Tranh cãi chuyện cô giáo thưởng tiền cho học sinh đạt điểm cao

Nhiều người cho rằng, việc cô giáo ở TPHCM thưởng tiền cho học sinh mới đây là không tốt, vô hình chung tạo ra một thứ 'động lực' cố gắng làm bài tốt vì tiền thưởng, không phải yêu thích học tập. Tuy nhiên, cũng nhiều người thấy thú vị và tán thành hành động trên vì cách mà cô giáo làm tạo động lực cho học sinh.

Học trò cô Hương cho biết cô có thưởng, có phạt và các em rất thích học với cô - Ảnh cắt từ clip

Thưởng bằng tiền, e rằng có những tác dụng phụ

Mấy ngày qua, câu chuyện cô giáo Dư Thị Lan Hương, giáo viên thỉnh giảng tại trường THCS Chu Văn An (quận 1, TPHCM) "thưởng nóng" 20.000 đồng cho học sinh làm bài đạt 6,5 điểm trở lên gây xôn xao cộng đồng mạng. Sau khi clip được đăng tải, cô Hương cho biết, việc “thưởng nóng” cho học trò để khuyến khích học tập đã được cô thực hiện nhiều năm nay.

Nữ giáo viên tiết lộ, bình thường chỉ thưởng 2.000-3.000 đồng cho mỗi bài kiểm tra 8, 9 điểm. Số tiền không đáng là bao nhưng học sinh rất thích thú. Vừa rồi là cuối năm, chia tay cuối cấp nên cho các em "hốt hụi chót” nên tiền thưởng tăng cao.

“Các em không ham tiền, có bao nhiêu đâu mà ham, nhưng nếu bạn bè có mà mình không có, các em sẽ "gato" mà biết phấn đấu lần sau. Tôi tự xuất tiền túi mà, lương hưu 6 triệu đồng/tháng, lương thỉnh giảng 4 triệu đồng/tháng, tôi già rồi cũng không tiêu xài gì nhiều nên đủ thưởng cho các em", cô Hương chia sẻ, đồng thời nói thêm, bên cạnh "thưởng nóng" những em học giỏi, cô còn phạt học trò vi phạm (với số tiền nhỏ).

Việc cô Dư Thị Lan Hương thưởng tiền cho học sinh vấp phải những ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng, việc nữ giáo viên thưởng tiền cho học sinh là không tốt, tập hư cho học trò. Nhưng bên cạnh đó, cũng nhiều người thấy thú vị và tán thành hành động trên vì cách mà cô giáo làm tạo động lực cho học sinh…

“Dùng tiền thưởng để kích học trò làm bài tốt, e rằng cũng sẽ có những tác dụng phụ, vô hình chung tạo ra một thứ “động lực” cố gắng làm bài tốt vì tiền thưởng, không phải yêu thích học tập. Và cô giáo cũng có thể đạt thành tích dạy học trò nhiều người đạt điểm cao nhờ việc chi đậm", một phụ huynh bày tỏ.

Phụ huynh khác nêu ý kiến: "Có thể phần thưởng sẽ giúp tăng điểm số của trẻ, nhưng bạn phải biết rằng quà tặng sẽ làm giảm đam mê học tập của trẻ. Khi bạn không thưởng tiền nữa, trẻ sẽ lười học và có thể sẽ tụt hậu so với các bạn cùng lớp".

Chia sẻ với Lao Động, thầy Trần Văn Tĩnh (Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Hà, Vĩnh Phúc) cho hay không phản đối chuyện thưởng tiền cho học trò. Tuy nhiên, không áp dụng cách thức này mà thường mua quà, khen ngợi trước lớp cho những em có kết quả học tập tốt.

"Học trò tiêu tiền xong không nhớ được thưởng về việc gì nên việc tặng thưởng bằng hình thức mua quà như sách vở, bút, chì màu... sẽ khích lệ học trò nhìn vào đó và có động lực phấn đấu hơn", thầy Trần Văn Tĩnh chia sẻ.

Theo GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, giáo viên có nhiều hình thức để khuyến học. Việc thưởng tiền cho học sinh là hiếm thấy và hoàn toàn không nên.

“Trong suốt những năm tháng dạy học, tôi chưa thấy thầy cô nào dùng tiền để thưởng cho học sinh như vậy. Chính bản thân tôi cũng không thể hiểu được tác dụng của việc thưởng tiền này là gì. Động viên học sinh học tốt có rất nhiều cách như bằng lời nói, bằng cách ứng xử, chứ không phải bằng tiền”, GS Phạm Tất Dong chia sẻ.

