Trang phục truyền thống của đồng bào Thổ Thanh Hóa

Ở Thanh Hóa, người Thổ sinh sống chủ yếu trên địa bàn huyện Như Xuân, một trong số 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.

So với 40.000 người Thổ trên phạm vi cả nước, người Thổ ở Thanh Hóa có trên 9.459 người, được phân bổ ở các xã: Yên Lễ, Cán Khê, Cát Vân, Thượng Ninh, Xuân Bình và xã Hóa Quỳ thuộc huyện này. Nếu so với các dân tộc thiểu số: Mường, Thái, Dao, Mông, Khơ Mú trong tỉnh thì người Thổ chiếm tỷ lệ rất ít.

Đồng bào Thổ sinh sống ở địa bàn đồi núi thấp và thoải, nối liền vùng cao với vùng đồng bằng. Đất đai vùng này chủ yếu là đất Feralit, đất đỏ phong hóa đá vôi. Suối nhỏ có lưu lượng nước không nhiều. Trước Cách mạng Tháng Tám, đồng bào chủ yếu canh tác nương rẫy, kết hợp với canh tác lúa nước. Do đó năng suất thấp và bấp bênh. Hiện nay, đồng bào chủ yếu canh tác ruộng nước, bảo vệ và khoanh nuôi rừng, chăn nuôi đại gia súc và đào ao thả cá, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao.

Người Thổ từ xưa tới nay có tình đoàn kết chung sống hòa thuận, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, không thích ồn ào, phô trương, trọng lẽ phải... tạo nên nét đẹp truyền thống trong cuộc sống cộng đồng. Nhiều thuần phong mỹ tục về quan hệ và ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên đã được trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, trở thành lẽ sống, nếp ứng xử đẹp trong dân gian.

Văn hóa dân gian của đồng bào Thổ khá phong phú và độc đáo, thể hiện tâm hồn, tình cảm của những con người dẫu cuộc sống còn gặp nhiều gian khó nhưng vẫn tràn đầy niềm lạc quan yêu đời, không bi quan, luôn thể hiện ý chí nghị lực phi thường vươn lên trong cuộc sống. Trong quá trình giao lưu, tiếp nhận văn hóa, người Thổ nơi đây vừa biết tiếp nhận những giá trị văn hóa của người Mường, người Kinh, cũng như sắc thái văn hóa khác của các dân tộc anh em, đồng thời loại bỏ những hủ tục lạc hậu và không ngừng bảo tồn, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới, tích cực phát huy những thuần phong mỹ tục cổ truyền của dân tộc phục vụ cuộc sống.

Người Thổ với tính cách ôn hòa, hiền lành như hạt lúa, củ khoai. Trong đời sống, sinh hoạt, họ có nếp sống giản dị, không phô trương hay hoa mỹ, vì vậy trang phục của họ cũng mộc mạc, bình dị, mang sắc màu của đất đai và hoa trái... hồn hậu, duyên dáng và kín đáo như chính tâm hồn họ.

Cây gai là cây nguyên liệu rất cần thiết đối với đồng bào Thổ để làm ra các sản phẩm từ sợi gai để dệt, đan thành những tấm chăn bằng sợi gai, khăn đội đầu, thắt lưng, vỏ chăn, vải để may áo nam giới, váy của phụ nữ, đan võng; một chiếc võng đẹp có thể đổi được một bộ quần áo và hơn thế nữa. Nghề thủ công truyền thống trồng đay, se sợi, dệt vải là niềm tự hào của đồng bào Thổ.

Trang phục của phụ nữ dân tộc Thổ trong ngày hội.

Với trang phục của người Thổ, ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Đồng bào Thổ cả nam và nữ về cơ bản ăn mặc khá giống với người Kinh, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên và trung niên, người già chỉ còn mặc y phục trong những dịp quan trọng như lễ tết, hay công việc đặc biệt quan trọng như đám ăn hỏi, đám cưới... Tuy có sự thay đổi và giao thoa về trang phục như vậy nhưng người Thổ vẫn ý thức rất rõ về trang phục của mình, điều này vừa lưu giữ những trang phục cổ truyền, vừa tạo nên sự đa dạng và phong phú về trang phục, kiểu cách ăn mặc của họ trong cuộc sống.

Đối với trang phục nữ, phụ nữ Thổ ở Như Xuân không thạo nghề dệt vải, họ thường trồng gai để lấy sợi dệt vải, may vá thành trang phục để dùng.

Vải sợi gai cũng có độ mịn, đẹp và rất bền, không kém là bao so với các loại sợi vải khác. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi chỉ dụ của Lê Thánh Tông định kiểu y phục: “Cho phép từ mùa đông tháng 10, tiết trời rét, các quan mặc áo là tơ gai để phù hợp khí hậu”, trong dân chúng, việc trồng gai và dùng vải sợi gai để làm quần áo mặc là phổ biến lúc bấy giờ. Với người Thổ, vào cuối thế kỷ XX, nghề dệt sợi gai và cả dệt vải từ sợi bông ở người Thổ hầu như không còn duy trì, thay vào đó người Thổ ở Như Xuân không tự dệt lấy vải dùng mà trao đổi sợi gai cho người Thái, người Mường để lấy vải may váy, áo. Nghề dệt không còn nữa. Song, việc trồng gai lấy sợi, lá để bán vẫn còn tiếp tục duy trì cho đến ngày nay.

