Trăn trở của ĐBQH Vũ Tiến Lộc: Vẫn dựa nhiều vào đất

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, thu ngân sách Nhà nước thiếu tính bền vững do do còn dựa nhiều vào thu từ đất đai, tài nguyên.

Ngày 29/3, tại phiên thảo luận về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước và Chính phủ, bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, những dấu ấn nhiệm kỳ, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cũng chỉ ra một số điểm còn hạn chế.

Đáng lưu ý, trong số những hạn chế này, đại biểu Vũ Tiến Lộc chỉ ra rằng, thời gian qua, tốc độ tăng trưởng cung tiền và tín dụng vẫn luôn cao hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa. Điều này tiềm ẩn nỗi lo về khả năng lạm phát cũng như nợ xấu trong tương lai. Thu ngân sách Nhà nước vẫn còn dựa nhiều vào thu từ đất đai, từ tài nguyên, nên thiếu tính bền vững. Tỷ lệ chi thường xuyên còn lớn vì bộ máy còn cồng kềnh, đầu tư công còn kém hiệu quả do dàn trải, cơ chế huy động sức dân vào đầu tư phát triển còn nhiều vướng mắc...

“Những hạn chế này nếu không được khắc phục kịp thời thì hiện tượng quá tải về cơ sở hạ tầng chắc chắn sẽ là một trong những điểm nghẽn lớn nhất cản trở yêu cầu tăng trưởng nhanh và bền vững của đất nước trong những năm tới đây”, đại biểu Lộc nhận định.

Thu ngân sách Nhà nước phụ thuộc nhiều vào đất đai, tài nguyên nên thiếu bền vững. Ảnh: Zing

Thu ngân sách Nhà nước phụ thuộc nhiều vào đất đai, tài nguyên nên thiếu bền vững. Ảnh: Zing

Vấn đề thu ngân sách Nhà nước vẫn còn dựa nhiều vào thu từ đất đai, tài nguyên mà đại biểu Vũ Tiến Lộc đề cập có thể thấy qua báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020 mà Chính phủ gửi đến Quốc hội trong kỳ họp cuối cùng khóa XIV.

Theo báo cáo này, năm 2020, Chính phủ dự toán thu từ tiền sử dụng đất là 95,9 ngàn tỷ đồng và trong kỳ họp cuối năm báo cáo Quốc hội ước đạt 121 ngàn tỷ đồng. Nhưng kết quả thực hiện đạt 172,7 ngàn tỷ đồng, vượt 76,8 ngàn tỷ đồng (80,1%) so với dự toán, tăng 51,7 ngàn tỷ đồng so với con số đã báo cáo Quốc hội.

Tính riêng 3 tháng cuối năm 2020, các địa phương đã thu 72,3 ngàn tỷ đồng tiền sử dụng đất, bằng 72% số thu 9 tháng đầu năm, góp phần đưa số thu tiền sử dụng đất cả năm vượt so với dự toán và báo cáo Quốc hội. Trong số này, một số địa phương vượt dự toán lớn như Hà Nội vượt 6,49 ngàn tỷ đồng, Ninh Bình vượt 5,74 ngàn tỷ đồng, Đồng Nai vượt 4,9 ngàn tỷ đồng...

Cũng nhờ nguồn thu từ đất, thu ngân sách địa phương về tổng thể vượt 59,74 ngàn tỷ đồng, tăng 9% so với dự toán (trước đó đã báo cáo Quốc hội giảm 62,4 ngàn tỷ đồng), chủ yếu là vượt các khoản thu từ nhà, đất, phí và lệ phí, hoạt động xổ số kiến thiết và thu khác ngân sách.

Trong một lần phát biểu trên báo chí, PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) đã lưu ý vấn đề này. Theo ông, "số thu ngân sách phụ thuộc vào đất đai và tài nguyên sẽ dẫn tới vấn đề trong kinh tế gọi là căn bệnh Hà Lan, về dài hạn nếu không thay đổi sẽ không khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất mà chỉ tập trung vào khai thác đất đai, tài nguyên bởi tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đất đai quá lớn. Do vậy, cần phải có chính sách thuế để điều chỉnh vấn đề này".

Vị chuyên gia cho rằng, đây sẽ là thách thức lớn trong giai đoạn 2021-2025 và dài hạn, vì ngân sách địa phương phụ thuộc rất nhiều vào nguồn này, nhưng chỉ có thể thu một lần.

"Chúng ta có nguy cơ chịu hậu quả về việc này trong vòng 5-10 năm nữa. Bởi vì các địa phương có thể có tiền đầu tư xây dựng trường, đường, các công trình hạ tầng… nhưng ngân sách chi thường xuyên thì không đủ đáp ứng được nhu cầu duy tu, bảo dưỡng", ông nói.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/tai-chinh/tran-tro-cua-dbqh-vu-tien-loc-van-dua-nhieu-vao-dat-3429829/