Tranh cãi ăn trứng gây mỡ máu, đúng hay không?

Trứng là thực phẩm được sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt hàng ngày, là món 'tủ' của nhiều người. Tuy nhiên, thời gian vừa qua có rất nhiều thông tin về việc ăn trứng nhiều không tốt.

Kiêng trứng vì mỡ máu

Bà Nguyễn Thị Mùi – 61 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết bà bị rối loạn mỡ máu, tăng cholesterol nên gần chục năm nay hầu như bà Mùi không dám ăn trứng.

Chưa kể, trong nhà có hai đứa cháuđều mập mạp. Vì vậy trứng trở thành thực phẩm hạn chế trong bữa ăn của cả nhà.

Tuy nhiên, gia đình chị Bùi Mai Phương, Lò Đúc, Hà Nội lại rất thích ăn trứng. Mỗi tháng, cả gia đình 6 người mà chị Phương phải mua tới 200 quả trứng. Trứng ăn sáng, ăn trưa, tối. Trứng ốp lết, trứng luộc, chiên, xào hầu như cả nhà ăn không chán. Nhưng gần đây, chị Phương nghe nói ăn nhiều quá cũng không tốt. Trong khi đó, thực phẩm khác lại không cuốn hút trẻ nhỏ trong nhà.

Nói đến ăn trứng, bác sĩ Nguyễn Huy Cường – nguyên bác sĩ tại BV Bạch Mai chia sẻ hiện tại ăn trứng vẫn gây tranh cãi, cả thế giới vẫn đang tranh cãi ăn trứng như thế nào là đủ. Tuy nhiên, quan điểm của bác sĩ Cường là ăn trứng rất tốt.

Trước năm 2015, các nghiên cứu cho rằng lòng đỏ trứng có chứa nhiều cholesterol (khoảng 180 mg chiếm khoảng 60% nhu cầu cholesterol của cơ thể). Cholesterol trong máu tăng cao có thể gây tác động không tốt tới sức khỏe của bạn. Vì vậy mà các chuyên gia ở Mỹ khuyến cáo chỉ nên ăn 3 – 7 quả trứng 1 tuần.

Nhiều lời khuyên cho rằng người trưởng thành chỉ nên ăn tối đa 2 lòng đỏ trứng mỗi tuần. Tuy nhiên, khoa học vẫn chưa tìm được cơ sở nào để khẳng định lời khuyên đó là đúng.

Một vài nghiên cứu khoa học đã được tiến hành để kiểm tra tác động của trứng đối với mức cholesterol trong cơ thể người bệnh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ăn trứng không liên quan mỡ máu

Nhưng sau năm 2015, các khuyến cáo đều khẳng định có thể ăn trứng thoải mái bởi vì 2/3 hàm lượng cholesterol của cơ thể đều là do nội sinh.

Một nghiên cứu ăn 2-4 quả trứng/ngày không làm thay đổi mỡ máu ở phụ nữ mạn kinh. Nghiên cứu này tiến hành trên những phụ nữ mạn kinh chia 2 nhóm: nhóm có đề kháng insulin so với nhóm không có đề kháng insulin.

Sau 4 tuần ăn chế độ ít cholesterol 113mg/ngày, những phụ nữ này được cho ăn cholesterol ở 3 mức khác nhau là 319mg; 523mg và 941mg/ngày trong 4 tuần liên tục.

Đáng ngạc nhiên rằng dù mức độ ăn cholesterol khác nhau và với nhóm có đề kháng hay không có đề kháng insulin thì lượng LDL Cholesterol giữa các nhóm đều giống nhau.

Thực tế, cholesterol tổng hợp từ thực phẩm rất ít, mà cơ thể tự tổng hợp, tự sinh ra, với người có gen cholesterol tăng thì cơ thể sẽ có cholesterol cao.

Do đó, thực phẩm giàu cholesterol không gây tác động lớn đến thành phần này trong cơ thể. Nếu có, mức tác động là rất ít. Vì vậy dù ăn trứng hay không thì cơ thể cũng cần cholesterol để tham gia sản xuất tế bào và các kích thích tố (hormone) vì vậy ăn trứng không thể làm tăng cholesterol như mọi người vẫn nghĩ.

Một quả trứng chứa 6gram đạm, nhu cầu mỗi ngày của người nặng 60kg cần khoảng 60 - 80 gram đạm.Vì vậy, bác sĩ Cường cho rằng người khỏe mạnh ăn 3 quả trứng mỗi ngày là hoàn toàn vô hại.

GS Phạm Gia Khải - nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia cho biết người khỏe mạnh, không bị mỡ máu, tăng huyết áp thì có thể ăn trứng bình thường như các thực phẩm khác.

Tuy nhiên, GS Khải cho hay những người có bệnh rối loạn mỡ máu hay bệnh về mạch vành thì mỗi tuần chỉ ăn 2 - 3 quả trứng, cách 1 ngày ăn 1 quả trứng.

Theo PGS Khải việc tổng hợp cholesterol tùy thuộc vào từng người chứ không phải ai cũng như ai nên người mà có tiền sử tăng cholesterol có yếu tố gia đình chỉ nên ăn bằng 1/2 khuyến cáo với các thực phẩm chứa nhiều cholesterol như nội tạng, trứng.

Trên thực tế, một quả trứng chứa tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết. Ăn trứng có thể giúp tránh nguy cơ các bệnh lý về mắt, trứng giàu choline – một chất dinh dưỡng quan trọng cho não. Nhiều protein và calci tốt cho sự phát triển cơ và xương.

Phương Thúy

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/tra-lai-tieng-oan-gay-mo-mau-cho-trung-282579.html