Trăng đã lên cao

Bác Tuần gọi điện mời tôi lát sang nhà uống rượu cùng anh em. Tắt điện thoại, tôi báo vợ luôn rồi băm nốt chỗ bèo.

Bèo xốp xồm xộp, dao sắc lẹm băm càng nhanh. Nhà có bốn con lợn mà chúng ăn khỏe quá, ngốn hết xoong cám trong ngày. Ra đến cửa, bà xã dúi vào tay tôi chai rượu táo mèo, bảo mang sang cho vui.

Ở nhà bác Tuần mọi người đã đến. Ông Bài cắp theo chai nếp cẩm, còn bác Hữu mang lưng rổ lạc rang. Bác Tuần vẫn lúi húi trong bếp. Mùi thịt dúi nướng thơm lừng. Tôi toan đi vào bếp thì bác Hữu xua tay:

- Chúng ta được mời cơ mà, chú kiên nhẫn đi chứ.

Mùi thơm lan tỏa khắp nơi khiến cả hội nhìn nhau nuốt nước bọt. Khi cơn thèm đã lên tột đỉnh thì vợ chồng bác Tuần mới lên giải cứu với bốn ống nứa to bằng cổ tay trẻ con, cháy lem nhem. Bên trong lớp vỏ xấu xí ấy là thịt dúi ướp mắm tôm, mẻ, sả băm lẫn với ớt. Cả nhà hồi hộp. Nhát dao bén phả xuống, ống nứa tách làm đôi…

Gió hây hẩy, đung đưa nhành quỳnh bên bụi giao. Cảnh vật hữu tình, bạn hiền, rượu ngon, đồ nhấm tốt. Lâng lâng, miên man, thơm phức, đậm đà… Thế mà giữa lúc chén nồng nâng lên, bác Tuần bỗng rầu rĩ:

- Lần này, tôi lại thất bại nữa…

- Ơ hay. Thế bà Chính, bác Hữu lại trượt nghệ nhân ưu tú hả bác?

- Hai bộ hồ sơ đã qua cấp tỉnh nhưng lên trên thì biệt vô âm tín…

Bác Tuần rưng rưng đôi mắt, nâng chén ực một cái rồi im lặng như ngừng thở.

Bác Hữu là người lớn tuổi nhất trong đội chèo, cống hiến cho đội gần năm mươi năm. Bác vỗ vai bác Tuần: có gì mà buồn đâu, nghĩ ngợi nhiều huyết áp lại lên, uống tiếp thôi! Kỳ thực, bác Hữu không chỉ bị tiểu đường, huyết áp mà còn cả đau tim. Anh em nhìn nhau, rót thêm rượu. Đêm nay ta quyết uống say. Nào say đi, say cho quên hết sự đời.

Đội chèo thôn Công Dương thành lập được hơn 50 năm, nổi tiếng không chỉ trong vùng mà còn ở nhiều nơi, do lần thi không chuyên nào cũng có giải. Hồi ấy, các vở diễn cứ đến giờ mở màn là sân kho của thôn đã chật kín người. Ai cũng háo hức. Mặc ngoài kia mưa bom, bão đạn của giặc dội xuống, trong này, dưới hầm trú ẩn, tiếng hát chèo vẫn ngân vang, hoan hỉ. Tiếng vỗ tay rào rào.

Nhận thấy niềm đam mê nghệ thuật của mọi người, các anh chị nghệ sĩ nhà hát chèo trung ương sơ tán về địa phương đã đến uốn nắn cho chúng tôi từng câu, từng lời, vào nhịp thế nào cho chuẩn, khớp và tặng chúng tôi những bộ quần áo diễn còn thơm mùi vải mới. Nhờ vậy mà dăm bữa, chúng tôi đã vào nhịp nhuần nhuyễn vở "Kim Nham".

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhớ năm ấy, tay trao tay miếng trầu têm cánh phượng mà bà nhà tôi vẫn hát chèo mừng ngày vu quy. Nhiều đêm, hai vợ chồng thao thức, thì thầm hát cho nhau nghe. Hai đứa nhỏ sòn sòn ra đời. Chúng quấn bố và bác Tuần để học hát chèo. Nhìn bọn trẻ ngỏng cổ xem biểu diễn, lòng tôi phơi phới. Giữa lúc tập, nghe báo động là mọi người hớt hải bế con chạy xuống hầm. Sợ đấy, run đấy, thở hổn hển đấy mà vẫn cứ hồ hởi nhìn nhau thầm hát tiếp.

