Trân trọng những 'tấm lòng vàng' giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam

Chiến tranh đã lùi xa, song hậu quả chất độc hóa học do Mỹ để lại đối với Việt Nam vẫn rất nặng nề: 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân; nhiều nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba; các nạn nhân rất cần sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ của xã hội và cộng đồng.

Nhân Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) Việt Nam (10-8), phóng viên Báo Quân đội nhân dân phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam (VAVA) về công tác vận động nguồn lực, giúp đỡ NNCĐDC/dioxin.

 Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, thời gian qua, VAVA đã có các hoạt động gì để hỗ trợ, giúp đỡ NNCĐDC?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Hội NNCĐDC Việt Nam đã phối hợp với Ban Dân vận Trung ương và các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất với Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 14-5-2015 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Qua 3 năm thực hiện chỉ thị, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị-xã hội nhận thức sâu sắc, quan tâm hơn đến việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với NNCĐDC bảo đảm đúng quy định của pháp luật; nhiều chế độ, chính sách được Hội NNCĐDC Việt Nam đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi kịp thời...

Công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC được cả xã hội quan tâm; xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả. Trong việc xây dựng quỹ và vận động nguồn lực, các cấp hội đã nỗ lực tuyên truyền gắn với phong trào hành động vì NNCĐDC với nhiều hình thức phong phú. Những năm qua, toàn hội đã vận động quỹ được hơn 1.700 tỷ đồng, trong đó các tổ chức, cá nhân trong nước ủng hộ hơn 1.600 tỷ đồng, số còn lại do các tổ chức, cá nhân nước ngoài ủng hộ.

Dạy nghề thêu cho nạn nhân chất độc da cam tại Làng Hữu nghị Việt Nam. Ảnh: THÀNH AN

PV: Từ nguồn hỗ trợ trên, công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC được hội triển khai thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Mục đích và nhiệm vụ chủ yếu của VAVA là vận động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để giúp đỡ các NNCĐDC, hỗ trợ các nạn nhân hòa nhập cộng đồng và đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC. Được sự quan tâm của các cấp, ngành, các nhà hảo tâm, thời gian qua, VAVA đã xây dựng 26 trung tâm nuôi dưỡng, theo hai mô hình (17 trung tâm nuôi dưỡng thuộc tỉnh, thành hội quản lý và xây dựng 9 công trình nuôi dưỡng NNCĐDC thuộc trung tâm bảo trợ xã hội, sở lao động-thương binh và xã hội các tỉnh, thành phố); nuôi dưỡng gần 900 cháu là NNCĐDC. Các trung tâm nuôi dưỡng trở thành “mái ấm” của nạn nhân, cải thiện sức khỏe cho nạn nhân và CCB, tiêu biểu là các trung tâm thuộc Trung ương hội và các tỉnh hội: Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Bến Tre, Bắc Giang, Hà Nội, Thái Bình, Hà Tĩnh...

Đến nay, hội có 11 cơ sở xông hơi giải độc, trong đó 9 cơ sở đã đi vào hoạt động; đã tiến hành xông hơi giải độc cho gần 800 lượt, với hơn 4.860 người tham gia. Trường cao đẳng nghề của Trung ương Hội NNCĐDC đã đào tạo được 14 lớp với 360 học viên; ký hợp tác liên kết đào tạo và bố trí việc làm với 6 công ty. Từ nguồn quỹ vận động, các cấp hội tiến hành xây dựng hơn 4.270 nhà tình nghĩa, nhà tình thương, với số tiền hơn 176 tỷ đồng, trợ cấp hơn 6.530 suất học bổng với số tiền hơn 19 tỷ đồng; trợ giúp gần 890 suất tìm việc làm, tổng trị giá hơn 4 tỷ đồng; hỗ trợ vốn sản xuất, tặng nhiều phương tiện sinh hoạt; khám bệnh, cấp thuốc, trợ cấp khó khăn, thăm, hỏi tặng quà nhiều NNCĐDC trong các dịp lễ, tết...

PV: Thưa đồng chí, những năm qua, kết quả công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NNCĐDC được VAVA quan tâm triển khai thực hiện đạt kết quả như thế nào?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Hiện nay, VAVA có 26 trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho NNCĐDC. Ngoài việc học văn hóa, hội còn lựa chọn các nghề phù hợp với khả năng của nạn nhân, như: Thêu, đan, may, làm hoa, làm hương, làm chổi, sửa xe… Trung bình một năm, mỗi trung tâm có hơn 100 cháu là NNCĐDC được nuôi dưỡng, dạy nghề, chủ yếu dưới hình thức bán trú.

Trường cao đẳng nghề thuộc Trung ương hội tiếp tục tuyển sinh đào tạo nghề cho các nạn nhân. Công ty Thiện Đức toàn cầu, thuộc Trung ương hội có nhiều cố gắng trong tìm kiếm việc làm, mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp để các học viên tốt nghiệp trường cao đẳng nghề sớm có việc làm.

PV: Còn về kết quả thực hiện Chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, thưa đồng chí?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Đây là chương trình được tổ chức thường niên, nhằm tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong nước và trên thế giới về thảm họa da cam, đồng thời vận động các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần và hỗ trợ hiệu quả cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam. Trong chương trình, VAVA trao bằng tri ân tấm lòng vàng tặng các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong và ngoài nước có những đóng góp, ủng hộ các NNCĐDC. Các tập thể tiêu biểu tham gia chương trình, như: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), Quân chủng Hải quân, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổ chức MCC của Mỹ tại Việt Nam, tổ chức APER của Pháp, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam...

Theo di nguyện của cố GS Võ Quý, gia đình đã trao toàn bộ số tiền phúng viếng ủng hộ NNCĐDC; bà Masako Sakata, quốc tịch Nhật Bản, từ năm 2015 đến nay đã ủng hộ NNCĐDC Việt Nam hơn 700 triệu đồng; Lương y Nguyễn Văn Thiệu (Thái Bình), từ năm 2015 đến nay đã cấp thuốc miễn phí cho NNCĐDC tại 4 tỉnh, thành phố: Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên với tổng trị giá hơn 5,8 tỷ đồng, ủng hộ NNCĐDC 240 triệu đồng; cụ Đỗ Thế Luân (94 tuổi, ở Hà Nội) từ năm 2017 đến nay tặng 18 xe lăn, hỗ trợ vốn sản xuất cho 16 hộ, trao 21 con bò tặng gia đình NNCĐDC khó khăn ở huyện Ba Vì (Hà Nội) với tổng số tiền hơn 370 triệu đồng... Đó thực sự là những “tấm lòng vàng” chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

DUY THÀNH (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tran-trong-nhung-tam-long-vang-giup-do-nan-nhan-chat-doc-da-cam-546439