Trăn trở nơi làng nghề trăm tuổi

Làng nghề ngư cụ Hưng Học (Nam Hòa, Quảng Yên) từ lâu nổi tiếng với thương hiệu đan thuyền nan, ngư cụ truyền thống bền đẹp khắp trong và ngoài tỉnh. Trải qua bao thăng trầm, nhiều lớp nghệ nhân nỗ lực giữ gìn nghề nhưng cũng không khỏi lo lắng trước những thay đổi, mai một và sự kế cận của lớp thợ trẻ.

Giữ lửa nghề xưa

Dọc theo con đường mới trên cao tốc Hạ Long- Hải Phòng chừng khoảng 30 phút, chúng tôi đã về tới Hưng Học (phường Hà Nam, thị xã Quảng Yên), ngôi làng nổi tiếng với nghề làm ngư cụ đã có hàng trăm năm tuổi. Đón chúng tôi ở cây đa lớn đầu làng, anh Hoàng Văn Vĩnh, cán bộ khu phố nhiệt tình dẫn chúng tôi đi quanh làng.

Như nhiều nghệ nhân khác, ông Nguyễn Anh Sáu (khu 3, Nam Hòa) vẫn say mê, sáng tạo giữ nghề

Như nhiều nghệ nhân khác, ông Nguyễn Anh Sáu (khu 3, Nam Hòa) vẫn say mê, sáng tạo giữ nghề

Vào tới làng, không khó để bắt gặp những hình ảnh quen thuộc, những ngôi nhà được trang hoàng đẹp bằng chính những ngư cụ tinh xảo, các xưởng đóng thuyền nan rải rác trong làng kề các con sông, kênh rạch...Vừa dẫn chúng tôi đi, anh Hoàng Văn Vĩnh vừa không quên giải thích về lịch sử hình thành làng nghề của quê mình, anh bảo: Vùng đảo Hà Nam có hệ thống sông ngòi, nhiều kênh rạch, cửa sông chia cắt xóm, làng. Để thích nghi với điều kiện sông nước, ngay từ những ngày đầu đến đây, các vị Tiên Công đã biết dùng nguyên liệu tre, nứa, gỗ đan lát thành những con tàu, thuyền đơn sơ, ngư cụ phục vụ nhu cầu đi lại và đánh bắt cá, tôm.

Theo chuyện kể làng nghề truyền thống Hưng Học được hình thành từ giữa thế kỷ 15. Tổ nghề là tiên công ở Chí Linh, Hải Dương sang. Cụ vốn có nghề đan lờ cá rô, lờ cá diếc, thấy vùng bãi triều ven biển vô số là tôm, cua, cá...cụ đã sáng tạo ra các loại lờ, đăng, đó để đánh bắt hải sản và truyền nghề cho con cháu trong dòng họ, cho nhân dân trong làng đan vào những lúc nông nhàn để tăng thêm thu nhập. Sau này, người dân đã sáng tạo thêm nghề đan thuyền nan, con thuyền nhẹ nhàng, cơ động phục vụ cho đánh bắt hải sản và vận chuyển vật liệu trên sông, trên biển. Lâu dần trở thành nghề truyền thống của người dân làng Hưng Học.

Vừa đi vừa trò chuyện, một chốc chúng tôi đã đến nhà nghệ nhân Nguyễn Anh Sáu (khu 3 phường Nam Hòa), có thâm niên trên 40 năm làm nghề truyền thống. Khi biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về nghề của cha ông, ông Sáu hào hứng lắm, pha trà, chậm rãi chỉ cho chúng tôi: Sở dĩ ngư cụ ở đây có tiếng bởi nó cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu tốt là tre nứa lấy từ rừng già, ngược về đây. Với tay nghề khéo, sự cần cù, các nan tre đan ngư cụ được vót tay cẩn thận, được xử lý kỹ trước khi đan...Vì thế ngư cụ Nam Hòa không chỉ đẹp mà còn rất bền.

Trong làng ông Sáu cũng được nhiều người coi là nghệ nhân khéo léo, có sự sáng tạo độc đáo. Ngoài ngư cụ, thuyền nan, ông Sáu là người sáng tạo ra chiếc thuyền nan mỹ nghệ tuyệt đẹp, theo tay du khách đi ra tỉnh ngoài và xuất ra nước ngoài làm quà lưu niệm. Năm 2011 ông đã sáng tạo và cho ra đời chiếc thuyền nan mỹ nghệ mô phỏng như thật chiếc thuyền nan cổ truyền. Nhà ông còn là điểm đến hấp dẫn nhất làng nghề, được du khách rất yêu thích ghé tham quan. Không chỉ vậy, ông Sáu còn có dự định đan các loại ngư cụ như: Lờ, nơm... có hình dạng tròn như những chiếc chụp đèn để bán cho các nhà hàng, khách sạn làm đèn trang trí.

Dời nhà ông Sáu, chúng tôi tới xưởng làm thuyền nan có tiếng ở khu 3 Nam Hòa của gia đình anh Nguyễn Văn Võ, anh Nguyễn Văn Thinh. Tới đây, chúng tôi mới cảm nhận hết được nhiệt huyết, sự đổi thay để nghề truyền thống bền với thời gian. Các thế hệ thợ làm ngư cụ ở Nam Hòa này đã hết sức bám nghề, thích nghi, sáng tạo để đứng vững. Đó thực sự là những vốn quý trong mỗi nghệ nhân.

