Trăn trở của luật sư trong những vụ trẻ bị bạo hành, xâm hại

'Chi hội luật sư chúng tôi là nơi tập hợp những người có chung tâm huyết muốn bảo vệ quyền hợp pháp của trẻ em khi bị xâm hại và bạo hành. Chúng tôi làm tất cả bằng tấm lòng yêu trẻ, bảo vệ hoàn toàn miễn phí cho các em và gia đình bị hại', bà Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, chia sẻ.

Khó khăn khi tìm chứng cứ để bảo vệ trẻ em bị bạo hành, xâm hại

Khác với ngày thường, trong bộ đồng phục của luật sư nghiêm ngắn, bà Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em TPHCM diện bộ áo dài hoa mềm mại, duyên dáng dự Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2018-2023) của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Bà cười dịu dàng, song mỗi lời nói của bà về nghề luật sư, về những việc bà đang làm cho trẻ em bị hại lại chan chứa nỗi day dứt: “Chúng tôi ra sức phối hợp cùng các cơ quan điều tra làm các thủ tục tố tụng, lấy lời khai và các chứng cứ. Xong trong các vụ bạo hành hay xâm hại trẻ em, thì quan trọng nhất là chứng cứ, nhưng hầu như luật sư chúng tôi đều gặp khó khăn về vấn đề này”.

Bà Trần Thị Ngọc Nữ (bìa phải) cùng các luật sư tại Hội nghị biểu dương điển hình bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

“Ví như, các bé là nạn nhân đa số còn nhỏ quá, hoặc các em lớn hơn chút thì không mạnh dạn, không dám nói ra, vì bị hăm dọa, sợ gia đình la mắng, sợ bị bạn bè bêu xấu…, nên đến lúc các em nói được ra nỗi sợ hãi của mình thì hầu như đã muộn. Tức là lúc gia đình các bé đã vào cuộc, đi tố cáo kẻ gây hại cho con họ, nhưng cơ quan điều tra lại đòi phải có chứng cứ…” – Luật sư Ngọc Nữ trầm ngâm lý giải tiếp. “Tiếp cận vụ việc lúc này, chúng tôi lúc phải đi tìm chứng cứ, dù rất khó. Thực sự, chúng tôi thấy tội nghiệp các bé trong hoàn cảnh này vô cùng. Lúc nào chúng tôi cũng muốn cứu các em, muốn đưa kẻ gây tội ác ra ánh sáng, nhưng không ít vụ việc, chúng tôi đành lực bất tòng tâm, vì thiếu chứng cứ”.

Nếu cha mẹ không sớm tố cáo kẻ gây hại con mình là giúp kẻ ác thoát tội

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết: “Nhiều vụ, chúng tôi đề nghị cấp trên, như Công an TP HCM giúp đỡ. Nếu giải quyết không được, chúng tôi đề nghị tiếp lên Bộ Công an, hay Tòa án tối cao xem xét lại vụ án. Nhiều vụ việc nhờ vậy đã "lội ngược dòng" thành công”.

“Với các phụ huynh, chúng tôi muốn nói rằng, khi biết con bị xâm hại, bị bạo lực mà vẫn im lặng, là đồng tình với tội ác. Các bố mẹ phải mạnh dạn tố cáo ra pháp luật, để các em khác không là nạn nhân kế tiếp, khi thủ phạm chưa bị trừng trị”.

Các luật sư trẻ sẵn sàng cùng bà Ngọc Nữ đấu tranh bảo vệ quyền trẻ em

Các vụ xét xử tội danh hiếp dâm, xâm hại trẻ em luôn được xử kín, không nêu rõ tên họ các em, không đưa hình ảnh các em, nên các gia đình không sợ bên ngoài xã hội biết, các phụ huynh, các gia đình hoàn toàn có thể yên tâm về việc tố cáo tội phạm để cứu chính con em mình” - luật sư Ngọc Nữ khẳng định.

Bà Trần Thị Ngọc Nữ cho biết, có những thời điểm tiếp nhận gần 100 vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, nhưng chỉ xử lý được chừng 10 vụ thành công. Đây là nỗi niềm đau lòng, trăn trở cho nghề luật sư của chúng tôi. Biết rõ kẻ thủ ác còn kia, mà không không giúp được gì cho các em, vì thiếu chứng cứ.

