Trần Uyên Phương: 'Biến điều không thể thành có thể'

Talkshow chủ đề 'Nữ doanh nhân và khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng' có sự tham gia của nhiều nữ doanh nhân nổi tiếng.

Talkshow chủ đề "Nữ doanh nhân và khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng” nằm trong khuôn khổ "Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019" có sự tham dự của nhiều nữ doanh nhân nổi tiếng diễn ra ngày 2-5.

Khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng

Là một trong những nữ doanh nhân tạo nhiều cảm hứng trong buổi talkshow thông qua những câu chuyện biến điều không thể thành có thể, Trần Uyên Phương– Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát giới thiệu mình là lãnh đạo thuộc thế hệ millennials (8x,9x), ở trong sự chuyển mình của thời đại số. "Đây là thời đại mà các buổi gặp nhau giảm tải, chúng ta kết nối qua Facebook, Zalo, LinkedIn... Mua bán ngoài chợ thì chuyển lên chợ online", cô nói. Phó Tổng Giám đốc trẻ của Tân Hiệp Phát thấy mình, trong cuộc chuyển giao lãnh đạo, có sứ mệnh thích nghi doanh nghiệp với công nghệ mới.

Talkshow chủ đề "Nữ doanh nhân và khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng”.

Talkshow chủ đề "Nữ doanh nhân và khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng”.

“Chúng tôi là thế hệ lãnh đạo chuyển tiếp. Chúng tôi không chỉ tận mắt chứng kiến mà còn phần nào được trải nghiệm khó khăn thách thức của thế hệ thứ nhất, của 25 năm đất nước chuyển mình. Và năm nay cũng chính là kỷ niệm 25 năm thành lập Tân Hiệp Phát”, nữ doanh nhân Trần Uyên Phương chia sẻ.

Nhìn lại chặng đường một phần tư thế kỷ của Tân Hiệp Phát, Trần Uyên Phương cho biết đó là câu chuyện "biến điều không thể thành có thể". Năm 1994, Tân Hiệp Phát thành lập, doanh nghiệp đứng trước muôn vàn hoài nghi về khả năng cạnh tranh với những gã khổng lồ ngành giải khát khác. Tuy nhiên, sau hai năm, công ty ra mắt thành công dây chuyền sản xuất bia, nước giải khát của Việt Nam với chi phí rẻ nhất.

Đến 1997, nhận thấy nền quản trị bấy giờ kiểm soát không có hệ thống, Tân Hiệp Phát hướng đến kiểm soát đạt chứng chỉ ISO. Các nhà đầu tư tỏ nghi ngờ rằng "Bia, giải khát Việt Nam không thể đạt ISO". Nhưng sau chỉ khoảng 9 tháng, với nỗ lực của đội ngũ nhân sự với chưa đến 20 người có bằng đại học, làm việc ngày đêm, Tân Hiệp Phát được cấp ISO năm đó.

Doanh nhân Trần Uyên Phương- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Doanh nhân Trần Uyên Phương tiếp nối bằng câu hỏi dành cho hội trường: "Đã ai ở đây từng từ chối cơ hội trở thành tỉ phú đôla chưa ạ?". Cô cho biết đó là câu chuyện của Chủ tịch Tân Hiệp Phát, ông Trần Quí Thanh cha cô vào năm 2012. Năm đó, cha cô khước từ đề nghị từ Coca-Cola mua doanh nghiệp với giá 2,5 tỉ USD, số tiền đủ đưa ông vào danh sách tỉ phú USD của Forbes. Lý do là Tân Hiệp Phát muốn tiếp tục phát triển một thương hiệu Việt.

Đầu tư mua công nghệ sản xuất của thế giới, chi mạnh thuê tư vấn marketing từ những agency toàn cầu như Saatchi & Saatchi, Dentsu, M&M. Sau 25 năm, công ty vươn tới vị trí số 2 làng giải khát và là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất trong top 5 thương hiệu đồ uống hoạt động tại Việt Nam.

Kết quả: Sự xác nhận năng lực

Trần Uyên Phương chia sẻ câu chuyện của một lãnh đạo thế hệ 8x-9x, lại là nữ. Cô sinh năm 1981 và bắt đầu công việc tại Tân Hiệp Phát năm 2004. Cô kể mình làm mọi việc từ thư ký, marketing, nhân viên bán bia laser cho đến phiên dịch cho chuyên gia – "ai kêu gì cũng làm" – để từ đó mới được tin tưởng giao những vị trí quan trọng hơn. Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát hiện tại cho hay bản thân gây dựng lòng tin với nhân viên bằng năng lực. "Tôi yêu công việc mình đang làm, cách tạo ảnh hưởng tới những người xung quanh", cô chia sẻ.

Du học nước ngoài về và thuộc thế hệ thứ hai lãnh đạo tập đoàn, Trần Uyên Phương muốn thoát khỏi cái bóng "con ông chủ" và đem thương hiệu gia đình ra thế giới. Để làm được điều đó, cô nhấn mạnh cần tạo sân chơi công bằng giữa các nhân viên bằng năng lực thực sự. Mặt khác, nghĩa vụ chuyển giao sẽ bao gồm gìn giữ tầm nhìn và văn hóa Tân Hiệp Phát có được từ thế hệ trước. Văn hóa "biến điều không thể thành có thể" được cô chắp bút trong cuốn sách "Vượt lên người khổng lồ" (Competing wtih Giants) ra mắt năm ngoái, nói về chuyện Tân Hiệp Phát từ một công ty gia đình biến mình cạnh tranh đa quốc gia.

Bài học với "ái nữ" Tân Hiệp Phát là chứng kiến cuộc sống 40 năm qua của bố mẹ cô, ông Trần Quí Thanh và bà Phạm Thị Nụ. Đặc biệt là người mẹ, được cô cho hay "đóng góp rất nhiều cho tập đoàn", giúp cô trả lời hoài nghi về nữ giới lãnh đạo.

Cô đặt câu hỏi: "Ai tin nữ tính là điểm mạnh tại nơi lãnh đạo nam là đa số?". Uyên Phương cho rằng phụ nữ sẽ tỏa sáng ở nơi có rất nhiều đàn ông và có đặc quyền mặc đầm. “Phụ nữ lãnh đạo không cần giống nam giới, cứ để đàn ông làm điểm mạnh của họ. Lạt mềm buộc chặt. Kết quả, chứ không phải giới tính, là sự xác nhận cho năng lực”.

Câu chuyện phụ nữ làm kinh doanh của Trần Uyên Phương khép lại bằng bài thơ do bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch Kiểm toán Deloitte Việt Nam và điều phối viên talk show – đọc với nội dung chính minh họa cách lãnh đạo của nữ giới: "Phụ nữ là nước, có khi mong manh, lúc tuôn đổ như thác lũ".

N.K

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/tran-uyen-phuong-bien-dieu-khong-the-thanh-co-the-831458.html