Trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên

Ngoài việc đào tạo, trang bị những kiến thức chuyên ngành cho sinh viên (SV), nhiều trường cao đẳng, trường nghề còn chú trọng trang bị kiến thức về kỹ năng mềm nhằm giúp SV phát triển toàn diện, tự tin bước vào môi trường làm việc sau khi ra trường.

Ngoài chuyên môn, nhiều trường nghề chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Trong ảnh: Sinh viên Trường cao đẳng Sonadezi trong giờ Tin học tại trường. Ảnh: Bích Nhàn

Ngoài chuyên môn, nhiều trường nghề chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Trong ảnh: Sinh viên Trường cao đẳng Sonadezi trong giờ Tin học tại trường. Ảnh: Bích Nhàn

* “Được việc” nhờ kỹ năng mềm

Chị Nguyễn Thị Hương Giang vừa kết thúc chương trình học cao đẳng hộ sinh khóa 8, Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai vào tháng 9-2020. Vừa tốt nghiệp, chị Giang đã tìm được việc làm tại Bệnh viện quốc tế City ở TP.HCM. Theo chị Giang, những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, chị đã học hành chăm chỉ: sáng vào bệnh viện thực tập, chiều lên giảng đường nghe giảng và tối phải vào bệnh viện trực để học hỏi kỹ năng làm việc theo chuyên ngành đào tạo. Bên cạnh lĩnh hội kiến thức chuyên ngành, chị Giang tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học hỏi những kỹ năng mềm. “Khi đi thực tập lâm sàng tại các bệnh viện, các thầy cô đã hướng dẫn cách giao tiếp, thăm hỏi với từng bệnh nhân cụ thể, từ những người dễ tính đến người khó tính. Qua đó, tôi học được cách xử lý trước nhiều tình huống trong công việc hiện tại” - chị Giang nói.

Ngoài ra, trước khi ra trường chị Giang đã được trang bị các kỹ năng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ. Nhờ những kỹ năng mềm này, chị Giang cũng thuận lợi hơn khi đi làm. Chị Giang chia sẻ: “Xu hướng của các bệnh viện hiện nay là sử dụng bệnh án điện tử, hạn chế bệnh án giấy nên kỹ năng về công nghệ thông tin là rất cần thiết. Nhờ được học tại trường, tôi đã nắm bắt công việc nhanh hơn. Hơn nữa, môi trường bệnh viện quốc tế cũng yêu cầu phải biết tiếng Anh. Mình đã được học, có kỹ năng mềm thì công việc thuận lợi hơn nhiều”.

Ngoại hình cao ráo, xinh xắn lại có chuyên môn và nhiều “tài lẻ”, chị Nguyễn Thị Hà, cựu sinh viên lớp điều dưỡng 11B, Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai dễ dàng tìm được việc ngay khi vừa tốt nghiệp. Qua ngày hội việc làm của trường, chị Hà đã được phỏng vấn và tuyển dụng vào làm việc tại Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai. Chị Hà cho hay, chị đã được đào tạo kỹ về chuyên môn suốt những năm học. Nhưng để hòa nhập với môi trường mới thì chỉ có chuyên môn thì chưa đủ. Do vậy, trong chương trình học, nhà trường đã có những buổi đào tạo riêng cho sinh viên về cách giao tiếp với bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân. Sinh viên sẽ phải xử lý những tình huống cụ thể mà giảng viên đưa ra.

“Thực tế đi làm ở bệnh viện hơn 2 tháng, tôi cũng gặp nhiều tình huống khác nhau nhưng do được học nhiều kỹ năng mềm nên việc xử lý những khúc mắc cũng nhẹ nhàng hơn” - chị Hà tâm sự.

* Chú trọng đào tạo kỹ năng mềm

Theo chị Hà, ngoài chuyên môn, kỹ năng mềm là yếu tố rất quan trọng đối với SV, nhất là những người sắp ra trường. “Khi đến nơi làm việc, bạn không có kỹ năng giao tiếp thì rất khó để người khác “mở lòng” chỉ việc cho bạn. Còn khi bạn biết giao tiếp với đồng nghiệp, với đàn anh, đàn chị, họ sẽ giúp bạn hòa nhập nhanh hơn với công việc và môi trường làm việc. Nếu bạn có thêm các “tài lẻ” sẽ giúp bản thân “tỏa sáng” hơn và tự tin vào chính mình” - chị Hà nói.

