Trắng đêm làm sạch hồ Hoàn Kiếm

Với quyết tâm làm sạch môi trường hồ Hoàn Kiếm, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đang nỗ lực tiến hành nạo vét bùn, thu dọn phế thải trong lòng hồ. Công việc tiến hành khẩn trương, thận trọng, nhằm bảo đảm mục tiêu làm sạch môi trường nước hồ, nhưng không phá vỡ hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học tại hồ.

Với quyết tâm làm sạch môi trường hồ Hoàn Kiếm, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đang nỗ lực tiến hành nạo vét bùn, thu dọn phế thải trong lòng hồ. Công việc tiến hành khẩn trương, thận trọng, nhằm bảo đảm mục tiêu làm sạch môi trường nước hồ, nhưng không phá vỡ hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học tại hồ.

Từ đêm 28-11, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội bắt đầu tiến hành nạo vét bùn lòng hồ Hoàn Kiếm bằng phương tiện cơ giới, với diện tích nạo vét gần 10 ha, khối lượng nạo vét dự kiến gần 57.500 m3. Bên cạnh đó, nạo vét thủ công trên diện tích khoảng 12.600 m2 ở khu vực chung quanh kè hồ và Tháp Rùa, Ðền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc (phạm vi từ mép kè ra 7 m) với khối lượng nạo vét hơn 2.500 m3. Ðiểm đáng chú ý là lần này đơn vị tiến hành nạo vét hồ trong điều kiện vẫn giữ nguyên mực nước hồ, nhằm bảo đảm cảnh quan, hạn chế ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ. Vì thế, để bảo đảm cho hệ thống kè chung quanh hồ không bị sạt lở, các công nhân phải dầm mình dưới nước, nạo vét từng xô bùn ở gần bờ. Ngoài khu vực này, hai dây chuyền nạo vét cơ giới cải tiến dùng máy xúc đặt trên hệ thống phao nổi xúc bùn lên phễu, sau đó dùng máy bơm đẩy qua hệ thống ống dẫn lên xe téc vận chuyển đến khu xử lý.

Tổ trưởng Tổ cơ giới số 6 (Xí nghiệp thi công cơ giới) Bùi Tiến Dũng chia sẻ, đây là lần thứ ba anh tham gia nạo vét hồ Hoàn Kiếm, lần đầu năm 1993, lần thứ hai năm 2010. Những lần nạo vét trước phần lớn thi công thủ công khu vực ngay sát bờ, còn lần này quy mô toàn bộ lòng hồ với yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng đòi hỏi cao hơn. Toàn bộ các thiết bị hiện đại như máy hút, xe téc… được công ty huy động phục vụ việc thi công trên công trường, nhưng vẫn bảo đảm không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và hệ thống cây xanh, thảm cỏ, vỉa hè quanh hồ… Những ngày trong tuần, thời gian làm việc kéo dài từ 21 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Vào những ngày cuối tuần khi phố đi bộ chung quanh hồ hoạt động, thời gian làm việc ngắn hơn, từ 0 giờ đến 5 giờ sáng, cho nên cán bộ, công nhân ở tất cả các khâu đều phải cố gắng để bảo đảm hiệu suất công việc.

Chứng kiến công nhân Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội nỗ lực nạo vét bùn, thu dọn phế thải nhằm cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm, phần lớn người dân Hà Nội đều rất phấn khởi. Bà Thu Hà, nhà ở phố Hai Bà Trưng chia sẻ, chưa bao giờ bà chứng kiến việc nạo vét bùn được chuẩn bị chu đáo, cẩn thận như lần này, từ việc nghiên cứu nguồn nước, các sinh vật, động vật sinh sống trong hồ, đến dò tìm vật liệu nổ, dồn cá, khoanh vùng khu vực nạo vét, biện pháp thi công dưới nước. Các công nhân làm việc rất miệt mài, có trách nhiệm. Phương tiện máy móc sắp xếp gọn gàng. Khu vực thi công được dọn dẹp sạch sẽ. Bà tin rằng, việc cải tạo hồ lần này sẽ đem lại hiệu quả lâu dài.

Nhiều năm nay, nước hồ Hoàn Kiếm bị ô nhiễm nặng và mất khả năng tự làm sạch. Chất lượng nước hồ ngày càng suy giảm, mật độ tảo lớn, phần lớn là tảo độc hại. Cặn lơ lửng trong nước và hàm lượng các chất dinh dưỡng cao. Một số vị trí nước không còn giữ được mầu xanh. Ðáng chú ý, tình trạng ô nhiễm nước ngày càng trầm trọng, do lớp bùn dưới đáy hồ dày trung bình từ 70 cm đến 80 cm, dẫn đến mực nước một số vị trí chỉ còn từ 50 cm đến 80 cm. Việc nạo vét bùn, cải tạo môi trường nước hồ là việc rất cấp thiết, nhưng phải bảo đảm hạn chế ảnh hưởng hệ sinh thái. Vì thế, trước khi tiến hành nạo vét hồ, đơn vị đã phối hợp đơn vị tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; xin ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học, các hội nghề nghiệp và cộng đồng.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cho biết, để hoàn thành khối lượng nạo vét dự kiến gần 60 nghìn m3 trong vòng 60 ngày, trung bình mỗi đêm, đơn vị nạo vét khoảng 1.000 m3 bùn. Ðể bảo đảm yêu cầu công việc, đơn vị huy động từ 150 đến 200 công nhân, chia làm hai mũi thi công, làm việc tất cả các ngày trong tuần, phấn đấu hoàn thành công việc trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Sau khi nạo vét bùn, đơn vị sẽ dùng nước giếng khoan tại chỗ bơm nước vào hồ, duy trì chất lượng nước hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C, lắp đặt hệ thống tách dầu mỡ, bể lắng bùn cát nước mưa trước khi đổ vào hồ, bảo đảm môi trường nước hồ Hoàn Kiếm có chất lượng tốt nhất.

Nằm trong khu vực bảo vệ cấp 1 của Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm không đơn thuần giữ vai trò trữ nước mưa, điều hòa khí hậu, làm đẹp cảnh quan khu vực, mà hồ còn là biểu tượng văn hóa của Thủ đô và đất nước, do đó việc cải tạo môi trường nước hồ là rất cấp thiết, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Thủ đô và cả nước.

Minh Vân

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/34906102-trang-dem-lam-sach-ho-hoan-kiem.html