Bây giờ, chúng lớn hết rồi. Có lần tôi hỏi con Quỳnh có còn nghe chèo không, nó bảo con bận. Chả bù cho lúc bé, giục học bài lại cứ kì kèo cho con nghe hết bài này, rồi con về học...

Ông Bài vỗ vai tôi, đưa mắt về phía bác Hữu đang rót rượu.

- Rồi tất cả chúng ta sẽ được mà. Nào trăm phần trăm, cạn nhé - Giọng bác ứ lại như mắc nghẹn ở cổ.

Vì sao ư? Vì đội chèo cổ của làng Công Dương này chỉ còn hơn 20 người, đều đã luống tuổi. Bác Hữu vừa mừng thọ bảy mươi lăm. Ai cũng tận tâm tận lực với đội từ ngày tham gia đến giờ. Năm kia, bà Mười hưởng thọ tám mươi hai vừa khuất núi chừng ba tháng thì được nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Ngày còn đương nhiệm đội trưởng, bà Mười vẫn hay cười, ôi dào, được hay không quan trọng gì đâu. Quan trọng là đội còn tồn tại được bao lâu. Danh hiệu cũng chỉ là cái tiếng thôi… Có người lại nói, ấy không, bác không nên nói thế. Chúng ta cống hiến cho đời, cho bà con nhưng cũng làm rạng danh cho tỉnh. Văn hóa văn nghệ không chuyên nhưng giúp tỉnh nổi tiếng thì cũng phải được công nhận chứ.

Mỗi lần vận động bà con góp quỹ, bác Tuần đều khích lệ: lần này, đoàn sẽ đoạt giải và được tài trợ để phát triển. Tài năng của đội chèo không chuyên thôn Công Dương, khắp cả nước có đoàn nào không nể phục, vì cứ thi là giải nhất hoặc giải nhì ngay.

- Sắp tới, có hội thi tại Đà Nẵng, chúng ta có tham dự không bác? - ông Bài nâng ly rượu, hỏi.

- Thi chứ, sao chúng ta bỏ được.

Mọi người nhìn nhau, chạm chén lách cách. Đúng rồi, thi chứ. Đặt chén rượu sạch bách xuống chõng, ông Bài lại thở dài:

- Tháng trước, nhà ông Lũng mời em ăn cưới thằng cháu đích tôn. Tiền mừng vét mãi trong túi được năm chục. Chưa kịp hỏi con trai lấy năm chục nữa thì nghe vợ chồng nó thì thầm nào tiền ăn, tiền học, tiền khám thai...

- Nhà này lại có đứa lầm bầm, già rồi còn hát với hò, tốn tiền của con của cháu - Bác Hữu cười như mếu.

Không ai nói gì thêm. Miếng thịt dúi đưa cay đã nguội, đâm ra hơi tanh ngái. Buông đũa, bác Hữu lại mở lời:

- Thế đã có kinh phí xây lại nhà văn hóa, với tài trợ cho bọn trẻ con học chưa?

- Cũng y như cái hồ sơ, bác ạ…

Lúc đề xuất ý kiến mở lớp dạy chèo, cán bộ văn hóa xã gật đầu lia lịa, phải, phải, phải dạy chứ. Dạy cho chúng biết nét đẹp của quê hương ta. Lâu lâu, trên lại có công văn gửi trưởng thôn, nào là khen ngợi biết giữ gìn, phát huy truyền thống, nào là tổ chức đi thi, nào là sẽ được hỗ trợ kinh phí… Xong, kinh phí thì như chim trời đi tránh rét.

Trăng khuyết đã lên quá ngọn cau, tỏ tỏ mờ mờ. Ánh đèn pin treo trên cái cọc tre vốn đùng đục, yếu ớt lại cứ lắc qua lắc lại, chóng cả mặt… Hiu hiu gió. Đĩa thịt dúi nguội ngắt. Rượu chưa bao nhiêu mà người đã lâng bâng. Giá nhặt được cục tiền hay đào được chum vàng đâu đây thì tốt biết mấy. Ấy thế mà, mỗi lần đội được giải, báo chí, đài truyền hình từ địa phương đến trung ương lại thi nhau phỏng vấn, tung hô. Tâm tư, trăn trở của anh em nói ra thì họ nghe chăm chú nhưng lúc phát lại chả thấy đâu. Đến chán. Thôi, khuya rồi. Dúi nguội rồi.

