Trăng Mường Lò anh mang về xuôi

Giữa ngút ngàn núi rừng Tây Bắc thiên nhiên ban tặng tới 4 vựa lúa đã thành câu ca được lưu truyền, đó là 'Nhất Thanh nhì Lò tam Than tứ Tấc'. Thanh là Mường Thanh - Điện Biên Phủ; Lò là Mường Lò - Nghĩa Lộ, Yên Bái; Than là Mường Than - Than Uyên - Lào Cai; Tấc là Mường Tấc - Phù Yên, Sơn La. Mường Lò thứ nhì trong đó.

Ảnh: Thanh Miền

Ảnh: Thanh Miền

Quốc lộ 32 uốn lượn giữa miền núi non Tây Bắc “thanh sơn, bích thủy”, rậm rì cây rừng, lau lách. Rồi như một phép màu, con đường bỗng trườn vào một cánh đồng bằng phẳng biêng biếc sóng lúa, đó là Mường Lò. Tới mùa lúa chín cả cánh đồng Mường Lò lại vàng rực một màu tít tắp triền núi, lưng đồi, cho những hạt gạo nõn nà, thơm thảo. “Mường Lò gạo trắng, nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về.”

Cánh đồng Mường Lò dài 15 cây số, rộng từ 3 đến 8 cây số, được bao bọc bởi dãy Hoàng Liên ngàn năm mây trắng, trưa hè không quá nóng, đêm đông không rét thấu xương. Trong ngày phảng phất tiết trời 4 mùa. Sáng không gian thoáng nhẹ, trưa găn gắt nắng, dịu dần về chiều, cho say nồng giấc ngủ về đêm. Khi tiết xuân chớm về, cái lạnh mùa đông còn vương vấn thì giữa lòng chảo Mường Lò đã trắng muốt hoa ban. Hoa ban trắng ngần giữa thảm cỏ xanh đồi Pú Trạng, Pú Lo. Hoa giăng giăng điểm trang phố phường thị xã Nghĩa Lộ.

Mùa xuân đã đến

Thị xã Nghĩa Lộ nằm lọt thỏm giữa thung lũng Mường Lò. Mùa xuân đích thực đã đến với Mường Lộ - Nghĩa Lộ từ ngày quân ta tiến vào giải phóng. Ngày ấy thị xã Nghĩa Lộ khoảng 200 nóc nhà lúp xúp, nay là nơi quần cư của 17 dân tộc anh em với trên 27 nghìn người, trong đó đồng bào Thái tới 44%. Nay thị xã đã có nhiều nhà cao kiến trúc tân kỳ, song chợ Mường Lò vẫn giữ nét kiến trúc mang bản sắc truyền thống với một đình chợ chính hai tầng - dáng dấp ngôi nhà sàn đặc trưng của dân tộc Thái. Xung quanh đình chợ chính là 6 đình nhỏ và 118 kiốt kiên cố. Cổng chợ chính ghi tên bằng ba thứ chữ. Chữ Việt trên cùng, tiếp dưới là chữ Thái sau cùng là hàng chữ Anh. Chợ là hình ảnh thu nhỏ đậm sắc màu kinh tế - thương mại - dịch vụ của vùng này.

Đến Mường Lò, du khách sẽ được thưởng ngoạn món xôi ngũ sắc - 5 màu rực rỡ. Nguyên thủy là màu trắng của gạo nếp và 4 màu vàng - xanh - đỏ - tím được chế từ rau, quả, củ bình dị chân quê. Các màu tượng trưng cho: Sức khỏe - tiền tài - hạnh phúc - môi trường sống - thủy chung. Ụ xôi ngũ sắc thường được bày chính giữa mâm với 5 khối màu sát nhau, phía trong chụm vào như 5 ngọn núi tụ về nguồn cội, phần ngoài xòe ra như 5 cánh hoa ban đón nắng ban mai.

Khi miếng xôi trôi xuôi cổ họng thì phải chiêu ngụm chè Suối Giàng. Chè từ trên đỉnh núi được ngựa thồ về bản là đưa ngay vào sao tẩm, chế biến. Chè Suối Giàng ngào ngạt thơm chan chát, quyến rũ cho cảm giác như được thưởng thức chính thứ hương rừng sắc núi.

