'Trạng Tí phiêu lưu ký' - sáng tạo hay vay mượn?

Được xây dựng dựa trên hệ thống nhân vật của bộ truyện 'Thần đồng đất Việt', 'Trạng Tí phiêu lưu ký' thuộc nhóm tác phẩm hiếm hoi dành cho thiếu nhi ra rạp những năm gần đây.

Thể loại: Phiêu lưu, giả tưởng

Đạo diễn: Phan Gia Nhật Linh

Diễn viên: Huỳnh Hữu Khang, Phan Bảo Tiên, Vương Hoàng Long, Trần Đức Anh

Điểm: 7/10

Sau nhiều lần dời lịch chiếu vì ảnh hưởng của Covid-19, bộ phim Trạng Tí phiêu lưu ký đã chính thức ra mắt. Phim do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn và Studio68 của Ngô Thanh Vân đầu tư sản xuất. Tác phẩm có sự góp mặt của nhiều diễn viên tên tuổi trên màn ảnh Việt như Quang Thắng, Trung Ruồi, Xuân Nghị, Phi Phụng... trong các vai phụ, làm nền cho các gương mặt nhí tỏa sáng.

Phim điện ảnh hiếm hoi dành cho thiếu nhi

Trong phim, Tí (Huỳnh Hữu Khang) là chú bé thông minh hơn người. Em cùng mẹ sống cảnh rau cháo nuôi nhau tại làng Phan Thị. Vì mẹ Tí không chồng mà chửa, hai người phải chịu sự dèm pha, dè bỉu của thiên hạ. Mang theo sự ấm ức, Tí quyết lên núi tìm gặp sư thầy Thích Thông Tuệ để hỏi xem cha mình là ai.

 Cuối năm 2020, Trạng Tí phiêu lưu ký từng vướng phải nhiều bê bối xung quanh vấn đề tác quyền và sạn nội dung.

Cuối năm 2020, Trạng Tí phiêu lưu ký từng vướng phải nhiều bê bối xung quanh vấn đề tác quyền và sạn nội dung.

Bạn đồng hành của Tí trên chặng đường tìm cha là nhóm bạn chí cốt gồm Sửu (Phan Bảo Tiên), Dần (Vương Hoàng Long) và Mẹo (Trần Đức Anh). Không chỉ Tí, mỗi đứa trẻ trong bộ tứ cũng có những chuyện éo le.

Sửu không mẹ, lớn lên trong sự chăm chút của cha là một thầy đồ keo kiệt. Cha Dần tối ngày say xỉn, còn mẹ cậu là bà chủ quán ăn miệng mồm nanh nọc. Dần béo tròn, vụng về nhưng có tấm lòng nhân hậu.

Mẹo là con nhà phú hộ, có đến ba bà mẹ. Trong nhóm, Mẹo cũng là đứa tinh ranh, nhanh mồm hơn cả. Cậu thường xuyên lấy chuyện Tí không cha làm đề tài khích bác, trêu chọc bạn. Cha mẹ của Mẹo thường cậy giàu sang mà cấm con trai chơi với Tí.

Trên hành trình lên núi tìm sư thầy, Tí, Sửu, Dần, Mẹo đã sa vào tay bọn sơn tặc thảo khấu tìm cách chiếm kho báu giấu trong đền thờ thần hổ. Kiếp nạn giúp bộ tứ làm quen với hai người bạn mới là Mùi (Kim Thư) và Tiểu Tị (Hoàng Duy).

Trạng Tí phiêu lưu ký nhắm tới đối tượng khán giả là thiếu niên, nhi đồng. Bước đầu, phim đã thành công trong việc đưa lên màn ảnh dàn nhân vật chính Tí, Sửu, Dần, Mẹo sinh động, đáng mến, mỗi người một vẻ.

Các diễn viên nhí đều diễn tròn vai, đài từ tốt, tránh được lối đọc thoại như học thuộc lòng. Trên phim, mỗi nhân vật nhí đều có không gian để kể câu chuyện của mình và khoảnh khắc để tỏa sáng. Trong đó, diễn xuất của Trần Đức Anh trong vai Mẹo và màn phô diễn kỹ năng võ thuật của Hoàng Duy gây ấn tượng hơn cả.

Trên màn ảnh, những bài học về sự trung thực, lòng hiếu thảo, tinh thần trượng nghĩa… được lồng ghép vào nhiều phân đoạn nhưng nhìn chung không bị lên gân hay giáo điều.

Một Trạng Tí nặng về tâm lý mà thiếu sự linh lợi đặc trưng

Trạng Tí phiêu lưu ký đã đưa lên màn ảnh nhiều gương mặt thuộc vũ trụ nhân vật được họa sĩ Lê Linh sáng tạo cho bộ truyện tranh ăn khách Thần đồng đất Việt. Tuy nhiên, phim có những thay đổi trong việc phân vai hai nhân vật thuộc hàng thứ chính là Mùi và Tiểu Tỵ.

Phim gây ấn tượng với dàn diễn viên nhí tròn vai.

Trong truyện, Mùi là bạn thân của Sửu, lạc cha mẹ từ nhỏ nhưng may mắn được một gia đình tốt bụng cưu mang. Lên phim, cô trở thành con gái nuôi của tướng cướp, cùng cha gây ra không ít khó khăn cho Tí và các bạn. Tiếp đến, Tiểu Tỵ cũng không hiền hòa, dễ bị bắt nạt mà trở thành một tiểu hòa thượng giỏi võ, cương trực, già dặn.

Không chỉ thay đổi về nhân vật, kịch bản Trạng Tí phiêu lưu ký cũng viết phóng tay so với bộ truyện của tác giả Lê Linh. Phim phát triển theo hướng hành động, phiêu lưu, kỳ ảo thay vì khai thác những tình huống đời thường, mang màu sắc dân gian.

