'Trang mới' của JCG

Vai trò của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) đang bước vào 'trang mới' trong sự phát triển ngày càng lớn mạnh của mình.

Không chỉ đơn thuần thực hiện nhiệm vụ như tên gọi mà lực lượng này hiện còn đang trở thành một nhân tố của mối quan hệ hợp tác tích cực và đường lối ngoại giao phòng ngừa của Tokyo trong việc duy trì trật tự hàng hải trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung.

"Thời thơ ấu"

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) là một đơn vị tương đối non trẻ và sẽ bước sang tuổi 20 vào năm 2020. Mặc dù đơn vị tiền nhiệm của nó là Cơ quan An toàn Hàng hải (MSA) được thành lập năm 1948, JCG là một tổ chức khác biệt về cơ bản so với MSA.

JCG được đặt tên như vậy vào năm 2000, khi nó được sắp xếp lại tổ chức hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch. Một bộ luật sửa đổi về JCG ban hành năm 2001 đã mở rộng các sứ mệnh của JCG ra bên ngoài nhiệm vụ thực thi luật hàng hải, tìm kiếm và cứu nạn trên biển.

Theo đó, kể từ năm 2001, các sứ mệnh của JCG bao gồm: tuần tra các vùng lãnh hải của Nhật Bản và khu đặc quyền kinh tế; chống hoạt động nhập cư bất hợp pháp và buôn lậu; chống cướp biển; chống khủng bố; tiến hành giám sát các hoạt động bất hợp pháp của tàu cá nước ngoài; ngăn chặn các tàu thuyền tình nghi và tàu giám sát; xử lý các hoạt động bất hợp pháp của tàu nghiên cứu hải dương nước ngoài; xử phạt các tàu vi phạm phớt lờ cảnh báo và tuần tra cũng như bảo vệ các vùng lãnh hải gần các vùng lãnh thổ tranh chấp, như quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Như nhà khoa học chính trị chuyên nghiên cứu về Nhật Bản, ông Richard Samuels hồi đầu năm 2007 đánh giá rằng việc mở rộng các sứ mệnh của JCG là "bước phát triển quân sự có ý nghĩa quan trọng nhất và ít được biết đến nhất của quân đội Nhật Bản kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh".

Mặc dù không phải là một tổ chức quân sự nhưng JCG lại thực hiện các hành động quân sự. Năm 1999, JCG đụng độ với một tàu do thám của CHDCND Triều Tiên ngoài khơi Bán đảo Noto. Trong vụ đụng độ này, JCG đã yêu cầu sự hỗ trợ của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF), đơn vị đã bắn đạn cảnh cáo vào các tàu do thám bị tình nghi của CHDCND Triều Tiên.

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản bắn đạn cảnh báo kể từ năm 1953 và là lần đầu tiên Thủ tướng nước này yêu cầu JMSDF hỗ trợ cho JCG. Sự kiện năm 1999 đã buộc Nhật Bản suy nghĩ nghiêm túc hơn về sự phối hợp giữa JCG và JMSDF. Tuy nhiên, phải đến năm 2015 thì hai lực lượng này mới cùng nhau khởi động các cuộc diễn tập "vùng xám" dân-quân chung.

Do JCG sẽ tiếp tục đóng một vai trò trong việc chống lại các hoạt động "vùng xám" của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiến tới lấp đầy bất kỳ khoảng trống tiềm tàng nào trong hoạt động quốc phòng của mình, trong đó bao gồm những khoảng trống về thông tin và công nghệ.

"Thay áo mới"

Là một phần của nỗ lực lấp đầy khoảng trống nói trên là việc ngừng sử dụng thiết bị bay không người lái do Trung Quốc sản xuất trong hoạt động của lực lượng này và việc thiết lập một đơn vị do thám di động mới.

Thành viên Đơn vị Giám sát Di động ghi lại số hiệu của "tàu ma" trôi dạt vào bờ biển tỉnh Aomori.

Thành viên Đơn vị Giám sát Di động ghi lại số hiệu của "tàu ma" trôi dạt vào bờ biển tỉnh Aomori.

Hiện JCG đang sử dụng vài chục thiết bị bay không người lái do Trung Quốc sản xuất để thực hiện các hoạt động giám sát và cứu hộ trên biển, giám sát các tàu thuyền bị tình nghi và bảo vệ vùng lãnh hải quanh quần đảo tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.

