Tranh cãi chuyện cúng bikini cho người âm

Trong khi có ý kiến cho rằng việc cúng bikini cho người âm là bình thường vì 'trần sao âm vậy' nhưng các nhà quản lý văn hóa nói phản cảm.

Khách hàng thích thú

Gần Tết Nguyên đán 2019 thị trường hàng mã tiếp tục sôi động với nhiều mặt hàng mới. Năm nay nhiều người bất ngờ với các bộ bikini làm bằng giấy được bày bán la liệt tại các cửa hàng.

Chị Nguyễn Thị Nhung (nhân viên bán hàng trên phố Hàng Mã, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) cho biết, đây là điểm mới trên thị trường đồ mã năm nay. Mặt hàng vàng mã này xuất hiện từ dịp Rằm tháng Bảy, ban đầu khách hàng cũng bỡ ngỡ nhưng sau có nhiều người mua nên dịp Tết Nguyên đán 2019 cửa hàng tiếp tục đặt sản xuất với số lượng lớn.

"Lâu nay mặt hàng quần áo, mũ, giày dép được bán nhiều nhưng lại thiếu đi đồ lót. Đây là vật dụng không thể thiếu với con người. Nếu đã có quan niệm "trần sao âm vậy" thì đồ lót cũng không thể thiếu được khi đốt cho "người âm" - chị Nhung nói.

Chị này chia sẻ, cuối năm nên sức mua vàng mã của người dân cũng tăng lên. "Vì là mặt hàng mới nên đồ lót cũng được chú ý nhiều, đa phần cảm thấy lạ lẫm, thích thú. Giá mỗi sản phẩm cũng không quá đắt nên thường được khách hàng mua kèm để hóa với quần áo" - chị Nhung cho biết.

Những bộ vàng mã bikini được nhiều người thích thú nhưng các nhà văn hóa lại cho rằng phản cảm.

Chị Trần Thanh Hường - người dân sống tại Q. Đống Đa, TP. Hà Nội cũng bật cười khi nhìn thấy những bộ vàng mã bikini được bày bán.

"Những bộ bikini này được thiết kế nhiều kiểu dáng, trẻ trung nhưng tôi muốn tìm bộ hóa cho người đứng tuổi thì có vẻ không hợp. Mặc dù chỉ để giải quyết vấn đề tinh thần nhưng mẫu mã cũng cần đa dạng và phù hợp với nhiều lứa tuổi của người đã khuất hơn" - chị Hường bày tỏ.

Phản cảm!

Trong khi người mua và người bán đề tỏ ra thích thú với mặt hàng vàng mã bikini thì nhà sử học Lê Văn Lan và PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia lại cho rằng đó là sự phản cảm, lệch lạc, biến tướng về nhận thức.

"Vàng mã có từ lâu đời, xuất phát từ việc thay thế những cái thực bằng cái ảo thể hiện sự giản dị, khiếm tốn. Nhưng nhưng giờ thì bị biến tướng, trái với truyền thống của cha ông, gây lãng phí" - nhà sử học Lê Văn Lan cũng bày tỏ quan điểm trên báo Dân trí.

Còn PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay, vàng mã là cách thể hiện ứng xử của người sống với người chết. Không phải cứ đốt đồ giá trị, độc đáo là kính trọng với người chết. Chính vì thế, chỉ nên đốt vàng mã vừa phải, tránh tốn kém.

"Người sống muốn người chết có cuộc sống sung túc hơn, đây chính là tâm lý khiến cho việc đốt vàng mã bị lạm dụng, biến tướng, gây phản cảm. Cơ quan quản lý cần phải có chế tài xử phạt nặng với hành vi này để giáo dục người dân tránh xa hoa, lãng phí" - ông Sơn nói.

Ngọc Lành

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/tranh-cai-chuyen-cung-bikini-cho-nguoi-am-3373438/