ ràng việc phạt trẻ dù ở bất cứ hình thức nào cũng đều phải hướng đến cái đích cuối cùng - là giáo dục trẻ trở thành con người có đạo đức, có nhân cách. Nếu phạt chỉ để thỏa mãn tức thời con giận dữ hoặc nghĩ rằng phạt như vậy trẻ sẽ cảm thấy xấu hổ, từ sau không dám tái phạm nữa thì thật sai lầm và phản tác dụng.

Hải Yến

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/tranh-cai-gay-gat-chuyen-bat-hoc-sinh-quy-se-het-hu-77353.html