'Trăn trở' với SIP

Việc cổ phiếu tăng hơn 8 lần sau khi niêm yết của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) đã khiến giới đầu tư đặt nhiều dấu hỏi.

SIP (thành lập năm 2007) là đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR). Hiện tại, vốn cổ phần của SIP đạt 690,5 tỷ đồng, trong đó 81,32% cổ phần nằm trong tay cổ đông lớn, gồm GVR nắm 13,53% cổ phần, CTCP KCN Nam Tân Uyên (NTC) 9,02% cổ phần, CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị An Lộc 10,67% cổ phần.

Lãnh đạo chủ chốt đua nhau "xả hàng"

Ngày 06/6, SIP chính thức đưa 69 triệu cổ phiếu lên niêm yết trên UPCoM với giá tham chiếu 17.200 đồng/CP. Chào sàn trong bối cảnh thị trường diễn biến không thuận lợi, nhưng SIP đã tăng hết biên độ (40%) trong lần khớp lệnh đầu tiên lên 24.000 đồng/cổ phiếu, với vỏn vẹn 100 cổ phiếu được bán ra.

Khu công nghiệp Phước Đông là dự án có quy mô lớn nhất của SIP hiện nay với diện tích hơn 2800ha.

Khu công nghiệp Phước Đông là dự án có quy mô lớn nhất của SIP hiện nay với diện tích hơn 2800ha.

Sau phiên tăng kịch trần này, không ít nhà đầu tư dự báo SIP phải điều chỉnh ở những phiên kế tiếp theo xu hướng chung của thị trường. Thế nhưng, SIP vẫn tiếp tục được đẩy lên trong sự ngỡ ngàng của giới đầu tư.

Mở cửa phiên giao dịch sáng 25/8, SIP tăng chạm mốc 138.000 đồng/cổ phiếu, tăng 8 lần so với giá tham chiếu trong ngày chào sàn hơn 2 tháng trước đó.

Ngay trong thời điểm SIP tăng gần chạm mốc 100.000 đồng/CP, gần như toàn bộ cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp đồng loạt đăng ký bán số cổ phiếu đang nắm giữ.

Cụ thể, ông Phạm Văn Đông, Ủy viên HĐQT (56.000 cổ phiếu); ông Trần Như Hùng, Phó Tổng giám đốc (400.000 cổ phiếu); ông Lư Thanh Nhã, Phó Tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng (1 triệu cổ phiếu); ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc (450.000 cổ phiếu); ông Trần Ngọc Nhân, Phó Tổng giám đốc (177.900 cổ phiếu); bà Bạch Vân Nhạn, Ủy viên HĐQT (20.000 cổ phiếu); ông Nguyễn Trường Khôi, Phó Tổng giám đốc (40.000 cổ phiếu).

Đáng chú ý, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc đăng ký bán 14,3 triệu cổ phiếu từ ngày 9/8 đến 6/9, giảm tỷ lệ nắm giữ từ 22,15% xuống chỉ còn 1,37%. Nhiều khả năng ông Tùng sẽ không còn là cổ đông lớn của SIP sau ngày 6/9.

Dù lý do đăng ký bán của lãnh đạo SIP là “giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân”, nhưng theo nhận định của giới đầu tư, mục đích chính của việc bán ra để chốt lời khi SIP tăng quá nóng. Đơn cử, trường hợp ông Tùng, nếu bán hết số cổ phần này sẽ thu về xấp xỉ 1.800 tỷ đồng.

Bất ngờ đặt mục tiêu "giật lùi"

Dù lãnh đạo chủ chốt đăng ký bán ra, nhưng SIP vẫn không bị tác động tiêu cực, thậm chí còn tăng cao hơn. Diễn biến này khiến giới đầu tư có thêm lý do nghi ngờ, bởi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này đang có dấu hiệu đi xuống sau thời gian dài duy trì đà tăng trưởng nóng.

Cụ thể, liên tục trong những năm gần đây, SIP ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân trên 20%/năm. Năm 2018, doanh thu thuần đạt 3.239 tỷ đồng (tăng 26%); lợi nhuận sau thuế 249 tỷ đồng (tăng 34%), tương ứng EPS 3.600 đồng/CP và cổ tức 18%.

Báo cáo tài chinh hợp nhất quý 2/2019 của SIP vừa công bố cũng cho thấy mức doanh thu và lãi ròng đều tăng trưởng mạnh.

Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ đạt hơn 1.121 tỷ đồng tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp theo đó cũng tăng mạnh 75%, đạt gần 149 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính cũng tăng mạnh 83% lên 73 tỷ đồng, chi phí tài chính được hoàn nhập hơn 22 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chỉ tiêu kinh doanh 2019 SIP lại bất ngờ hạ thấp với doanh thu 3.000 đồng (giảm 7%), lợi nhuận 200 tỷ đồng (giảm 19%).

Theo lý giải của HĐQT, chỉ tiêu trên được xây dựng dựa trên cơ sở tình hình kinh tế dự báo khó khăn, đồng thời định hướng của SIP thời gian tới sẽ tập trung 2 mảng xây lắp và đầu tư phát triển.

Thế nhưng, điều bất ngờ kết quả kinh doanh quý II vừa được SIP công bố hoàn toàn ngược lại với nhận định chủ quan của HĐQT. Kết quả kinh doanh cho thấy, kết thúc nửa đầu năm SIP đã hoàn thành được 66% mục tiêu doanh thu và vượt 7% mục tiêu LNST mà trước đó đã đặt ra.

Bên cạnh đó, cơ cấu cổ đông của SIP khá cô đặc, nên nhiều nhà đầu tư lo ngại việc đẩy giá lên cao hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Được biết, Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chính thức được niêm yết trên sàn từ tháng 6/2019. SIP là doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực cho thuê khu công nghiệp.

Các dự án khu công nghiệp của công ty chủ yếu phân bổ ở Binh Dương, Tp. HCM, Tây Ninh. Theo thống kê, SIP đang sở hữu gần 3.700ha đất khu công nghiệp bao gồm 342ha đất Khu công nghiệp Đông Nam; Dự án Khu công nghiệp Phước Đông quy mô 2.838ha. Ngoài ra, SIP còn đang đầu tư 2 dự án khác là Lê Minh Xuân 3 với tổng diện tích 220ha, Lộc An - Bình Dương diện tích 336ha.

Nha Trang

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/tran-tro-voi-sip-156666.html