Sản phẩm y phục do phụ nữ dân tộc Thổ thêu dệt có màu sắc và họa tiết hoa văn đơn giản hơn nhiều so với người Thái và Mường. Đặc trưng váy của người Thổ Như Xuân có màu nâu nhạt, hoa văn là những đường viền pha màu trắng và xanh nhạt xen nhau. Rất dễ nhận ra và phân biệt trang phục qua chiếc váy của người Thổ, bởi kỹ thuật không cầu kỳ, trên váy không có các hoa văn hình học nào được thêu dệt trên y phục của họ.

Trong trang phục, phụ nữ người Thổ vận chiếc váy ngắn quá đầu gối, cạp váy trắng quấn ngang hông, thân và chân váy không phân biệt rõ mà chỉ là những đường viền pha màu trắng và xanh nhạt nối thiếp xen nhau. Yếm cổ xây hoặc cổ con én được khoác ở ngực trước, bên ngoài là chiếc áo dài năm thân có ống tay hẹp, gần như bó khít lấy cổ tay. Trên đầu mang khăn vuông trắng quấn quanh. Khăn lưng làm tôn lên vẻ nhanh gọn, duyên dáng của người phụ nữ dân tộc Thổ. Với thiếu nữ, họ thường thắt lưng bằng dải vải màu xanh lục, để dải khăn ra đằng trước; còn bà già thắt lưng tó màu vàng để 2 dải khăn ra phía sau...

Phụ nữ Thổ thường để tóc dài vừa đẹp lại vừa tăng thêm nét duyên dáng, nữ tính. Tóc của người phụ nữ thường rẽ thành đường ngôi giữa đỉnh đầu, búi tóc ở sau gáy hoặc được tết và quấn ở quanh đầu, phía ngoài được quấn khăn vải trắng. Phụ nữ có một số đồ trang sức bằng bạc như: tai đeo hoa tai bằng bạc hoặc vàng, cổ mang vòng hoặc đeo kiềng, cổ tay đeo 2 vòng tay, ngón tay đeo 3 cái nhẫn...; rất ít người có dây xà tích hay người già mang theo cối trầu được chế tác bằng bạc rất tinh xảo giống như phụ nữ người Thái hay người Mường. Ngoài làm đẹp, người Thổ còn cho biết những trang sức bằng bạc này có thể trừ tà và tránh được bệnh tật, cảm mạo. Trang phục và trang sức của phụ nữ Thổ toát lên vẻ đẹp bình dị, gọn gàng, kín đáo mà vẫn toát lên vẻ dịu dàng, duyên dáng.

Trang phục của cụ ông, cụ bà dân tộc Thổ.

Ngày nay, trang phục của phụ nữ Thổ đã có sự tiếp nhận cách ăn mặc của phụ nữ người Kinh, trang phục truyền thống chỉ còn những bà cụ già sử dụng, với chị em phụ nữ họ chỉ vận trang phục của dân tộc Thổ trong dịp lễ tết, hội hè; về màu sắc, hoa văn thổ cẩm và chất liệu vải đã có sự cải biên cho phù hợp, những trang phục cổ truyền còn lại rất hiếm.

Về trang phục nam, trang phục nam thường đơn giản hơn rất nhiều so với trang phục của nữ và có phần giản dị. Đàn ông Thổ ngày xưa mặc áo 5 thân, nhuộm màu nâu đỏ, đầu đội khăn xếp, mặc quần dài trắng vấn cạp, ngày thường mặc chiếc quần nâu vấn cạp và áo vải nhuộm nâu, cổ đứng có túi lớn ở ngực bên trái. Đối với các cụ già trước kia để tóc dài cuốn lọn phía sau, răng nhuộm đen, ngón tay đeo nhẫn.

Xưa kia, người nghèo khổ thường đóng khố, quần chỉ có một cái. Đi thăm bà con xa, đi chợ, đi dự lễ hội... mới mặc quần. Những đêm đông rét mướt họ thường ngồi bên bếp lửa. Quanh năm suốt tháng đi chân không.

Ngày nay, trang phục truyền thống của đàn ông người Thổ còn giữ được gần giống với bộ quần áo của người Kinh, quần lá tọa và áo cánh màu nâu có hai túi phía vạt trước, bộ cánh này rộng và thoáng mát. Họ chỉ mặc trang phục truyền thống của tộc người mình vào những dịp hội hè hay những ngày đặc biệt của xóm làng hoặc của gia đình. Ngày thường đàn ông người Thổ mặc như người Kinh, kiểu tóc của đàn ông Thổ cắt ngắn như người Kinh.

Trang phục là ảnh xạ về lịch sử, truyền thống văn hóa của mỗi tộc người. Trang phục của đồng bào Thổ xứ Thanh phản ánh quá trình hình thành, phát triển, phương thức sản xuất, đời sống sinh hoạt và sắc thái văn hóa của họ trong diễn trình của lịch sử dân tộc, góp phần làm cho bức khảm tộc người ở tỉnh Thanh vừa đặc sắc lại vừa đa dạng mà thống nhất.

TS. Hoàng Minh Tường

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/trang-phuc-truyen-thong-cua-dong-bao-tho-thanh-hoa-77001