Chúng tôi tiếc, vì sự hiểu biết của người lớn, của cha mẹ còn hạn chế. Nhiều cha mẹ mải lo làm ăn, không gần gũi, theo dõi sát con mình. Ví dụ: Khi các bé đi học về, có biểu hiện sợ hãi, sợ cha mẹ sờ vào người, hay bé có biểu hiện sống khép kín… là cha mẹ phải đưa con đi giám định hay tố cáo, hoặc tâm sự với các con ngay, ghi âm lại.

Bên cạnh đó, các cha mẹ phải thương các con mình, vì các con gặp nạn, tâm lý đang quá sợ hãi, không nên vì xót con quá mà lớn tiếng la lối, mắng nhiếc các bé, khiến các bé không dám nói ra, không dám chia sẻ với bố mẹ. “Rất nhiều bé không dám nói gì với cha mẹ mình, nhưng khi đến văn phòng luật sư chúng tôi, các bé đã dám kể lại tất cả sự việc” – luật sư Ngọc Nữ nói. Chứng cứ, lời khai của các bé chúng tôi có thể đưa ra cơ quan công an làm bằng chứng. Với nghiệp vụ của công an, họ điều tra tiếp để đưa vụ án ra xét xử. Nếu không có chứng cứ, vụ án dễ bị khép lại, bị đình chỉ, dù biết là rất ức chế khi sự thật là các bé bị nạn, mà kẻ gây ra tội vẫn không bị xử lý.

Quyết tâm đến cùng để bảo vệ quyền cho trẻ em bị xâm hại và bạo lực

Các thành viên Chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em TPHCM tại Đại hội Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam lần thứ 3, vừa tổ chức ở Hà Nội

“Hiện có 5 vụ án điển hình chúng tôi nhận thấy có dấu hiệu tìm được kẻ phạm tội, có chứng cứ, nhưng lại hạn chế là cơ quan điều tra đã đình chỉ vụ án. Ví như, vụ anh rể hiếp dâm em vợ, để lại cái thai cho bé gái 16 tuổi. Dù vụ án đã bị đình chỉ, nhưng chúng tôi đưa mẹ con bé đó đi giám định, kết quả cái thai chính xác của anh rể. Hiện cháu gái mới 16 tuổi đã phải nuôi con nhỏ, còn người anh rể lại không bị xử lý. Vì vậy, chúng tôi đang hoàn tất thủ tục, phải đưa bằng được vụ này ra điều tra lại” – bà Ngọc Nữ cho biết.

“Phải nói, nghề luật sư của chúng tôi nhiều lúc thấy bất lực, cảm thấy rất đau lòng, bởi sự không tin tưởng của người nhà, người thân, nhiều cháu bé bị hại vẫn chưa tin tưởng chi hội luật sư chúng tôi, nên đã không tìm đến, hoặc tìm đến chúng tôi quá muộn” – Luật sư Ngọc Nữ khẽ thở dài.

Ảnh minh họa

"Dù biết chỉ còn một tia hy vọng mong manh, chúng tôi vẫn nhất định không dừng lại, sẽ mò mẫm, sẽ cùng nhau tìm ra được chứng cứ đủ để đưa kẻ gây tội ra ánh sáng. Chúng tôi nghĩ, một đứa trẻ vài 3 tuổi không thể nói dối, không thể bịa ra chuyện mà chúng chưa chưa bao giờ biết đến của người lớn được"- bà Ngọc Nữ khẳng định.

Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM được thành lập năm 2014. Đây là nơi tập hợp các luật sư tâm huyết trong hoạt động bảo vệ quyền trẻ em, do bà Trần Thị Ngọc Nữ làm sáng lập và là Chi hội trưởng.

Ngoài việc tham ra nhiều vụ án bảo vệ quyền trẻ em thành công, chi hội còn thực hiện 40 phiên tòa giả định tại các trường Trung học cơ sở, tiểu học về bạo lực học đường, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống ma túy, phòng chống tai nạn giao thông… giúp các em học sinh hạn chế, phòng tránh tệ nạn xã hội trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Bà cùng hội viên chi hội thường xuyên đến tận nhà các trẻ em bị bạo lực, xâm hại để tư vấn tâm lý, hỗ trợ về vật chất, hỗ trợ bảo vệ quyền cho các em trong suốt quá trình xét xử.

Khánh Linh

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/tran-tro-cua-luat-su-trong-nhung-vu-xam-hai-tre-post51593.html