Tranh cãi đầu tư cảng Liên Chiểu: Việc cần làm là...

Phải có luận chứng khoa học thuyết phục, những con số đánh giá sáng rõ mới bàn tính phương án làm cảng mới hay cải tạo cảng cũ.

Trước những tranh cãi nên làm cảng Liên Chiểu (chuyên gia JICA, Nhật Bản) hay tận dụng, mở rộng cảng Tiên Sa (đơn vị tư vấn Singapore), TS Lê Minh Sơn - Trưởng Bộ môn kiến trúc (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cho rằng, còn nhiều vấn đề phải làm rõ.

Vị trí xây dựng cảng Liên Chiểu nằm sát với đèo Hải Vân, phía đối diện qua vịnh Đà Nẵng là cảng Tiên Sa. Ảnh: VnE

Vị trí xây dựng cảng Liên Chiểu nằm sát với đèo Hải Vân, phía đối diện qua vịnh Đà Nẵng là cảng Tiên Sa. Ảnh: VnE

Trước hết, TS Lê Minh Sơn cho biết, tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia phản biện lựa chọn phương án xây mới cảng Liên Chiểu vì lo ngại cảng Tiên Sa quá tải, nguy cơ ùn tắc giao thông...

Khẳng định lại quan điểm không đồng tình với nhận định trên, vị TS đề nghị Bộ GTVT phải thành lập một đơn vị đánh giá độc lập để đưa ra con số thống kê cụ thể, khách quan, chính xác về lưu lượng tàu thuyền ra vào cảng cũng như lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng để có phương án xử lý cho phù hợp.

Đưa ra đề nghị như vậy, ông Sơn cho rằng luận chứng xây dựng cảng Liên Chiểu là vì tốc độ tăng trưởng tổng lượng hàng của cảng Đà Nẵng đang tăng nhanh. Dự báo sẽ đạt khoảng 10 triệu tấn vào năm 2020 và khoảng 30 triệu tấn vào năm 2030. Đà Nẵng lo ngại lượng hàng này sẽ vượt mức năng lực của khu bến Tiên Sa, Sơn Trà (thuộc cụm cảng Tiên Sa - Thọ Quang) sau năm 2020 là chưa đủ tin cậy.

Tiếp đến là lấy lý do lượng hàng hóa vượt qua khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông kết nối cảng đi qua nội đô Đà Nẵng, gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng tới môi trường, tác động tiêu cực đến môi trường du lịch và đời sống nhân dân, gây ra nhiều vụ tai nạn trên địa bàn là chưa thuyết phục.

Theo ông Sơn, để xây dựng một dự án, các cơ quan quản lý phải xây dựng các luận cứ, luận điểm rất rõ ràng, cụ thể bằng con số.

Trên cơ sở đó, Đà Nẵng sẽ phải công bố dự toán, định mức xây dựng cảng Liên Chiểu như thế nào? Phương án tài chính thực hiện cải tạo cảng Tiên Sa sẽ ra sao cũng như quy hoạch giao thông hạ tầng, các kịch bản liên quan tới các phương án đề xuất cụ thể?

TS Lê Minh Sơn cho rằng, khi có được những số liệu sáng rõ như vậy mới bàn tính phương án làm cảng mới hay cải tạo cảng cũ.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, việc đánh giá tải trọng cụ thể không hề khó, vấn đề là phải đánh giá khách quan, trung thực thì việc lựa chọn phương án nào mới đảm bảo được tính khả thi và hiệu quả.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng kiến nghị Đà Nẵng nên mời thêm các đơn vị tư vấn đến từ Pháp và một số nước khác để ghi nhận thêm các ý kiến đa chiều, rộng mở hơn.

Riêng về các phương án đề xuất, TS Lê Minh Sơn bảo lưu quan điểm giữ nguyên cảng Tiên Sa, không làm mới cảng Liên Chiểu.

Ngoài những lý do như đã từng nêu như: Nguồn đầu tư lớn; dư thừa công suất gây lãng phí, hoạt động không hiệu quả, ông hoàn toàn đồng tình với những lo ngại về môi trường, cảnh quan theo nhận định của đơn vị tư vấn đến từ Singapore.

Ông Sơn cho biết, thực hiện theo phương án nào cũng phải lấn biển, nguy cơ xâm lấn từ 200-300 ha biển là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, nếu xây dựng cảng Liên Chiểu sẽ cần làm kênh nước sâu 20 m, dài từ 80 đến 100 m. Khi đó cùng với kênh nước sâu 16m của cảng Tiên Sa hiện nay sẽ chia cắt vịnh Đà Nẵng, tàu thuyền đi vào sẽ có nguy cơ cao hủy hoại môi trường sinh thái và vịnh Đà Nẵng sẽ không còn như xưa nữa.

Trong khi đó, cảng Tiên Sa đã có nền tảng cơ sở cơ bản, hơn nữa, việc lựa chọn vị trí đặt cảng Tiên Sa là do khu vực này hội đủ các yếu tố thiên - thời - địa - lợi để phục vụ cho một cảng biển phát triển. Trái ngược với cảng Tiên Sa, khu vực lựa chọn xây dựng cảng Liên Chiểu lại không có được những điều kiện thuận lợi, phù hợp để xây dựng một cảng vận tải.

Cái khó nhất hiện nay chính là việc xây dựng đê chắn sóng. Các nhà đầu tư cũng ngại nhất công đoạn này do đổ vốn xây dựng hệ thống đê chắn sóng tiềm ẩn rủi ro rất cao.

Đầu tư cảng Liên Chiểu hay mở rộng cảng Tiên Sa?

Ông Sơn nói thẳng, lựa chọn phương án xây mới cảng Liên Chiểu là Đà Nẵng đang chọn khó, bỏ dễ.

Cùng với đó, ông Sơn cũng chia sẻ những lo ngại về vấn đề an ninh quốc phòng, một khi cảng Tiên Sa bị hoán đổi công năng, thương mại hóa khu vực bến cảng, biến thành cảng du lịch. Vì việc kiểm soát các hoạt động ra vào sẽ khó khăn hơn, điều này cũng đồng nghĩa với những bất lợi đe dọa tới vấn đề an ninh quốc phòng.

"Đà Nẵng cần phải cân nhắc, xem xét thận trọng chủ trưởng xây dựng cảng Liên Chiểu để thay thế cho cảng Tiên Sa", TS Lê Minh Sơn nói rõ.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tranh-cai-dau-tu-cang-lien-chieu-viec-can-lam-la-3391115/