Tránh 'ao làng' SEA Games gặp... 'ao làng' AIMAG

Dù mang tầm cỡ châu lục song Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á (AIMAG) 2017 vẫn ẩn chứa màu sắc của 'ao làng' SEA Games.

Chủ nhà tìm mọi cách vơ vét huy chương

Theo dõi bảng tổng sắp huy chương của đại hội, nhiều người không khỏi bất ngờ khi nước chủ nhà Turkmenistan - vốn không phải nền thể thao mạnh ở châu Á, dẫn đầu và có thời điểm tổng HCV gấp 4-5 lần đoàn xếp thứ 2. Trước ngày thi đấu cuối cùng của đại hội (hôm nay 27-9), sự chênh lệch này là 89 HCV (đoàn Turkmenistan) và 40 HCV (đoàn Trung Quốc).

Trong khi nền thể thao tốp đầu châu lục là Nhật Bản mới chỉ có 2 HCV (xếp hạng 20), thậm chí trước đó hai ngày, đoàn này còn xếp chót nhóm 30 đoàn có huy chương vì chưa có HCV nào.

Chủ nhà Turkmenistan vơ vét huy chương (ảnh trái) và bảng thống kê HCV dài dằng dặc của Turkmenistan ở hai môn belt wrestling, traditional wrestling vốn lạ lẫm với nhiều quốc gia

Chủ nhà Turkmenistan vơ vét huy chương (ảnh trái) và bảng thống kê HCV dài dằng dặc của Turkmenistan ở hai môn belt wrestling, traditional wrestling vốn lạ lẫm với nhiều quốc gia

Sự bất thường đó hoàn toàn... dễ hiểu, khi nước chủ nhà Turkmenistan đưa vào quá nhiều nội dung, môn thi thế mạnh của mình để thâu tóm huy chương. Điển hình là các môn võ, vật thịnh hành của khu vực Trung Á mà các quốc gia khu vực khác lạ lẫm. VĐV Việt Nam dự hai môn này đa số là võ sỹ judo và võ sỹ vật chuyển đổi sang, tập trong thời gian ngắn nên khó cạnh tranh HCV với chủ nhà. Tính sơ sơ, hai môn Belt Wrestling, Traditional Wrestling đã mang về cho Turkmenistan khoảng 60 HCV, gấp rưỡi tổng số HCV của đoàn xếp sau là Trung Quốc và bằng tổng số HCV của 15 quốc gia (từ hạng 10 đến hạng 25) cộng lại.

Về việc một số nền thể thao hàng đầu châu lục như Nhật Bản lại xếp ngoài tốp 20, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn lý giải là do họ không cử lực lượng mạnh nhất tham dự, đa số cử VĐV trẻ để cọ xát. Con số 60 VĐV đoàn Nhật Bản và 496 VĐV chủ nhà Turkmenistan cho thấy điều này.

Công bằng mà nói, không phải chủ nhà AIMAG nào cũng vơ vét huy chương kiểu "ao làng" như thế. Bằng chứng là ngay kỳ AIMAG 4 do Hàn Quốc tổ chức, danh sách môn thi chỉ là 12, với tổng cộng 100 bộ huy chương. Trong khi ở AIMAG 5 tại Turkmenistan, con số này lần lượt là 21 môn, 339 bộ huy chương. Thêm nữa, thành tích giữa các đoàn không quá chênh lệch (Trung Quốc xếp đầu với 29 HCV, Hàn Quốc xếp sau với 21 HCV).

VĐV ấm ức vì trọng tài xử ép

Vấn nạn trọng tài thiên vị chủ nhà được xem là "đặc sản" ở SEA Games khiến giải đấu bị gọi là ao làng. Thế nhưng khi ra tới sân chơi châu Á như AIMAG, VĐV các nước trong đó có Việt Nam vẫn phải ấm ức vì trọng tài. Điển hình như ở môn jujitsu, võ sỹ Đào Hồng Sơn của Việt Nam 2 lần bị xử ép trắng trợn.