Cũng theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, việc dùng tiền để thưởng cho học sinh khi có điểm tốt không thể thành phong trào hay điển hình. Bởi lẽ, giáo viên không phải là người giàu có để lúc nào cũng có thể đi thưởng tiền cho học sinh. Quan trọng hơn, giáo dục học sinh bằng cách thưởng tiền chưa bao giờ là phương pháp được nhắc đến trong môi trường sư phạm.

“Nếu việc thưởng tiền cho học sinh thành lệ, cứ học tốt thì được tiền thì vô hình chung sẽ biến việc học tập thành mua bán, trao đổi”, GS Dong nhấn mạnh, đồng thời đánh giá việc làm của cô giáo Hương là “cá biệt” ở trong trường và các giáo viên khác có thể cũng không đồng tình với phương pháp này của cô. Chính vì vậy, hội đồng giáo viên nên có sự thảo luận để đi đến sự thống nhất trong môi trường giáo dục, tìm ra phương pháp thích hợp để khen thưởng, khuyến khích học trò.

Không nên lạm dụng thưởng bằng tiền

Trao đổi với Lao Động, GS.NGND Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Giáo dục cho rằng, khen thưởng là một trong những phương pháp kích thích sư phạm đang được các giáo viên và cả phụ huynh sử dụng với mục đích giúp các em thích thú, phấn khởi trong học tập. Điều này tạo ra tâm lý tích cực ở bản thân mỗi học sinh khi các em thấy tự hào về khả năng của mình, từ đó cố gắng phát huy nó.

Tuy nhiên, không phải lúc nào việc khen thưởng cũng trở thành “thần dược” như trên. Do đó, khen thưởng đòi hỏi phải đúng người, đúng thành tích. Nếu sử dụng không đúng cách, nó có thể trở thành con dao hai lưỡi, tác động xấu đến người được khen thưởng.

“Vấn đề khen thưởng, kỷ luật có từ lâu, nhất là ở những quốc gia có nền giáo dục hiện đại. Khen thưởng ở đây không chỉ là việc cấp bằng khen, giấy khen, thưởng tiền hay hiện vật mà nó còn là việc tỏ thái độ đồng tình, biểu dương, ủng hộ, có lời khen, tuyên dương đối với học sinh.

Tôi không phản đối việc cô Dư Thị Lan Hương khen thưởng học sinh bằng tiền, nhưng phải đúng mực! Tức là không dùng hình thức khen thưởng cho một hay một số học sinh như “chiêu trò” nhằm mục đích tạo nên thành tích xuất sắc cho lớp, cạnh tranh thi đua với các lớp khác trong khi những học sinh đó vốn không đáng được khen thưởng”, nguyên Bộ trưởng Giáo dục nói.

Còn TS Nguyễn Tùng Tâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, việc giáo viên thưởng tiền cho học sinh, dưới góc độ giáo dục có thể coi là một trong những cách thúc đẩy động cơ học tập, ghi nhận những thành tích của học trò đã đạt được. Những học sinh khác cũng nhìn vào đó mà phấn đấu, noi gương. Bản thân ông hoan nghênh hình thức khen thưởng này.

Về nguyên tắc giáo dục, thay vì thưởng một phần quà nào đó, giáo viên có thể thưởng bằng tiền cho học sinh, tất nhiên việc tặng thưởng không thường xuyên. Tuy nhiên, không nên lạm dụng việc thưởng tiền. Giáo viên phải cân nhắc khi sử dụng phương thức khen thưởng này. Chỉ khi nào học trò đạt được thành tích tốt trong học tập, hoặc những học sinh có học lực yếu nhưng cố gắng phấn đấu vươn lên thành học sinh khá. Quan trọng là khi thưởng tiền, giáo viên phải cho học sinh hiểu được ý nghĩa của đồng tiền đó.

“Khi sử dụng phương thức khen thưởng một cách đúng đắn có ý nghĩa giáo dục rất lớn. Một điều mà tất cả các giáo viên, các bậc phụ huynh cần chú ý hơn cả đó là thái độ khi khen thưởng các em. Một sự khen thưởng bằng tấm lòng, bằng sự tự hào và một tình cảm chân thành nhất chính là “bí quyết” để sử dụng phương thức này thành công”, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội bày tỏ.

Ngô Cường

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/tranh-cai-chuyen-co-giao-thuong-tien-cho-hoc-sinh-dat-diem-cao-611430.ldo