Trăn trở trước thềm ngày Nhà giáo

20.11 đối với thầy cô giáo là một ngày rất đẹp, đầy ý nghĩa - ngày Tết của nhà giáo. Trước thềm 20.11, các em học sinh, các bậc phụ huynh và toàn xã hội đều hướng về người thầy với niềm tri ân, trân trọng. Cũng như bao thầy cô giáo khác, tôi cũng có những phút giây lắng đọng, ngẫm về người thầy...

Vào những ngày này, khi mà các thầy cô giáo đang rộn ràng đón tiếp những học sinh thân yêu của mình đến chúc mừng nhân ngày nhà giáo, lòng tôi dậy lên những cảm xúc thật khó tả, vừa hân hoan, rạo rực, vừa hồi họp xen lẫn sự xúc động, trăn trở suy tư...

Nhiều vấn đề vượt quá tầm tay nhà giáo

Nhà giáo cần làm gì để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội, niềm kính mến tri ân của học sinh, sự trân trọng của phụ huynh?

Có những vấn đề giáo dục vượt quá tầm tay của nhà giáo, vai trò cá nhân của nhà giáo. Quyền nhà giáo bị thu hẹp dần, các bất cập trong ngành chưa giải quyết được: lối dạy học nhồi nhét, bệnh thành tích, bạo lực học đường, xu hướng thương mại hóa trong giáo dục... có nơi có lúc làm giảm phần nào lòng tin đối với nhà giáo. Để uy tín nhà giáo định hình rõ trong mắt học trò, phụ huynh, xã hội không phải một sớm một chiều, đòi hỏi nhà giáo phải trải qua một quá trình lao động nghiêm túc, bền bỉ thực sự. Thế nhưng uy tín nhà giáo mất đi rất dễ với chỉ một lần sai lầm, vấp ngã trước cảm dỗ của đồng tiền, quyền lực, danh vị...

Chương trình quá tải, áp lực học hành

Nhà giáo chưa thật vui khi học trò của mình ngày ngày đến trường với áp lực học hành quá tải. Các em học như cái máy, học chính khóa với những 13 môn học, chưa kể hoạt động ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp, nghề phổ thông. Sau buổi học chính khóa các em lại lao vào học phụ đạo, học thêm nhiều môn. Sáng học, chiều học, tối học, 4, 5 giờ sáng đồng hồ báo thức reo: bật dậy học tiếp! Tất nhiên, trường hợp này là “ngoại lệ” đối với những em chưa ngoan, lười biếng học hành.

Áp lực học hành, thi cử nặng nề, học mà không có thời gian cho nghỉ ngơi, tái tạo sức lực và lấy lại thăng bằng tâm lý. Khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, trông đơn giản thế nhưng có thành hiện thực trọn vẹn?

Vô tình biến các em thành “cái máy học”

Tôi muốn gọi các em là “siêu nhân”, các em quả thật có “sức chịu đựng” dẻo dai, vượt khó rất “ngoạn mục” khi vượt qua những áp lực học hành, thi cử và tuân thủ răm rắp “hằng hà sa số” quy định nhà trường đặt ra. Các em bị “đóng khuôn” trong các quy định nhiều khi rất cứng nhắc, mang tính áp đặt của người lớn.

Người lớn đòi hỏi các em rất nhiều thứ, các thầy cô nhiều khi máy móc, giáo điều, không đặt mình vào vị trí các em. Các em học hành quá vất do chương trình học quá tải, quỹ thời gian của các em kín hết cả tuần, các em ít có thời gian nghỉ ngơi. Các thầy cô cầu toàn biến các em thành những cái máy học, và rập khuôn những nội quy, quy định nhiều khi rất vụn vặt, nhiêu khê.

Tôi và có lẽ nhiều thầy cô nữa, đôi khi máy móc, mệnh lệnh áp đặt cho các em, vì những quy định vụn vặt này. Như vậy mình đã vô tình gây áp lực, tăng thêm gánh nặng cho các em. Thử thách để các em rèn luyện để trưởng thành không cần phải là “gánh nặng” gây áp lực cho các em.

Lo ngại truyền thống “tôn sư trọng đạo” bị mai một

Truyền thống “tôn sư trọng đạo” bao đời nay vẫn thế, song có người vẫn lo ngại nó đã bị mai một ít nhiều. Cơ chế thị trường tác động, mọi thứ có xu hướng quy đổi ra tiền, tình trạng thương mại hóa trong giáo dục có nơi có lúc đã diễn ra, phụ huynh đóng góp quá nhiều khoản đối với nhà trường.

Tình trạng dạy thêm - học thêm, bệnh thành tích, nạn bạo lực học đường, sự thực dụng của người lớn... đã làm cho mọi người phải lo ngại về sự mai một, chao đảo của truyền thống “tôn sư trọng đạo” hiện nay.

Khoảng cách giữa thầy và trò

Vâng, càng ngày ranh giới của thầy và trò càng gần gũi hơn. Hiện nay các em học nhiều, gặp gỡ thầy cô thường xuyên. Các em sử dụng Facebook cá nhân rất phổ biến, một số em “kết nối” với thầy cô để chia sẻ, giao tiếp, tâm sự... Dù không phải là tất cả, nhưng tôi nói thật, đâu đó vẫn có một số hình ảnh chưa đẹp trong quan hệ với giữa thầy và trò như bạo lực học đường, đồng tiền xen vào mối quan hệ giữa thầy và trò, lối sống thực dụng của một số người trong xã hội... đã làm cho quan hệ thầy - trò bị lệch sang hướng thiếu tích cực và giảm đi phần nào ý nghĩa nhân văn.

Để quan hệ thầy - trò vừa đúng chuẩn mực, vừa gần gũi, theo tôi thầy trò cần phát huy tinh thần mà bấy lâu nay ở nhà trường đã thực hiện, đó là “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Thầy quan tâm, gần gũi với học sinh; còn trò thì chủ động trong học tập và rèn luyện.

Muốn xóa bỏ những rào cản ngăn cách giữa thầy và trò, trước hết phải xóa bỏ những hiện tượng tiêu cực, thương mại hóa trong giáo dục. Làm sao để nhà giáo thực sự “sống được bằng lương” để không còn phải “tranh thủ” dạy thêm như là một phương tiện duy nhất cải thiện thu nhập gia đình.

Ngành giáo dục phải chấp nhận “quy luật sàng lọc” trong quá trình đào tạo, kể cả đào tạo nghề giáo. Giảm tải, nói không với bệnh thành tích, tiêu cực trong giáo dục và bạo lực học đường, giảm huy động sức dân trong giáo dục... là những điều cần kíp để làm quan hệ thầy - trò gần gũi, thân thiện, môi trường giáo dục thực sự một tổ ấm mà ở đó mỗi ngày đến trường thầy và trò đều có niềm vui.

Lê Xuân Chiến

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/tran-tro-truoc-them-ngay-nha-giao-76221.html