Trấn yểm – thực tế và huyền thoại!

Vật 'trấn yểm' cổ xưa thường bằng kim loại, hay gặp là sắt, thép, đồng... Không biết có hiệu quả, linh ứng linh nghiệm gì không nhưng 'trấn yểm' là câu chuyện không chỉ ngày xưa mà ngày nay được vận dụng một cách tự nhiên trong đời sống...

Nhiều năm trước, không chỉ những người mê bóng đá mà rất nhiều người xôn xao về câu chuyện 40 quả cầu đá nối nhau bằng xích sắt đặt trước khu vực khán đài A và B của sân vận động Mỹ Đình được dỡ bỏ. Cái đáng bàn là rạng sáng dời đi thì tối hôm đó tuyển Việt Nam đánh bại Philippines 2-1, giành tấm vé quý giá vào chung kết AFF Cup.

Từ đó đội tuyển Việt Nam thắng như chẻ tre còn trước đó thì thua liểng xiểng, dù có trận đã tưởng mười mươi thắng. Nhiều người nghi ngờ: sân vận động bị “trấn yểm”!? Hiểu thế hóa ra tự mình hạ thấp mình? Không. Đội tuyển của ta thắng là do thực lực chứ chả nhờ cái gì cả. Nhưng tại sao vẫn là đội tuyển ấy trước đó lại thường thua?

Những câu hỏi ấy là quyền của mỗi người. Nhưng quả thật, trong làng thể thao thì bóng đá là môn “tâm linh” bậc nhất. Chả thế mà vừa năm ngoái thôi, một huấn luyện viên nọ đến tuổi 49 thì xin nhường chức danh cho người khác nhưng thực tế thì mình vẫn là người “điều binh khiển tướng”. Không biết có phải nhờ thế không mà mùa đó đội “tai qua nạn khỏi”!

Trấn yểm bằng đá phong thủy.

Trấn yểm bằng đá phong thủy.

Bóng đá thế giới lại càng nhiều. Một đài truyền hình quốc gia hẳn hoi quay lại cảnh huấn luyện viên một đội tuyển nước khác lén “yểm bùa” bằng cách đặt một đồng xu ở cột dọc bên trái khung thành đội tuyển nước mình trước giờ bóng lăn...

Rồi bao nhiêu là chuyện “trấn yểm” (bùa chú) khác như có thủ môn dùng... nước tiểu của mình “trấn yểm” khung thành. Có chiến lược gia suốt mùa World Cup chỉ mặc duy nhất một chiếc áo... Nhiều cầu thủ chuyên nghiệp còn khẳng định mỗi trận bóng đều có “số”, có trận chắc thắng mà lại thua và ngược lại...

Nhưng đúng là, vật “trấn yểm” cổ xưa thường bằng kim loại, hay gặp là sắt, thép, đồng... Không biết có hiệu quả, linh ứng linh nghiệm gì không nhưng “trấn yểm” là câu chuyện không chỉ ngày xưa mà ngày nay được vận dụng một cách tự nhiên trong đời sống. Chẳng hạn như đặt bếp hướng nào, tủ lạnh chỗ nào, rồi chậu hoa, cây cảnh, đá phong thủy... đều là chuyện “trấn yểm”.

Bất cứ ai làm nhà cũng yêu cầu vét sạch đất càng sâu càng tốt rồi mới đổ nền, làm móng. Đấy là người ta sợ chẳng may có hài cốt người hoặc xác thú vật hay kim khí còn sót lại chìm sâu dưới đất. Trong dã sử, truyền ngôn thì có nhiều truyện kể “trấn yểm” bằng cách đóng đinh sắt hay chôn xác súc vật vào mộ, nhất là mộ người có vị trí quan trọng của dòng họ, gia tộc nào đó. Nên mới có câu “Giữ như giữ mả tổ”!

Từ “trấn” nghĩa đen là đè xuống, là bảo vệ. Nguyễn Bính có câu thơ tả người mẹ già “đưa tiễn con mình trấn ải xa”. Ngày trước bộ đội có áo “trấn thủ”... là chữ “trấn” ấy. Ai cũng biết “Thăng Long tứ trấn” là cũng theo nghĩa này. Tương truyền cha ông ta “trấn” bốn phương nội đô Thăng Long để chống lại sự “trấn yểm” thâm độc của Cao Biền.