Theo tờ Nikkei Asian Review, JCG có kế hoạch ngừng sử dụng và mua sắm các thiết bị bay không người lái do Trung Quốc sản xuất trong năm tài khóa 2020 do những quan ngại về an ninh thông tin. Tuy nhiên, hiện chưa rõ Nhật Bản sẽ có kế hoạch sử dụng thiết bị thay thế của nước nào.

Đây là vụ việc thứ 2 trong đó sản phẩm của Trung Quốc bị gạt ra khỏi các chương trình mua sắm của Chính phủ Nhật Bản. Trước đó, hồi năm 2018, Nhật Bản đã quyết định loại bỏ các thiết bị của tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc ra khỏi các chương trình mua sắm thiết bị của chính phủ.

Quyết định nói trên cho thấy những quan ngại thực sự về mối quan hệ phụ thuộc của các công ty tư nhân Trung Quốc với Chính quyền Bắc Kinh. Quyết định của Tokyo được đưa ra sau khi Mỹ đã nhiều lần ban hành lệnh cấm mua sắm và sử dụng các thiết bị bay không người lái của Trung Quốc, trong đó tập đoàn DJI của Trung Quốc, hãng chế tạo thiết bị bay không người lái lớn nhất thế giới, là mục tiêu chính.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm và bảo dưỡng Ellen Lord hồi tháng 8-2019 bình luận: "Chúng tôi biết rằng những thiết bị bay không người lái này đã gửi rất nhiều thông tin ngược trở lại Trung Quốc". Đáp lại kế hoạch thay thế trên của Nhật Bản, tập đoàn DJI cho rằng chính sách hạn chế này của Tokyo là không có cơ sở.

"Chiếc áo mới" thứ hai là JCG gần đây thiết lập một đơn vị giám sát di động ở thị trấn Ajigasawa, tỉnh Aomori, nhằm đối phó với số lượng ngày càng tăng các thuyền gỗ bị trôi dạt vào bờ biển Nhật Bản vốn đa phần bị nghi là có nguồn gốc từ CHDCND Triều Tiên.

Được thiết lập hồi đầu tháng 11, đơn vị giám sát này gồm 10 thành viên, chịu trách nhiệm giám sát và tuần tra 6 thành phố và thị trấn dọc theo 200km bờ biển để ghi chép lại thông số về những con thuyền gỗ trôi dạt vào bờ. Các thành viên của đội có nhiệm vụ chia sẻ thông tin với giới chức địa phương để xử lý những quan ngại của người dân địa phương về những con tàu trôi dạt nói trên. Họ cũng tiến hành hoạt động tìm kiếm và cứu nạn tại khu vực xung quanh tàu thuyền trôi dạt.

Vào mùa Đông, đơn vị giám sát này có thể sử dụng cả tàu và máy bay tuần tra để giám sát bờ biển Nhật Bản. Trước khi đơn vị này được thành lập, lực lượng của JCG phải đi đến hiện trường từ thành phố Aomori nhưng giờ họ có thể phản ứng mau lẹ hơn đối với bất kỳ sự việc nào tại hiện trường. Số lượng tàu gỗ trôi dạt ven bờ biển tỉnh Aomori đã tăng từ 8 trong năm 2016 đến 51 trong năm 2018, làm gia tăng quan ngại đối với người dân địa phương.

JCG và ngoại giao hàng hải

Ngoài việc bảo vệ những lợi ích của Nhật Bản, JCG đã lớn mạnh để trở thành một phương tiện cho nỗ lực ngoại giao toàn cầu của Tokyo. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe không ngừng sử dụng JCG để đảm bảo an toàn và an ninh cho lãnh hải của đất nước mà còn sử dụng lực lượng này trong ngoại giao hàng hải với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Một thiết bị bay không người lái do tập đoàn DJI của Trung Quốc sản xuất.

Năm 2019 là năm thứ 3 liên tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã triệu tập một cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò đa dạng và ngày càng quan trọng của JCG trong công cuộc bảo vệ những lợi ích của nước này ở vùng lãnh hải của mình cũng như những không gian lãnh hải cận kề. Ông Abe cho rằng việc chỉ sử dụng những tàu thuyền không thể là đường hướng hành động tốt nhất để đối phó với những mối đe dọa trong phạm vi quyền tài phán hàng hải của mình cũng như dọc theo các tuyến thương mại biển.

Sự hợp tác của Nhật Bản về bảo vệ bờ biển trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã trở thành nền tảng cơ bản của đường hướng ngoại giao hàng hải của ông Abe. Nói cách khác, việc sử dụng tổng thể các biện pháp an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường hàng hải và thực thi pháp luật hàng hải nhằm thúc đẩy những lợi ích của Nhật Bản trong việc duy trì một trật tự hàng hải dựa trên luật lệ.

