Tranh cãi của chuyên gia đô thị, kiến trúc về thành phố dài 170 km giữa sa mạc

Các chuyên gia thiết kế đô thị cho rằng tuyên bố về tính bền vững và khả năng sống của thành phố dài 170 km - The Line - mà Ả Rập Saudi mới công bố gần đây là 'ngây thơ'.

Sau khi chính phủ Ả Rập Saudi tiết lộ kế hoạch xây dựng một siêu đô thị khổng lồ trên sa mạc, các chuyên gia thiết kế đã bày tỏ sự hoài nghi về việc liệu tầm nhìn “không tưởng” của nó có thực tế hay không?

Marshall Brown, giám đốc Trung tâm tưởng tượng đô thị Princeton, Phó giáo sư kiến trúc tại Princeton cho biết: “Có rất nhiều hiện tượng vật lý và vấn đề môi trường sẽ phải được xử lý để đạt được sự hoàn hảo như trong bản phác thảo”.

Philip Oldfield, người đứng đầu trường Khoa môi trường xây dựng tại Đại học New South Wales (UNSW) Sydney, cảnh báo rằng quá trình xây dựng dự án này sẽ thải ra 1 lượng carbon khổng lồ và “sẽ lấn át bất kỳ lợi ích môi trường nào” mà nó hướng tới.

Giám đốc thiết kế và quy hoạch đô thị của C40 Cities, Hélène Chartier lập luận rằng bà sẽ không "muốn sống ở một nơi quá chật hẹp", trong khi kiến trúc sư Winy Maas nói rằng ông "rất thích sống trong một môi trường như vậy".

Phác thảo về một siêu đô thị tuyến tính dài 170 km giữa sa mạc

Phác thảo về một siêu đô thị tuyến tính dài 170 km giữa sa mạc

Quốc gia Trung Đông giàu dầu mỏ mới đây đã công bố những hình ảnh ấn tượng của The Line, mô tả hai bức tường gương khổng lồ chạy thẳng song song suốt 170 km trên sa mạc.

Những hình ảnh được thiết kế bởi studio kiến trúc Mỹ Morphosis. Theo mô tả, bức tường kính dài 500 mét nhưng chỉ rộng 200 mét, ở giữa là đô thị với cây cối và hệ thực vật. Ngoài ra, dưới lòng đất có mạng lưới đường sắt tốc độ cao.

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman tự hào khoe rằng, thành phố được quy hoạch cho 9 triệu dân này "sẽ thách thức các thành phố truyền thống, tạo ra một mô hình bảo tồn thiên nhiên và nâng cao khả năng sống của con người".

Dezeen đã phỏng vấn một số chuyên gia thiết kế và quy hoạch đô thị về một cấu đô thị như vậy liệu có thể trở thành hiện thực?

Nó sẽ không giống như trên bản phác thảo

Maas, đồng sáng lập Văn phòng Kiến trúc nổi tiếng MVRDV, nghi ngờ rằng The Line gần giống với các hình nền PC mà chúng ta thường thấy.

Ông chia sẻ trên Tạp chí kiến trúc Dezeen rằng phương án cần xem lại: “Nó có thể sẽ không giống như những hình ảnh phác thảo và sẽ có mật độ khác. Tôi sẽ không làm như vậy, chỉ có hai thanh đi thẳng lên. Điều đó không có ý nghĩa về sự đa dạng, về áp suất gió, về việc giữ không khí vào. Nhưng còn về mục tiêu bền vững của thành phố thì tôi ủng hộ, chúng ta nên hướng đến những thành phố bền vững “đúng nghĩa”. Tôi rất thích sống trong một môi trường như vậy, khi mục tiêu bền vững được đưa ra nói chuyện ngay từ khâu thiết kế. Ý tưởng tốt nhưng phương án cần phải xem lại”.

Các chuyên gia đô thị và kiến trúc nghi ngờ về tính khả thi của dự án

Trong khi đó, Chartier, thành viên của C40 Cities thì ít mặn mà hơn: “Cảm giác đầu tiên của tôi là thật thú vị bởi vì chúng ta cần một sự đột phá trong phát triển đô thị để chứng thực ý tưởng về sự nhỏ gọn và mọi thứ đều được sử dụng trong trường hợp này. Nhưng tôi hơi lo ngại rằng trên mô hình phác thảo 3D thì có vẻ thú vị, nhưng cuối cùng thì nó có thực sự sống được không? Thành thật mà nói, tôi không muốn sống ở đó. Tôi không muốn sống ở một nơi quá chật hẹp và có chút ngột ngạt”.