Võ sỹ Đào Hồng Sơn (trái) ngao ngán khi một ngày 2 lần đang đấu bán kết bị ban tổ chức kéo ra để thông báo... hủy kết quả thắng ở tứ kết

Cụ thể tại trận tứ kết hạng 62kg nam, Hồng Sơn bằng điểm nhau với võ sỹ chủ nhà Turkmenistan là Nurryyew Dawut. Với ưu thế tấn công, Sơn được trọng tài tuyên bố thắng. Thế nhưng trước khi Sơn bước vào thảm để thi bán kết thì ban trọng tài đã gọi riêng đoàn Việt Nam ra giải thích rằng, sau khi xem lại băng hình điểm đấm trúng của Sơn không được tính là điểm ưu thế, ngược lại trọng tài đã quên trừ điểm phạt do cuối giờ Sơn bị vật ngã. Phía lãnh đội Việt Nam phản ứng dữ dội song không thay đổi được kết quả.

Đến trận tứ kết 56kg nam diễn ra cùng ngày, Hồng Sơn đã được trọng tài tuyên bố thắng võ sỹ Philippines, Dee Gian Taylor ở tứ kết trong sự vui mừng khôn tả của cả đoàn Việt Nam vì đối thủ ở bán kết của Hồng Sơn không phải quá mạnh nên cơ hội chiến thắng để vào chung kết là rất lớn. Khi Sơn bước vào thảm đấu bán kết được 30 giây (mỗi trận 6 phút) thì bất ngờ trọng tài cho dừng trận, gọi VĐV của Việt Nam ra và cho biết anh bị xử thua ở trận tứ kết !?

Cách hành xử của ban trọng tài khiến toàn đội Việt Nam ngỡ ngàng, song chỉ biết lắc đầu ngao ngán với kiểu "đổi trắng thay đen" không giống ai này.

Đoạt HCV nhưng... thất bại chuyên môn

Một thực tế đáng suy ngẫm là đoàn Việt Nam vượt gấp đôi chỉ tiêu 5-7 HCV đề ra khi giành tới 12 HCV sau ngày thi đấu áp chót, nhưng đa số thất bại về mục tiêu cọ xát.

Điển hình như ở môn cử tạ, Thạch Kim Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn chia nhau HCV, HCB hạng 56kg, trong khi Trịnh Văn Vinh vô địch 62kg. Đáng nói, Tuấn và Vinh thắng đều thắng dễ do không có đối thủ xứng tầm cạnh tranh. Nên nhớ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia là các quốc gia rất mạnh ở hạng cân Tuấn và Vinh thi đấu, nhưng họ lại không cử VĐV mạnh nhất tham dự. Bản thân thành tích của Tuấn (282kg) và Vinh (302kg) tại AIMAG cũng kém xa so với thành tích tốt nhất (Tuấn - 296kg và Vinh - 307kg) mà họ từng đạt.

Không có đối thủ mạnh tham dự để so tài, cọ xát, Kim Tuấn và Quốc Toàn "đành" chia nhau HCV, HCB hạng 56kg nam môn cử tạ AIMAG

Thành thử như Trưởng đoàn Trần Đức Phấn thừa nhận: "Mục tiêu về thành tích tuy có đạt được nhưng cũng không đánh giá được đúng thực chất".

Hàng tỷ đồng đầu tư để 117 VĐV sang Turkmenistan thi thố tại AIMAG với mục tiêu kiểm tra thành tích bản thân, đồng thời cọ xát, tìm hiểu đối thủ trước khi tranh tài ASIAD 2018 nhưng gần như đã thất bại.

"Rõ ràng sẽ cần có những sự tính toán sao cho việc tham dự đại hội lần sau đạt hiệu quả cao nhất về chuyên môn. Về cơ bản nên ưu tiên cử đối tượng là những VĐV trẻ giỏi nhất ở các môn, đan xen một số VĐV chủ lực ở một số nội dung, phù hợp với công tác chuẩn bị cho ASIAD hay Olympic", Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT kiêm Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại AIMAG 2017, ông Trần Đức Phấn đúc rút.

Băng Tâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-thao/tranh-ao-lang-sea-games-gap-ao-lang-aimag/742789.antd