“Yểm” nghĩa đen là ém, vùi xuống một vật gì đó làm cho đối phương bị mất phương hướng hoặc không phát triển, “thân bại danh liệt”, suy sụp. Ngày nay ta vẫn thường nghe “bỏ bùa” (bùa chú) cũng là một dạng của “yểm”. Thành ngữ “bùa mê thuốc lú” là thế. Bài hát “Cây trúc xinh” (Quan họ Bắc Ninh) có câu: “Anh Tư không yêu tang tình là em đi lấy í/ Lấy í lấy đạo bùa, qua lới í như phải yêu/ Mà em lấy í lấy đạo bùa, qua lới như phải yêu...”. Thì “đạo bùa” tức là “yểm”. Nhưng nếu cô gái định bỏ “đạo bùa” ấy lại rất xinh thì chắc chàng trai nào cũng muốn được/bị yểm bùa cả!!!

“Trấn yểm” cùng một mục đích hoặc để phá hoại tiêu cực làm triệt tiêu, hủy hoại đối phương hoặc để phát triển tích cực đem lại sự tốt lành về môi trường, sức khỏe, biến xấu thành tốt như đặt đá phong thủy, để bồn cây trong phòng, treo tranh, đặt gương, rộng hơn là đắp núi khơi ngòi...

Hình ảnh một bùa chú không có cơ sở khoa học.

“Trấn” thường đặt trên mặt đất, nhìn thấy còn “yểm” đặt dưới đất hoặc giấu kín, không nhìn thấy. Truyện cổ về Đinh Bộ Lĩnh kể có thầy địa lý Tàu sang tìm đất phát vương ở Hoa Lư. Tối ấy xem thiên văn ông ta thấy có dải hào quang đỏ rực từ đầm nước vọt lên rồi rơi vào sao Thiên Mã. Thầy bèn thuê người lặn xuống thăm dò. Cậu bé nghịch ngợm Đinh Bộ Lĩnh nhận lời. Lặn xuống thấy có một con vật hình con ngựa đứng dưới đáy đầm, ngoi lên cậu ta cứ nói thật.

Thầy địa lý thưởng hậu rồi ra đi. Ít ngày sau cậu ta lén đem hài cốt cha mình lặn xuống đặt vào giữa mồm ngựa. Khi thầy địa lý quay lại thì Bộ Lĩnh đã thành thủ lĩnh nổi tiếng. Ông ta thất vọng bèn trả thù bằng cách nói với Bộ Lĩnh huyệt đẹp nhưng là ngựa chiến phải có gươm mới tốt. Nếu treo thanh gươm vào cổ ngựa thì hoàn hảo hơn. Bộ Lĩnh mắc lừa nên khi làm vua (Đinh Tiên Hoàng) chỉ được 12 năm thì bị ám sát bằng gươm... Những truyện tương tự có rất nhiều.

Như vậy “trấn yểm” đi liền với “phong thủy”, phải hiểu “phong thủy” mới có thể “trấn yểm”, nếu không sẽ phản tác dụng hoặc tác hại cho chính người “trấn yểm”. Còn trường hợp bị “yểm” một cách vô tình, như đi đường gặp đám ma, “từ trường” xấu (trường sinh học) của người chết rất mạnh tỏa ra “yểm” vào người sống nên trước khi vào nhà nên dùng lửa hơ đốt để “xua” tà khí. Những người ốm, người yếu, nhất là người bị chó dại cắn (ngày trước) không được đến gần đám ma. Hài cốt hoặc xác súc vật, thậm chí gỗ mục ở dưới đất lâu ngày thì phát sinh khí độc càng lớn. Vì lẽ này làm nhà rất kỵ trên đất có hài cốt...

