Trần Tuấn Lân - Cố họa sĩ gắn bó với sơn mài

Có cơ hội ở Hà Nội làm giảng viên nhưng cố họa sĩ Trần Tuấn Lân quyết tâm trở về quê hương. Và chính tại quê hương Quảng Ninh, ông đã rất thành công trong sự nghiệp hội họa của mình, đặc biệt là với dòng tranh sơn mài. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Di ảnh họa sĩ Trần Tuấn Lân.

Di ảnh họa sĩ Trần Tuấn Lân.

Họa sĩ Lê Bá Hạnh, một người bạn của họa sĩ Trần Tuấn Lân, kể: Sau nhiều năm lăn lộn ở chiến trường khốc liệt bên nước bạn Lào, anh Lân trở về và học tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Khi tốt nghiệp, thầy hiệu trưởng Trần Văn Cẩn muốn giữ lại làm giáo viên phụ giảng nhưng anh nằng nặc xin về quê hương Quảng Ninh, bỏ lỡ một dịp may được định cư ở Hà Nội (không phải ai cũng có được thời đó).

Ban đầu họa sĩ Trần Tuấn Lân được điều về Hải Phòng chỉ cách quê hương Quảng Yên có một con sông nhưng ông vẫn da diết nhớ quê. Ông tiếp tục làm đơn và cuối cùng cũng được chuyển công tác về Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Ninh.

Từng sáng tác với nhiều chất liệu như bút sắt, bột màu, sơn dầu, sơn khắc... nhưng sự nghiệp của họa sĩ Trần Tuấn Lân chủ yếu gắn với tranh sơn mài, ông đã có hàng loạt tác phẩm sơn mài khổ lớn. Tranh của họa sĩ Trần Tuấn Lân thể hiện bản sắc dân tộc đậm đà khi đi sâu khai thác những đề tài dân gian. Ở tranh sơn mài của Trần Tuấn Lân, người xem bắt gặp cái đẹp rực rỡ mà thâm trầm như trong bức tranh khổ lớn "Lễ rước cụ Thượng"; bức tranh "Du xuân" cũng khá thành công khi phản ánh nét đẹp của trò chơi đánh đu quen thuộc, làm người xem nhớ đến từng bước nhún đu nhịp nhàng của trai thanh, gái tú ngày hội xuân.

Tác phẩm "Truyền thống Bạch Đằng" của cố họa sĩ Trần Tuấn Lân.

Ngoài tác phẩm sơn mài “Truyền thống Bạch Đằng” đã được Giải thưởng Mỹ thuật khu vực sông Hồng, ông còn nhiều bức tranh khác đáng chú ý như: “Việt Nam năm 2000”, “Yên Hưng quai đê lấn biển”, “Lễ giao quân”, “Tây Trường Sơn”, “Phong cảnh đảo Hà Nam”, “Mỏ than Mạo Khê”, “Thạch Sanh”... Trong sự nghiệp sáng tác của mình, họa sĩ Trần Tuấn Lân đã nhận được nhiều giải thưởng Văn nghệ Hạ Long, giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, của Bộ Văn hóa - Thông tin và có tranh được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Quân đội. Nhiều tác phẩm của ông được các nhà sưu tập ở Mỹ, Đức, Nhật Bản, Cuba, Italya, Canada chọn mua.

Sau một thời gian công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin, họa sĩ Trần Tuấn Lân chuyển sang làm giáo viên tại Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Quảng Ninh. Với kiến thức sâu rộng được đào tạo chính quy và thực tế cuộc sống phong phú, ông đã tận tình chỉ dạy, đào tạo hàng loạt họa sĩ trẻ. Ông còn là người có công thành lập Chi hội Mỹ thuật huyện Yên Hưng, thường xuyên đi vẽ dã ngoại và trao đổi nâng cao năng lực sáng tác cho lớp trẻ. Những buổi trực họa đó không chỉ hấp dẫn giới họa sĩ trẻ, mà còn thu hút nhiều lớp học sinh theo học vẽ, thành phong trào sâu rộng khắp làng trên, xóm dưới. Từ đó phong trào mỹ thuật theo khuynh hướng dân gian ở làng tranh Yên Hưng ngày càng khởi sắc.

Tác phẩm "Lễ hội Tiên Công" của cố họa sĩ Trần Tuấn Lân.

Họa sĩ Trần Tuấn Lân đã giã từ cõi tạm về trời, buông bỏ một cuộc rong chơi với cọ và sắc màu. Chắc hẳn ông đã rất mãn nguyện khi con trai lớn của mình, họa sĩ Trần Tuấn Long đã nối nghiệp cha và rất thành công cũng ở lĩnh vực sơn mài. Trần Tuấn Long đã từng đoạt Giải thưởng Thiếu nhi quốc tế, Giải thưởng Mỹ thuật ASEAN, là họa sĩ rất thành công ở mảng đề tài tranh hầu đồng, sự chật chội của đô thị, vấn đề môi trường... với chất liệu sơn mài truyền thống.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201910/tran-tuan-lan-co-hoa-si-gan-bo-voi-son-mai-2456536/