****

Tôi đang hái rau thì bác Tuần với cuốn sổ đựng trong túi nhựa, mũ cối sờn đội đầu, vội vàng đi qua. Bà nhà tôi chào bác.

- Hội diễn nữa hả bác.

- Sắp có, ở Đà Nẵng đây.

Bà nhà tôi đặt gánh phân xuống, nói nhỏ với bác Tuần. Thấy họ gật gù, vui vẻ. Tôi hỏi chuyện gì vui thế. Bà ấy cười, nhà anh Toàn ở cuối thôn mới trúng đề một món lớn đấy. Tôi ngưng nhặt rau nhìn bà ấy, chưa kịp nói gì thì đã nghe:

- Không có ủng hộ quyên góp gì hết. Con trai tôi đang nằm viện kia kìa. Nhà nghèo rớt mồng tơi không được cấp bảo hiểm hộ nhà nghèo - chị Nhài, vợ anh Toàn xấm xơi nói như quát.

Bác Tuần lùi nhanh ra ngõ, sang nhà khác. Trước đây, chị Nhài cũng tham gia đội chèo, hăng say luyện tập, tâm huyết lắm. Từ ngày sinh thằng út bị tim bẩm sinh, chị bỏ đội và trở nên cáu kỉnh.

Thôn Công Dương có hai trăm hộ chứ bao nhiêu. Mỗi nhà mười nghìn thì cũng được hai triệu. Nhưng không phải ai cũng sẵn lòng ủng hộ… Đi thi là phải có đầu tư. Xã chuyển xuống triệu bạc ăn nhằm gì. Nhờ mối thân tình, lần nào có hội diễn là chúng tôi cũng mời anh đạo diễn bên Nhà hát Chèo trung ương về hướng dẫn và mượn những bộ phục trang còn thiếu.

***

Ăn cơm với canh cua, cà muối mà tôi chập chuội mãi mới hết bát cơm. Xong bữa, bà ấy bảo tôi ra chuồng lợn có tí việc. Tưởng gì, hóa ra bà ấy hỏi tôi con lớn nhất đàn bán được bao nhiêu.

Tôi mang cọc tiền sang, bác Tuần rưng rưng như sắp khóc. Bác ôm chầm lấy tôi luôn miệng cảm ơn chú, cảm ơn chú. Thế rồi, việc quyên góp cho đội chèo có tiến triển hơn. Mỗi nhà góp một khoản tùy tâm. Những đứa trẻ năm xưa đi làm xa hay tin cũng gửi một chút về ủng hộ. Vậy là, tiền quỹ có gần 11 triệu. Ai nấy đều phấn khởi. Các buổi tập cũng vui hơn. Khuya ấy, khi mọi người đã về hết, tôi ở lại dọn dẹp cùng bác Tuần. Quét nhà thì nhát đông nhát tây, kê bàn ghế thì bị kẹp tay. Tôi dạm ý:

- Mọi thứ đang ổn mà nom bác không vui?

- Giờ thì ổn nhưng đợt sau có hội diễn nữa thì sao? Lợn đâu chú bán mãi? Rồi thể nào chả đến lúc tôi già cả khuất bóng…

Bác bùi ngùi tiễn tôi ra cổng. Tôi vẫn thầm ước ao, giá như, giá như... Bất chợt đâu đây có tiếng ì í i vui tai, xen lẫn tiếng xe đạp rích rách đều đều. Bác Tuần kéo tôi núp sau cánh cổng. Đôi trẻ líu ríu vang tiếng í i vào cổng nhà bác Hữu. Bác Tuần hỏi tôi biết ai không? Tôi lắc đầu. Trăng khuya trong vắt nhưng ánh điện từ sân hắt ra lòe nhòe khiến tôi nhìn không rõ mặt cậu trai, chỉ thấy quen quen. Bác Tuần rạng rỡ, nháy mắt với tôi:

- Chuẩn bị bầu cử hội đồng nhân dân huyện, cậu này đang được tín nhiệm bầu làm trưởng phòng văn hóa thông tin. Cháu rể tương lai của bác Hữu rồi, haha.

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Truyện ngắn dự thi của NGÔ DIỆP

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/trang-da-len-cao-20180804200843737.htm