Trăng trăng, đèn đèn

Bánh nướng bánh dẻo bé tẻo teo ả con, mụ vợ giành cắt, anh nhận phần pha bình trà đen. 10 mét vuông sân thượng, rằm trăng năm nay - năm con chó - sau một hồi lẩn khuất trong mây, hơn 8 giờ đột ngột thật đúng là 'vén mây sáng lòa'. Hơn hai chục năm anh sống Sài Gòn, hiếm năm nào, trung thu trăng sáng như gương, như năm nay.

Mụ vợ đành hanh lúc bảo tắt lúc lại bảo bật sáng đèn sân thượng lên đi, để ờ ờ so đèn với trăng. Đèn nhà tròn vàng hươm thật gần, sáng to như trăng gần. Trăng trời sáng xanh xa xăm quá, nhìn lên qua kẽ là giàn hoa, qua ống kính điện thoại chỉ một chấm sáng bé tẻo teo. Có gì trên mặt trăng trời đấy?

“Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn/Cớ sao trăng lại chịu luồn đám mây. Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng/Đèn ra trước gió còn chăng, hỡi đèn”. Mụ vợ lẩm nhẩm, rồi hỏi ả con, câu này học chưa?

Không nhớ. Hôm nay ở lớp tụi con học bài thơ ngật ngưỡng của Nguyễn Công Trứ. Cô giảng say sưa lắm, lại hỏi, các em học được bài học gì từ bài thơ tự họa này của Nguyễn Công Trứ. Con thì chỉ thấy ông này (chết chết, sao gọi các nhà thơ là ông/bà này nọ) ngạo mạn. Không thích sự ngạo mạn.

OK. Học cũng là để biết cách diễn đạt điều mình muốn nói, ý tưởng của mình. Ý tưởng chắc ai chả có. Hơn nhau ở chỗ biểu đạt được và thành đạt được cái ý tưởng đấy. Biểu/diễn đạt thẳng nhưng điềm đạm. Nguyễn Công Trứ - nhớ dễ nhất hình như với hai câu “Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”. Danh gì với núi sông - cao vời xa xăm như mặt trăng đấy. Thôi, cứ gần như đèn nhà mình kia - giản dị rằng, mình vui, người khác cũng vui.

A nhớ rồi, câu so đo trăng đèn ấy học hồi lớp 5. Giỏi, còn nhớ được. Thời bố mẹ đi học, không có học những điều như vầy. Nhiều thứ, lớn nhiều tuổi rồi mới biết, thì tự học.

Anh trông trăng và cố nén tiếng thở dài. Tại sao lại thở dài dưới một ánh trăng thu tươi đẹp nhường này. Nhưng chuyện học hành xứ mình nhỉ, mấy chục năm nay có khi cứ như mớ bùi nhùi, có khi cãi nhau ỏm tỏi, hình như cũng bởi ai cũng muốn thấy mình là đúng, thầy mình tôn sùng mới là hay, ý/lý tưởng mình nghĩ ra, mình đeo đuổi mới là số một. Ý tưởng ai cũng có. Hơn nhau ở chỗ biểu đạt được và thành đạt được cái ý tưởng đấy. Nhưng hãy biểu/diễn đạt thẳng thắn và điềm đạm.

Trăng trăng, đèn đèn. Đời nào ai người nghĩ ra cái sự so đo tr(gi)ăng/đèn đấy để bao người đời sau băn khoăn/lăn tăn?

Trăng, hẳn nhiên, không thuộc sở hữu của người. Đèn thì đúng là do người làm ra. Người lấy trăng lấy đèn làm biểu tượng cho những ý của mình.

Nhưng trăng trăng, đèn đèn chả qua tâm, cứ ngàn đời an nhiên là trăng với đèn thôi.

TUYỀN LINH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/tan-man/trang-trang-den-den-633181.ldo