Dã sử có nhiều chuyện ngày xưa vua tôi Cao Biền hoặc các thầy phong thủy người Tàu “trấn yểm” ở nước Nam. Sách “Thiền Uyển tập anh” kể năm 864 (Giáp Thân), vua Đường sai Cao Biền sang Giao Châu làm Tiết Độ Sứ. Vì Cao Biền vừa là nhà chính trị lại vừa là nhà phong thủy giỏi nên vua Đường dặn: “Trưng Thị là hai người đàn bà mà làm rung chuyển cả cơ nghiệp nhà Đông Hán; rồi lại Triệu Ẩu, Lý Bôn… Làm cho ta vất vả lắm mới dẹp được. Nay trẫm thấy linh khí An Nam quá thịnh, e sau có biến. Khanh đến đó trước bình giặc Nam Chiếu, sau tìm cách trấn yểm linh khí An Nam, đi và vẽ bản đồ về cho trẫm”.

Cao Biền y lệnh. Hắn thường cưỡi diều giấy bay khắp xứ Giao Châu thấy chỗ nào “vượng khí” là cho “trấn yểm” để “tiệt cái giống có tài mà hay chống phá”. Như thấy kiểu đất đế vương, hay những nơi có hình sơn thế thủy phát tài phát lộc... là cho “cắt đứt long mạch” bằng cách đào những giếng khơi rất sâu hoặc chặn dòng chảy cho “bế khí” hoặc khơi dòng chảy cho “tán khí”…

Truyền thuyết kể biết đất làng Cổ Pháp có thế phát vương, Cao Biền cho cắt đứt long mạch bằng cách đào con sông Điềm (sông Đuống ngày nay) và trấn yểm 19 điểm dọc sông này... Hắn còn dùng sắt, đồng… chôn yểm đền Bạch Mã là nơi vị thần sông Tô Lịch trú ngụ. Một hôm Biền đứng ở bờ sông thì liền có một trận gió lớn, sóng nước cuồn cuộn, mây trôi mù mịt, có một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ tím, tay cầm hốt vàng rực rỡ một quãng trời, chập chờn lên xuống trong khoảng không… Đêm nằm mộng Biền thấy một vị thần uy vũ khác thường nói: “Ta là thần Long Đỗ, đứng đầu các địa linh. Ông xây thành ở đây, ta chưa được gặp, cho nên tới xem đó thôi. Ta có sợ gì bùa phép”. Biền thất kinh mà rằng: “Xứ này có thần linh dị, ở lâu tất chuốc tai vạ”. Những câu chuyện hoang đường nhưng cái lõi của nó là sự khẳng định, là niềm tự hào về sự linh thiêng của hình sông thế núi xứ Việt!

Rất nhiều truyện cổ “chí quái”, “truyền kỳ” về “trấn yểm” cả ta và Trung Quốc có nét chung đều mang màu sắc “liêu trai” có phần rùng rợn. Như những thầy địa lý (Tàu) thường có thuật bắt/mua những trinh nữ trói lại cho ngậm sâm rồi chôn sống dưới hầm mộ cùng kho báu. Vì chết tức tưởi nên những oan hồn thành thần giữ của rất thiêng... Về bản chất, Lăng mộ Tần Thủy Hoàng cũng là một dạng “trấn yểm”, vật “trấn yểm” là các tượng đất nung, thủy ngân, vũ khí... có nhiệm vụ giữ gìn bảo vệ giấc ngủ ngàn đời của “Hoàng đế”.

Dưới góc nhìn khoa học, “trấn yểm” cho thấy ngoài các tác nhân gây ra “từ trường” xấu như hài cốt, xác động vật, cây cối mục... thì dưới mặt đất là các dòng chảy ngầm (nếu tốt thì gọi là “long mạch”) tạo ra các chất khí có lợi và cả không có lợi.

Do sự va chạm của vỏ trái đất mà các khí xấu (xạ khí) theo các vết nứt trồi lên mặt đất. Thế là tự nhiên có đất tốt, đất xấu. Một kinh nghiệm khi đi mua nhà/đất nên dắt theo con chó. Vì rất nhạy cảm với từ trường tốt xấu nên thấy chó có vẻ mừng vui hoặc khó chịu là phần nào đoán được. Còn việc tìm ra đất tốt là rất khó. Các thầy “địa lý” thường là nói dựa nhiều hơn. Đúng là “Hòn đất mà biết nói năng...”!

Nguyễn Thanh Tú

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/tran-yem-thuc-te-va-huyen-thoai-598609/