Trang trí đường phố bằng hội họa: Trào lưu hay nhưng cần kiểm soát

'Con đường gốm sứ' ở đê sông Hồng là mở màn cho ý tưởng trang trí đường phố bằng hội họa tại Hà Nội.

Đến nay, các dự án hội họa cộng đồng không chỉ mang tầm vóc kỷ lục Guineess, mà len lỏi trong phố nhỏ ngõ nhỏ của các khu dân cư ngõ 78 đường Duy Tân, ngõ 136 Hồ Tùng Mậu, khu tập thể chùa Láng, khu tập thể Yên Phụ… Các nhà quản lý văn hóa và giới hội họa, kiến trúc bắt đầu tỏ ra lo lắng về xu hướng loạn sắc màu này ở Hà Nội.

Tranh kể đủ chuyện
40 bức tranh 3D (mỗi bức cao khoảng 3m, chiều dài khoảng 6m) tại ngõ 136 Hồ Tùng Mậu (Mai Dịch, Cầu Giấy) xoay quanh các chủ đề truyện cổ tích Việt Nam, Tết Trung thu, tranh Đông Hồ, phong cảnh Việt… Dự án được 20 họa sĩ khéo léo vẽ trên những mảng tường đã thực sự tạo diện mạo mới cho con ngõ nhỏ.

Hơn 200m tranh gốm sứ được người dân Tổ dân phố 28, ngõ 76 phố Duy Tân tự đóng góp xây dựng để làm đẹp con phố nơi mình sinh sống. Ảnh: Nhật Vũ

Không chỉ người dân nơi đây tỏ ra thích thú, mà những người thường đi qua hoặc sinh hoạt kinh doanh trên con ngõ này cũng vui mừng coi đây là điểm thư giãn lý tưởng. “Thực tế, cây xanh ở đây rất ít, lại gần công trường thi công bụi bặm, nhưng kể từ khi mấy bức tranh kia được vẽ, không khí xung quanh dễ chịu nhiều” – ông Lê Văn Tân – một người lái xe ôm tại ngõ 136 Hồ Tùng Mậu tâm sự.
Cũng trên địa bàn quận Cầu Giấy, từ năm 2014 “con đường gốm sứ” thứ 2 của Hà Nội đã hình thành ở ngõ 78 Duy Tân. Chỉ với chiều dài 200m, dựng lên từ bờ tường của trường Tiểu học Dịch vọng B, những người dân ở Tổ dân phố 28 đã gửi gắm đủ thông điệp trên những bức tranh. Tại “con đường gốm sứ” thứ 2, có bức miêu tả phố phường Hà Nội, nhưng có bức lại đặc tả phong cảnh làng quê Việt Nam với hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình hoặc đôi khi lại là câu chuyện sĩ tử lều chõng đi thi…

"Làm đẹp cho phố phường là việc nên làm. Chúng tôi không quá cứng nhắc nhưng nội dung, ý tưởng bức tranh phải phù hợp, phải có kiểm soát để không phản nghệ thuật. Vẽ ngoài nhà mình là không gian công cộng, nên không phải người dân cứ có tiền là muốn vẽ gì lên cũng được." - Giám đốc sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động

"Đối với nghệ thuật cộng đồng cần có đội ngũ giám tuyển là người có chuyên môn để hiện thực hóa thiện chí của cá nhân hoặc tổ chức nào đó muốn trang trí ở nơi công cộng" - Họa sĩ Lê Thiết Cương

Theo bà Hoàng Minh Phương (phòng 3 nhà A3 khu tập thể Phụ nữ T.Ư): “Từ khi có những bức tranh 3D được vẽ lên tại khu dân cư, người dân sống trong khu tập thể rất phấn khởi, thích thú. Những bức tranh khiến các bức tường cũ kỹ sáng hẳn lên, không chỉ góp phần thay đổi diện mạo khu phố mà còn gắn kết tình cảm cộng đồng nơi phố xá”. Những bức tranh là thành quả của dự án cộng đồng mang tên Arts build communities (Nghệ thuật kiến tạo cộng đồng) do các họa sĩ trẻ của Công ty Thiết kế kiến họa TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội thực hiện. Theo bà Phương, những bức tranh gợi nhớ cho bà về Hà Nội xưa với tàu điện cũ, về làng Láng với những đặc trưng riêng về cánh đồng làng, rau húng Láng…
Và như là phong trào lan tỏa, khu dân cư này học tập khu dân cư kia, ở các con ngõ nhỏ trên phố Kim Mã, khu tập thể Yên Phụ… người ta đều bắt gặp những trang trí bích họa như thế. Đôi khi, người dân nhờ hội họa kể câu chuyện của làng mình, nhưng đôi lúc lại là câu chuyện của các TP khác trên thế giới, hoặc của miền đất trong tưởng tượng.
Vẽ có kiểm soát
Giới họa sĩ và các nhà quản lý văn hóa Hà Nội thừa nhận ý tưởng vẽ tranh 3D thay cho những bức tường cũ kỹ để tạo nên diện mạo mới ở nơi mình sinh sống đang bắt đầu trở thành trào lưu ở nhiều khu dân cư Hà Nội. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội đồng trang trí đường phố Hà Nội, khuyến khích phát triển nghệ thuật công cộng, nhằm đưa mỹ thuật đến gần với công chúng. Tuy nhiên, họa sĩ Trần Khánh Chương cho rằng: “Tôi không đồng tình việc để tự phát khắp nơi trang trí trên phố Hà Nội, bởi như thế không biết TP sẽ ra sao? Khi đưa những tác phẩm mỹ thuật ra nơi công cộng để công chúng thưởng thức phải là những “món ngon” nghệ thuật thay vì làm bẩn TP. Trong khi đó, hầu hết những bức vẽ xuất hiện ở các khu dân cư của Hà Nội đều mang tính nghiệp dư, hoặc do những họa sĩ không tên tuổi thực hiện nên khó có thể đặt nặng về chất lượng mỹ thuật”.
Mặc dù ở Hà Nội chưa có những bức tranh bị coi là thảm họa, nhưng giới họa sĩ và giới kiến trúc cũng cảnh báo Hà Nội cần lấy bài học vẽ hoa lên cột điện ở Q.11 TP Hồ Chí Minh. “Không phải cứ nơi nào bẩn, nhếch nhác mà được thay mới bằng hội họa đều là đẹp” – họa sĩ Lê Thiết Cương bày tỏ. Họa sĩ Trần Văn Minh - người tham gia vẽ bức tranh tường 3D dài kỷ lục tại ngõ 136 Hồ Tùng Mậu, cũng thừa nhận những hoạt động này nên có bàn tay quy hoạch từ phía các cơ quan quản lý đô thị để sản phẩm đạt tính thẩm mỹ tốt nhất. Cho dù, Sở VH&TT Hà Nội không có trách nhiệm cấp phép cho các dự án này, nhưng theo ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, phòng VH&TT các quận, huyện phải có trách nhiệm kiểm soát nội dung của các dự án này.

Nhật Vũ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/trang-tri-duong-pho-bang-hoi-hoa-trao-luu-hay-nhung-can-kiem-soat-313655.html