C40 Cities là một mạng lưới các thị trưởng của gần 100 thành phố lớn nhất thế giới, hợp tác để đưa ra các hành động cần thiết ngay bây giờ để đối phó với khủng hoảng khí hậu. Hội nghị thượng đỉnh năm nay được tổ chức tại Buenos Aires từ 19-21.10.

Các chuyên gia nghi ngờ về The Line

Theo Oldfield, người đã nghiên cứu kinh nghiệm của những người sống trong các công trình rất lớn lại cho rằng, trên thực tế, chất lượng cuộc sống ở The Line - thành phố tuyến tính sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc bảo trì và quản lý.

“Một số không gian bên trong tại The Line trông rất quyến rũ - cây xanh tươi tốt, không gian như hang động rộng lớn, người dân tận hưởng những chuyến dã ngoại trên những bãi cỏ. Nhưng sự hài lòng của cư dân chủ yếu thông qua cách vận hành và quản lý, chứ không phải là các không gian trông ấn tượng ra sao! Quy tắc nào sẽ được đặt ra? Du khách có thể sử dụng tất cả những khu vực này không? Không gian nào là công cộng, không gian nào là riêng tư? Bạn có thực sự được phép tổ chức một bữa ăn ngoài trời trên mỏm đá phía trên giếng trời cao 200 m không? Tôi rất nghi ngờ điều đó!”, vị chuyên gia của UNSW cho biết.

Bản phác thảo về thành phố tuyến tính này sau khi công bố đã gây chú ý trên mạng xã hội và các trang kiến trúc

Ngoài ra, Oldfield lo ngại về tác động của khí thải carbon khi xây dựng The Line và tất cả các cơ sở hạ tầng liên quan cần thiết, đặc biệt là xem xét chiều cao khổng lồ và sức mạnh mà nó cần để chịu tải trọng gió.

Ông nói: "Bạn không thể xây một tòa nhà cao 500 mét bằng vật liệu carbon thấp. Điều này sẽ đòi hỏi một lượng thép, thủy tinh và bê tông khổng lồ".

Oldfield còn ước tính rằng việc xây dựng The Line sẽ tạo ra tới 1,8 tỉ tấn carbon dioxide, tương đương với hơn 4 năm toàn bộ lượng khí thải của Vương quốc Anh. Oldfield và Chartier cũng chỉ ra rằng mặc dù diện tích nhỏ nhưng chiều dài và tính chất của các bức tường của The Line có thể gây ra các vấn đề đa dạng sinh học - bao gồm cả các loài chim di cư.

"Việc tạo ra một đường cắt ngang lớn như có tác động như thế nào? Điều đó có ý nghĩa gì đối với động vật, làm sao chúng có thể băng qua? Chúng ta biết rằng đường cao tốc tạo ra rất nhiều vấn đề cho các loài động vật", Chartier đặt ra những câu hỏi.

Và cả hai đều cho rằng, mật độ các thành phố hiện tại nên là trọng tâm nếu chúng ta muốn tạo ra các trung tâm đô thị bền vững hơn.

Thành phố tuyến tính là một quy hoạch đô thị bao gồm một loạt các chức năng được xây dựng theo chiều cao và kéo dài theo phương pháp tuyến tính.

Theo Dezeen, The Line không hẳn là không thực tế. Các siêu đô thị tuyến tính đã từng được đề xuất nhiều lần trong quá khứ kèm theo các lập luận tương tự về hiệu quả.

Vào năm 1882, nhà quy hoạch đô thị người Tây Ban Nha Arturo Soria y Mata đã đề xuất ý tưởng về một thành phố tuyến tính, và nhà quy hoạch Liên Xô Nikolay Alexandrovich Milyutin sau đó đã xác nhận nó trong cuốn sách Sotsgorod: Những vấn đề của việc xây dựng các thành phố xã hội chủ nghĩa năm 1930.

Các kiến trúc sư Peter Eisenman và Michael Graves đã tưởng tượng ra một thành phố tuyến tính cho New Jersey vào năm 1965. Bốn năm sau, công ty Superstudio của Ý đề xuất The Continuous Monument, với những hình ảnh kết xuất mang một sự tương đồng kỳ lạ với những hình ảnh với The Line.

Gần đây hơn, kiến trúc sư người Anh Peter Barber đã đưa ra kế hoạch cho một thành phố dài 160 km, rộng 200 mét bao quanh London.

Nhật Hạ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tranh-cai-cua-chuyen-gia-do-thi-kien-truc-ve-thanh-pho-dai-170-km-giua-sa-mac-187195.html