Mặc dù Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi có thể được coi là vị thủ tướng đầu tiên nhấn mạnh tầm quan trọng của JCG và trong suốt nhiệm kỳ của mình khi ông đã thực hiện sửa đổi luật lệ quy định về JCG để cho phép "việc sử dụng vũ lực" trong quá trình thực thi pháp luật, song những cải cách hiến pháp của ông Abe đối với JCG vẫn có ý nghĩa đáng kể hơn.

Ví dụ, trong năm đầu lên nắm quyền, Thủ tướng Abe đã lần đầu tiên bổ nhiệm một nhân vật thuộc lực lượng vũ trang làm chỉ huy JCG, đi ngược lại với thông lệ là bổ nhiệm vị trí này từ một nhân vật thuộc Bộ Giao thông. Gần đây, Thủ tướng Nhật Bản đã bổ nhiệm một chỉ huy JCG tốt nghiệp từ Học viện Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản trong 3 năm liên tiếp. Và cũng trong nhiệm kỳ của ông Abe, chi tiêu ngân sách cho hoạt động của JCG gia tăng hàng năm, với mục tiêu chính là phát triển năng lực an ninh hàng hải cho lực lượng này. Ông Abe cũng thể hiện rõ mối quan tâm mang tính cá nhân đối với JCG khi ông luôn tham dự các sự kiện quan trọng của lực lượng này kể từ năm 2016.

Hỗ trợ cho Đông Nam Á

Kể từ đầu những năm 2000, Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các lực lượng bảo vệ bờ biển của các nước khu vực Đông Nam Á. Đến thời kỳ ông Abe, khoản trợ cấp này được gia tăng với số lượng lớn nhằm tăng cường năng lực cho các lực lượng này. Có 3 lý do giải thích vì sao ông Abe lại thực hiện chính sách ngoại giao thực dụng về vấn đề bảo vệ bờ biển.

Thứ nhất, việc cung cấp các tàu thuyền bảo vệ bờ biển cho các nước Đông Nam Á không vi phạm Hiến pháp Hòa bình của nước này mà lại giúp hỗ trợ bảo vệ sự an toàn và an ninh của tuyến giao thương hàng hải của Nhật Bản.

Thứ hai, sự hợp tác lâu đời của JCG ở Đông Nam Á tạo nền tảng vững chắc cho sự tin tưởng trong hợp tác hàng hải của Tokyo với các nước khu vực.

Thứ ba, ngoại giao bảo vệ bờ biển biểu tượng cho những khía cạnh tích cực của hợp tác, vừa không hủy hoại lợi ích của bên nào, vừa giải quyết những quan ngại của khu vực, từ tìm kiếm cứu nạn đến ngăn chặn ô nhiễm, chống cướp biển và an toàn trên biển.

Sự hỗ trợ này đặc biệt tập trung vào lực lượng bảo vệ bờ biển của các nước Philippines, Việt Nam, Indonesia và Malaysia, vốn là những nước nằm dọc tuyến đường thương mại biển chính của Nhật Bản. Ví dụ, Tokyo hỗ trợ cho Lực lượng Bờ biển Philippines (PCG) 10 tàu tuần tra đa năng phản ứng nhanh và hỗ trợ đóng 2 tàu tuần tra ngoài khơi trị giá 150 triệu USD.

Ngoài ra, các dự án thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của Nhật Bản còn dành cho các hoạt động huấn luyện nhằm nâng cao năng lực nhân sự cho các lực lượng bảo vệ bờ biển của Đông Nam Á. Thủ tướng Abe coi chương trình đào tạo và huấn luyện này là cách để lan tỏa đường lối ngoại giao bảo vệ bờ biển của mình.

Đây cũng là cách để lực lượng bảo vệ bờ biển các nước Đông Nam Á tăng cường hợp tác chống lại các thế lực nhà nước và phi nhà nước hủy hoại trật tự và an ninh hàng hải khu vực.

Vì vậy, chương trình huấn luyện và đào tạo này là một sự đầu tư lâu dài có kế hoạch, với hy vọng lực lượng bảo vệ bờ biển của các nước Đông Nam Á sẽ đóng vai trò đầu tàu trong việc định hình các chiến lược hàng hải tương ứng của họ, đồng thời đưa ra được những chiến lược phù hợp với lợi ích của Tokyo và vì lợi ích của khu vực.

Hà Ngọc (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/trang-moi-cua-jcg-577563/