Cũng vì sự thay đổi trong thể loại, nhân vật Tí của Phan Gia Nhật Linh chưa cho thấy sự thông minh, giỏi ứng biến như nhân vật trên trang sách. Trên phim, cậu bé có trí thông minh, nhưng năng lực trời phú mới chỉ như viên đá thô chưa được mài thành ngọc. Trọng tâm của câu chuyện chính là hành trình phát triển cảm xúc của Tí.

Tí ghét miệng lưỡi ác độc của dân làng Phan Thị, cậu tủi thân mỗi khi bị bạn bè đem ra trêu chọc, lại có phần oán trách mẹ sinh ra mình không cha… Sự oán trách trở thành một phần động lực thôi thúc Tí đi tìm cha. Cậu tìm kiếm sự công nhận và cơ hội được đối xử một cách bình đẳng. Nói cách khác, cậu muốn được giống như mọi người.

Đây là mô-típ không mới trong điện ảnh, nhất là những bộ phim dành cho tuổi mới lớn. Khán giả được thấy một nhân vật lệch chuẩn tìm mọi cách để trở thành “người bình thường” giữa xã hội, dù có phải đánh đổi bằng việc phủ nhận gốc gác của mình. Với Trạng Tí phiêu lưu ký, hướng tiếp cận này khiến nhân vật hiện ra có phần xa lạ so với bộ truyện tranh của Lê Linh.

Đây cũng có thể là điều tốt, khi nó mang lại cho khán giả góc nhìn đa chiều về nhân vật họ từng quen thuộc và yêu thích. Cùng với nó là một vũ trụ sự kiện mới, ẩn chứa nhiều bất ngờ. Tuy nhiên, mặt bất cập của quyết định làm mới này chính là phim không truyền tải được trọn vẹn những đặc trưng của nhân vật.

Nhiều chi tiết vay mượn?

Một vấn đề khác của Trạng Tí phiêu lưu ký là khiến khán giả đôi khi bị phân tâm bởi những chi tiết “vừa quen vừa lạ”, dù sáng tạo vẫn có cảm giác như vay mượn.

Đầu phim, việc Tí bày mưu giúp quan huyện bắt trộm cho thấy giữa cả hai đã có sự thấu hiểu, cũng như tin tưởng nhất định. Tuy nhiên, ngay cảnh sau, vị quan lạnh lùng công bố thông tin về hội thi cho bố và con. Điều này chẳng khác nào đánh đố cậu nhóc nhân vật chính.

Trạng Tí phiêu lưu ký phát triển theo hướng đi hoàn toàn khác so với Thần đồng đất Việt.

Hội thi, hay chính vị quan, cũng không đóng góp quá nhiều vào sự phát triển của câu chuyện. Trái lại, nó mang đến nhiều câu hỏi “thế nào” nhức nhối: Làm thế nào Tí gây dựng được uy tín với ông quan huyện? Bằng cách nào họ gặp được nhau?

Chưa kể, vai trò của Tí trong tình huống bắt trộm cũng ít nhiều gợi nhắc chức danh “thám tử cố vấn” của Sherlock Holmes với sở cảnh sát Scotland Yard nói chung và thanh tra Lestrade nói riêng trong sáng tạo của Sir Arthur Conan Doyle.

Chi tiết về sự hoài thai lạ kỳ trong nguyên tác cũng được đưa lên màn ảnh và thể hiện bằng khung cảnh mang màu sắc siêu thực. Việc Tí sinh ra từ hòn đá cũng được sử dụng làm chìa khóa, dẫn dắt khán giả vào một vũ trụ sự kiện lớn hơn.

Trên phim, người xem được biết sự tồn tại của viên đá màu xanh lam nằm trong lòng bàn tay Tí từ khi chào đời, viên đá đỏ trong đền thờ thần hổ. Cuối phim, viên đá thứ ba cùng người đang giữ nó cũng được tiết lộ. Tuy nhiên, việc ba viên đá dùng để làm gì, cũng như liệu có tồn tại thêm viên đá thứ tư, thứ năm hay không, hoàn toàn bị bỏ ngỏ.

Hé lộ vào cảnh kết Trạng Tí phiêu lưu ký ngầm thông báo với khán giả tương lai loạt phim sẽ xoay quanh những viên đá thần. Chúng, giống như Nhẫn Chúa trong Lord of the Rings, Ellen Ripley của loạt Alien hay xứ Narnia trong chùm phim chuyển thể từ tiểu thuyết của C.S. Lewis… là sợi chỉ đỏ xâu chuỗi các phần phim độc lập.

Tuy nhiên, công thức kể chuyện kinh điển này lại nhiều rủi ro khi sử dụng cho Trạng Tí phiêu lưu ký. Nó dễ gây cho khán giả sự liên tưởng tới bộ Đá Vô cực đã giúp trụ Điện ảnh Marvel vận hành suốt 11 năm cho tới Avengers: Endgame (2019).

Thêm vào đó, việc phát triển câu chuyện theo những viên đá thần rất có thể đẩy hậu truyện Trạng Tí vào thế buộc phải thay đổi dàn nhân vật trung tâm. Bởi hiện tại, ngoài Tí, không ai có liên hệ đủ mật thiết với những viên đá. Điều này dẫn đến nguy cơ loạt phim sẽ lãng phí bộ nhân vật của nguyên tác Thần đồng đất Việt một cách đầy đáng tiếc.

Hải Anh

Ảnh: Studio68

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trang-ti-phieu-luu-ky-sang-tao-hay-vay-muon-post1210210.html