Tranh cãi chuyện bà bán nước chè, ông chủ quán phở trở thành giám đốc

Một trong những nội dung gây nhiều tranh cãi nhất khi thảo luận Luật Doanh nghiệp là việc đưa hộ kinh doanh vào khuôn khổ của Luật này.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc và Lưu Bình Nhưỡng

Đại biểu Vũ Tiến Lộc và Lưu Bình Nhưỡng

Một đêm ngủ dậy ông chủ quán phở trở thành giám đốc doanh nghiệp?

Ủng hộ việc đưa hộ kinh doanh vào doanh nghiệp, ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội), Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp vừa bảo đảm tôn trọng tính chất lịch sử đặc thù của kinh tế hộ ở Việt Nam vừa là bước tiến quan trọng, đưa hệ thống pháp luật về doanh nghiệp của nước ta phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế, chấp nhận sự linh hoạt và đa dạng của các mô hình kinh doanh và đáp ứng tốt hơn yêu cầu hội nhập.

Ông Lộc phân tích, khi được coi như một loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ được đứng tên trong các giao dịch kinh doanh, xin giấy phép và được bảo hộ theo các quy định của pháp luật. Hộ kinh doanh sẽ được gỡ bỏ các hạn chế về quyền tự do kinh doanh, về phạm vi và quy mô hoạt động. Hộ kinh doanh được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các chính sách có liên quan khác.

“Đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp không phải là xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không phải là ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành công ty hay thành doanh nghiệp tư nhân, mà là để hộ kinh doanh không bị bỏ lại phía sau, để bảo vệ, nâng cao năng lực, thúc đẩy sự phát triển của các hộ kinh doanh”, ông Lộc nói và ví dụ: “Tuyệt đối không có chuyện qua một đêm ngủ dậy ông chủ quán phở hôm qua trở thành giám đốc doanh nghiệp hôm nay, nhưng khi vị thế pháp lý và quyền, nghĩa vụ cơ bản của hộ kinh doanh được ghi nhận trong luật đã giúp họ yên tâm làm ăn, làm ăn bài bản, minh bạch hơn và có điều kiện thuận lợi hơn”.

Trước đó, thay mặt Chính phủ trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp khác. Luật cho phép nhà đầu tư lựa chọn, không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.

Giải trình thêm tại tổ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện hộ kinh doanh đã được quy định trong Nghị định 78, song các nhà đầu tư không yên tâm về sự bảo hộ, bảo vệ pháp luật với loại hình kinh doanh này. Trong khi, đây là hình thức kinh doanh cần được định vị pháp lý và bảo vệ, có quy định rõ về trách nhiệm dân sự, quyền của hộ kinh doanh, quản trị nội bộ. "Việc trao thêm quyền là phải dựa trên quy định của luật, chứ không phải ở văn bản dưới luật, nên việc đưa hộ kinh doanh vào dự án luật này là cần thiết", ông Dũng nhấn mạnh.

Nhiều hộ kinh doanh sợ “ngang lưng thì cắp chứng từ, đầu đội sổ sách, tay quờ hóa đơn”

Tranh luận với ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc, đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) đánh giá các quy định trong dự thảo luật về hộ kinh doanh không mới, chưa đạt kỳ vọng.

“Có chăng, cái lợi đầu tiên là mở mắt ra chúng ta có 5 triệu doanh nghiệp, thay vì 700.000 doanh nghiệp như hiện nay”, ông Chiểu nói và cho rằng ban soạn thảo chưa đánh giá được tác động cụ thể, khi đưa vào thì có khó khăn, bất cập gì.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho biết qua khảo sát ý kiến một số hộ kinh doanh thì gần như tất cả đều không muốn chuyển đổi hình thức kinh doanh lên doanh nghiệp nhằm né nghĩa vụ nộp thuế, không ký hợp đồng với lao động, dù họ biết chuyển đổi lên doanh nghiệp, các hộ kinh doanh sẽ nhận nhiều ưu đãi, hỗ trợ hơn.

“Nhiều hộ doanh nghiệp nói nếu chuyển đổi thì nghĩa vụ pháp lý sẽ nhiều hơn, các giấy tờ, thủ tục kê khai phức tạp hơn, tăng chi phí gián tiếp”, bà Thơ nói.

Về ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội nêu quan điểm: Hộ kinh doanh hay một doanh nghiệp, quy mô ra sao, là công ty ty cổ phần hay TNHH, TNHH một thành viên hay nhiều thành viên thì bản chất là kinh doanh, đó là một nghề nghiệp kinh doanh.

“Tại sao các hộ kinh doanh, kinh doanh rất lớn, thậm chí ở Hà Nội có những hộ kinh doanh với chuỗi nhà hàng hàng năm thu tiền tỷ nhưng người ta không muốn làm công ty?”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi và đưa ra câu trả lời: Bởi vì người ta thấy thủ tục quá rườm rà, không lập công ty thì người ta vẫn có ăn, vẫn thu nhập lớn, người ta không thích “ngang lưng thì cắp chứng từ, đầu đội sổ sách, tay quờ hóa đơn”.

Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì dự án Luật là Bộ Kế hoạch và đầu tư cần nghiên cứu để giảm bớt thủ tục, phải có Nghị định hướng dẫn chi tiết, đầy đủ và phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương phải rà soát, đánh giá lại quy mô của hệ thống gần 5 triệu hộ kinh doanh.

“Không thể bắt một bà bán nước chè trở thành một công ty. Tôi thấy ở ngoài dư luận nói rất đáng buồn, mọi người bảo bây giờ ép một bà bán nước chè thành lập công ty. Nhà nước không bao giờ làm chuyện đó, như thế có vẻ hơi khiên cưỡng, hơi thái quá”, ông Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ bất bình.

Vị đại biểu này cho rằng, Nhà nước quản lý phải có luật và ở đây quản lý theo luật là tạo điều kiện cho người dân, tạo điều kiện cho kinh doanh. “Nhà nước có thu chứ không tận thu. Nếu các đồng chí làm Luật này mà để tận thu thì tôi nghĩ không nên. Chúng ta phải suy nghĩ được cho doanh nghiệp phát triển, nhân dân có nguồn thu, xã hội ổn định”, ông Nhưỡng nói.

An Na - Thanh Bình

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tranh-cai-chuyen-ba-ban-nuoc-che-ong-chu-quan-pho-tro-thanh-giam-doc-d442695.html