Hộ anh Võ là một trong số ít các hộ đầu tư nhà xưởng rộng, thiết bị, máy móc hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Anh kể, anh đã lặn lội sang tận Hải Phòng học nghề, học cách chế tạo thuyền, xuồng nhựa composite mà thị trường đang ưa thích. Gia đình anh còn đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại để chiếc thuyền nan được chắc chắn, bền đẹp hơn.

Ông Nguyễn Anh Sáu giới thiệu sản phẩm mỹ nghệ thuyền nan do chính tay ông sản xuất.

Đến xưởng đan thuyền của anh Nguyễn Văn Thinh, chúng tôi được anh giới thiệu về cách xử lý, sửa chữa các loại thuyền nan cũ bằng phương pháp mới đắp sợi composite với hỗn hợp nhựa đường. Đây cũng là cách làm cải tiến mới để tăng độ bền cho thuyền nan. Vừa chỉ chiếc thuyền đang sửa chữa anh vừa giới thiệu: "Đan thuyền nan khá vất vả, bởi cần khéo tay, sức khỏe. Việc đắp sợi nhựa composite với hỗn hợp nhựa đường càng vất vả hơn. Nhưng đổi lại chiếc thuyền sẽ bền đẹp hơn rất nhiều. Đây là xu hướng chung mà nhiều nơi đang áp dụng vì thế chúng tôi cũng phải cập nhật với thị trường".

Trăn trở với nguy cơ "thất truyền"

Là một vùng quê làm nông nghiệp và đi biển, nghề đan ngư cụ truyền thống của làng Hưng Học từng tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động. Trải qua những thăng trầm của nghề, nhiều người thợ luôn trăn trở tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm với hy vọng có thể trụ lại, gìn giữ nghề của cha ông. Không phải quá lo lắng về những tác động của thị trường, các bậc thợ lành nghề ở đây lại thường trực một nỗi lo khác: Giãn nghề do người trẻ không theo nghề.

"Ngư cụ Nam Hòa đặc biệt là thuyền nan vẫn luôn được khách hàng khắp nơi tín nhiệm. Thu nhập vẫn đảm bảo. Với thuyền nan thủ công mỹ nghệ, bán chạy và được giá, từ 300-400 nghìn tới tiền triệu. Khu nhà của gia đình còn là điểm đến được công nhận đón khách du lịch trong nước và quốc tế ghé thăm... Thế nhưng nghề của tôi lại không thu hút được người con nào trong gia đình theo nghề, tiếp nối tâm huyết của tôi", ông Sáu thoáng buồn chia sẻ...

Cùng chung nỗi niềm như ông Sáu, anh Nguyễn Văn Thinh có 3 đời làm nghề truyền thống này chia sẻ: Thế hệ của chúng tôi cũng nhiều người được học hành cẩn thận, thế nhưng yêu nghề, tự hào "cha truyền con nối" nên chúng tôi vẫn cố gắng giữ lấy nghề. Kinh tế chỉ là một phần thôi nếu không yêu, say nghề thì không thể theo được. Đặc thù nghề này khá vất vả, chính vì thế khi có tuổi các thợ đều bỏ hoặc làm ít đi. Tôi có 2 cháu nhưng tôi cũng không dám chắc các cháu có tiếp nối nghề gia truyền hay không. Bởi làm nghề này phải say mê, còn không thích thì không thể cưỡng ép được.

Sản xuất thuyền nan ở hộ gia đình anh Nguyễn Văn Thinh (khu 3, phường Nam Hòa).

Suy nghĩ trên không chỉ là chia sẻ, tâm sự của những hộ nhỏ lẻ như anh Thinh mà còn của nhiều hộ có xưởng sản xuất lớn, đầu tư bài bản ở phường Nam Hòa bởi cũng như nhiều làng nghề khác, Nam Hòa đang đối mặt với nguy cơ mai một nghề do thiếu thế hệ kế cận. Theo anh Hoàng Văn Vĩnh, Phó trưởng khu 3, phường Nam Hòa thì hiện trên địa bàn khu 3 có khá nhiều hộ đã chuyển đổi nghề, nhiều hộ không theo nghề truyền thống nữa. Hiện khu có khoảng 250 hộ thì chỉ 30-40% số hộ theo nghề, còn nhiều hộ chỉ tranh thủ làm nghề khi rảnh rỗi, khi xong các công việc khác.

Chia sẻ với chúng tôi về việc giữ và phát triển làng nghề, ông Hoàng Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND phường Nam Hòa cho biết: Quả thật do nhiều tác động, cơ cấu ngành nghề, lao động mà có nhiều hộ dân đã không theo nghề truyền thống. Trước đây cả làng làm nghề nay đã có phân nửa các hộ không theo nghề truyền thống. Cá biệt có khu chỉ còn khoảng 30% số hộ theo nghề. Để giữ nghề và phát triển nghề thì chúng tôi tập trung, tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn, phát triển du lịch làng nghề dẫn khách về tham quan... Chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước quan tâm tạo điều kiện phát huy thế mạnh làng nghề, đưa nhiều khách về với làng nghề, để kích thích sự phát triển của du lịch dịch vụ ở đây.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì việc đưa du lịch về làng nghề Nam Hòa đã được triển khai nhưng hiện đang gặp những khó khăn, hạn chế khiến hoạt động này bị giãn đoạn hơn một năm qua, bởi vậy việc giữ nghề, phát huy thế mạnh làng nghề cần sự quan tâm tháo gỡ của Nhà nước. Đó cũng là mong ước của nhiều người dân Nam Hòa.

Hà Phong

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201912/tran-tro-noi-lang-nghe-tram-tuoi-2462788/