Tránh 'bước lùi' nguy hiểm

Hiệu ứng domino từ sự sụp đổ của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hồi tháng 8-2019 đang là vấn đề khiến thế giới quan ngại trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, diễn biến khó lường như hiện nay. Nếu Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3), vốn sẽ hết hạn vào đầu năm 2021, cũng có số phận tương tự như INF thì điều này sẽ trở thành mối đe dọa đối với an ninh quốc tế.

Trước mối lo về một thế giới không START-3, trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với hãng tin RIA Novosti, Phó tổng thư ký Liên hợp quốc, Đại diện cấp cao về các vấn đề giải trừ quân bị Izumi Nakamitsu đã lên tiếng kêu gọi hai bên tham gia hiệp ước là Washington và Moscow cần mở rộng START-3. Theo bà Izumi Nakamitsu, bước đầu tiên để duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu là gia hạn START-3 thêm 5 năm. “Hãy tập trung vào việc giữ gìn những gì chúng tôi đang có. Thật không may, điều này không xảy ra với INF. Nhưng START-3 vẫn còn hiệu lực vì vậy hãy cố gắng gia hạn hiệp ước này”, bà Izumi Nakamitsu nêu rõ.

 Hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard của Nga. Ảnh: Mil.ru.

Hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard của Nga. Ảnh: Mil.ru.

Từ lâu, Nga đã đề nghị Mỹ gia hạn hiệp ước trên. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần khẳng định lập trường của Moscow là sẵn sàng gia hạn START-3. Để thể hiện thiện chí của mình, hồi tháng 11-2019, Nga đã cho các thanh sát viên Mỹ “thực mục sở thị” hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard. Bước đi này là lời khẳng định rằng Moscow tuân thủ nghiêm túc các nghĩa vụ theo START-3 để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của việc thực hiện hiệp ước này. Dẫu vậy, trước sự hối thúc cần phải nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán để kéo dài thời hạn hiệu lực START-3 của Nga, Mỹ lại chưa đưa ra quan điểm rõ ràng về vấn đề này. Cuối tháng 1 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhắc lại rằng hồi cuối năm 2019, Moscow đã gửi các đề xuất của mình tới Washington để gia hạn START-3. Tuy nhiên, ông Sergei Lavrov cho biết: "Cho đến nay, chúng tôi chưa nhận được câu trả lời nào".

Ngược dòng lịch sử, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đặt bút ký kết START-3 vào tháng 4-2010 tại thủ đô Prague, Cộng hòa Séc. Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân quy mô lớn mới nhất giữa Nga và Mỹ nhằm giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới này có thể triển khai. Thỏa thuận này có hiệu lực trong vòng 10 năm, kể từ ngày 5-2-2011 và có khả năng được gia hạn không quá 5 năm nếu hai bên tham gia hiệp ước nhất trí. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình để sau 7 năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực và trong tương lai, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng tên lửa đã triển khai và chưa triển khai. Thêm vào đó, hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng hai lần mỗi năm.

Coi START-3 là “hòn đá tảng đối với an ninh thế giới" và “tiêu chuẩn vàng” trong lĩnh vực giải trừ vũ khí hạt nhân, Nga đã nhiều lần cảnh báo nếu Mỹ từ chối gia hạn START-3 sẽ gây thêm nhiều hiểm họa và bất ổn đối với nền an ninh thế giới. “Nếu START-3 không còn tồn tại thì sẽ không còn công cụ nào trên thế giới có thể kiềm chế cuộc chạy đua vũ trang”, Tổng thống Vladimir Putin chỉ rõ điều này trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Financial Times. Theo giới phân tích, việc Mỹ không vội vàng gia hạn START-3 là bởi Mỹ hy vọng sẽ có thể đi đến ký kết một thỏa thuận kiểm soát vũ khí rộng hơn, bao gồm sự tham gia của cả Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tuyên bố không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào về cơ chế kiểm soát vũ khí ba bên với Nga và Mỹ. Điều đáng quan ngại hiện nay là cho dù chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama cho rằng START-3 là chiến thắng đối ngoại của Mỹ thì Tổng thống đương nhiệm Donald Trump lại tuyên bố START-3 có lợi cho Moscow hơn là cho Washington.

Việc INF tan vỡ và viễn cảnh START-3 không được gia hạn đang đặt thế giới đứng trước thách thức an ninh nghiêm trọng. Nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang mới sẽ được kích hoạt đe dọa đến sự ổn định chiến lược toàn cầu. Để tránh “bước lùi” nguy hiểm này, Nga và Mỹ cần nhanh chóng tìm được tiếng nói chung qua đối thoại nghiêm túc về kiểm soát vũ khí.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tranh-buoc-lui-nguy-hiem-609172