Đậm đà bản sắc

Lạc trong bạt ngàn hoa ban trắng Mường Lò sẽ bắt gặp những cô gái Thái xúng xính trong bộ váy đen, áo cóm, đầu đội khăn piêu, lưng đeo xà tích. Áo cóm chỉ đơn thuần là chiếc áo ngắn nhưng may cắt cầu kỳ có phần "tó son" ôm phần ngực, phần eo mở hết đường cong. Nhưng đặc trưng của áo cóm là có tín hiệu phát tới mọi trái tim bằng hàng cúc bạc lấp lánh đúc hình con bướm, con ve. Còn son thì số hàng cúc lẻ, bước vào đời thì số hàng cúc chẵn.

Tôn lên vẻ duyên dáng hút hồn của những cô giái Thái phải kể đến những điệu xòe Thái mà đến Mường Lò thể nào cũng bắt gặp, là tiết mục không thể thiếu trong các lễ hội, cuộc vui. “Không xòe không vui/ Không xòe cây lúa không trổ bông/ Không xòe cây ngô không ra bắp/ Không xòe trai gái không thành đôi”. Hiện người Thái Mường Lò còn gìn giữ được 6 điệu xòe cổ. Đó là các điệu xòe quanh đống lửa - xòe nâng khăn mời rượu - xòe tiến lùi - xòe tung khăn - xòe vòng tròn vỗ tay... Âm thanh trầm bổng, vũ điệu nhịp nhàng tưng bừng, say đắm.

Vào hội xuân, con trái, con gái trong bản, ngoài mường hẹn hò tung còn, chơi “tó mắc lé”, đánh quả “yến” trong tiếng chiêng trống ngân vang. Về đêm quanh ánh lửa bập bùng, ửng hồng đôi má những cô gái Thái ẩn mình trong bộ áo cóm, rực rỡ sắc màu khăn piêu, đung đưa xà tích bạc theo từng nhịp xòe. Hội vui trôi dần về khuya, chợt cất lên tiếng bắt nhịp bài hát “Đêm Mường Lò”, thế là khán giả ùa vào sân tay trong tay với các vũ nữ cùng múa hát. Bài hát có câu: “Đêm Mường Lò, trăng đã lên dần/ Vào đi anh, múa xòe cùng em, xòe cùng em/ Đêm Mường Lò chiêng trống rộn ràng, rừng núi âm vang/ Tay cầm tay múa xòe cùng em/ Kìa hội vui, vào đây anh, đừng để em cô đơn một mình.

Và đoạn kết mới da diết làm sao. “Sương giăng đầy, mai xa rồi/ Trăng Mường Lò Anh mang về theo/ Mai xa rồi, trăng Mường Lò, anh mang về xuôi”.

Tiềm năng đang hiện thực

Trong suốt chiều dài lịch sử, thị xã Nghĩa Lộ ngày nay trải qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, nay hội đủ các tố chất phát triển, nhất là về tiềm năng du lịch văn hóa - sinh thái.

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Nghĩa Lộ (18.10.1952 – 18.10.2002). “Hội chợ thương mại - văn hóa - du lịch miền tây Yên Bái và hội thảo với chủ đề “Định hướng phát triển tiểu thủ công nghiệp” - hạng mục trong Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, được tổ chức tại thị xã Nghĩa Lộ. Và năm nay là Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò 21.9.2018 với chủ đề “Về miền Ban trắng Mường Lò”. Hội năm nay có trình diễn màn đại xòe với hàng nghìn nghệ nhân tham gia và biểu diễn “Chiếc khèn bè lớn nhất Việt Nam”, văn nghệ đường phố, thi bắn nỏ và các môn thể thao truyền thống, triển lãm ảnh nghệ thuật, thi ẩm thực dân tộc...

Trùm lên là ý tưởng lớn đang dần hiện thực. Đó là Chương trình xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành thành phố miền tây vào năm 2020 trở thành Trung tâm kinh tế - văn hóa - thương mại - dịch vụ trẻ trung, năng động, theo hướng đô thị văn hóa - miền núi tiêu biểu vừa mang dáng vẻ hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Khi ấy, đã đến Mường Lò hẳn không muốn về/ Còn lạc vào hội vui, hát cùng em, múa xòe cùng em.

Nguyễn Duy Nghĩa

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/trang-muong-lo-anh-mang-ve-xuoi-631986.ldo