Kỹ năng mềm dùng để chỉ những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống bên cạnh kiến thức và trình độ chuyên môn. Cụ thể như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, quản lý thời gian, làm việc nhóm, làm việc độc lập… Dù bạn làm việc ở bất cứ lĩnh vực nào, kỹ năng mềm cũng rất cần thiết, giúp công việc của bạn thuận lợi và hiệu quả hơn.

Hiện nay, đa phần các đơn vị tuyển dụng đều yêu cầu về kỹ năng mềm đối với các ứng viên, nhất là kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm… Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Công tác SV, Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai cho hay, suốt quá trình đào tạo, nhà trường đều gắn liền công tác đào tạo chuyên môn với kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp. Nhà trường đã tổ chức các câu lạc bộ như bóng đá, bóng chuyền, ngoại ngữ… để SV tham gia. Khi tham gia các câu lạc bộ sẽ giúp các em mạnh dạn hơn.

Do đặc thù ngành Y, nhà trường thường tổ chức chương trình khám bệnh từ thiện hoặc chăm sóc trẻ em tại cô nhi viện, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Sinh viên sẽ đến đây chăm sóc các bé bị bệnh, tập vật lý trị liệu… Dù là kỹ năng mềm nhưng Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai cũng phân loại theo đặc thù của từng ngành nghề riêng biệt. Cụ thể, ngành Dược, SV phải học kỹ năng giao tiếp bán hàng; còn điều dưỡng thì học kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Hai kỹ năng này hoàn toàn khác nhau, yêu cầu cách xử lý cũng khác nhau. “Dù vậy, mỗi em có mỗi cá tính khác nhau nên việc tham gia các hoạt động phong trào cũng tùy thuộc vào cá tính mỗi người. Nhà trường đã đào tạo kỹ năng mềm cho SV ngay khi còn đi học nhưng việc phát huy kỹ năng mềm khi đi làm lại tùy thuộc vào bản thân mỗi em” - cô Hiền chia sẻ.

* Hành trang trong thời đại công nghiệp 4.0

Riêng đối với những sinh viên năm cuối của Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai, nhà trường mời các nhà tuyển dụng (đã có sự hợp tác nhiều năm) hướng dẫn cho SV về kỹ năng viết CV (sơ yếu lý lịch); kỹ năng trả lời phỏng vấn. “Hầu hết các bệnh viện đều đánh giá cao chất lượng đào tạo chuyên môn của trường. Thêm vào đó, SV có thêm các kỹ năng mềm, do đó nhiều năm nay, hầu hết SV, nhất là điều dưỡng và hộ sinh của trường đều có việc làm sau khi ra trường, thậm chí “cung không đủ cầu” - cô Hiền chia sẻ.

Mục tiêu của Trường cao đẳng Công nghệ - quản trị Sonadezi là đào tạo, cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Đồng Nai và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo thống kê, trong 15 năm qua, hơn 6 ngàn SV của trường đã tốt nghiệp thì có đến 90% làm đúng ngành học tại các công ty FDI.

Ông Lưu Phước Dũng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ - quản trị Sonadezi cho hay, kiến thức chuyên môn là điều bắt buộc mà SV cần nắm vững khi ra trường. Riêng với nhóm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có khác biệt nên cũng yêu cầu người lao động phải có thêm kỹ năng về ngoại ngữ, tin học. Tất cả doanh nghiệp đều sử dụng tiếng Anh là chính. Do đó, nhiều môn học, nhà trường sẽ giảng dạy bằng tiếng Anh. Còn một số doanh nghiệp khác sử dụng tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung do đó nhà trường đã mở các lớp đào tạo riêng.

Trong thời đại công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp nước ngoài thường sử dụng các hệ thống hỗ trợ từ phần mềm trong sản xuất, hoạt động nên SV của trường phải được đào tạo và tự trang bị kỹ năng về công nghệ thông tin vững. “Môi trường của các công ty FDI là đa văn hóa nên các em phải học kỹ năng mềm như: thuyết trình; tự động viên mình hay người khác; kỹ năng trình bày bản thân; làm việc nhóm hay độc lập trước khi tốt nghiệp” - ông Dũng chia sẻ.

Theo ông Dũng, việc trang bị kỹ năng mềm là vô cùng quan trọng đối với mỗi SV. Về cơ bản, nó không phải là một thứ mà bạn có thể học được qua sách vở. Đó là khả năng ứng xử, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, lãnh đạo, làm việc nhóm… được góp nhặt từ cuộc sống, kinh nghiệm của mỗi người.

Bích Nhàn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202011/trang-bi-ky-nang-mem-cho-sinh-vien-3030592/