Trần Thị Trường: Vẽ mà không bán được tranh thì còn nghèo hơn nhà văn nhiều

Tháng 8 này, Trần Thị Trường cùng với Hải Kiên, Bùi Văn Tuất làm triển lãm với tên gọi 'Tháng 6'. 'Mụ' úp mở tên triển lãm như sau: 'Ba người có kỷ niệm, bí mật riêng về tháng 6 nên chọn tháng 6 để kỷ niệm bí mật đó'. Về tuổi tác, Hải Kiên, Bùi Văn Tuất, Trần Thị Trường thuộc ba thế hệ khác nhau nhưng cùng hướng về cái đẹp trong hội họa. Họ cùng theo đuổi cái đẹp của dòng hiện thực, mỗi người mỗi vẻ. Nếu Kiên tinh tế, nếu Tuất sâu thẳm, thì Trường đi giữa cả hai.

Hình như Trần Thị Trường đang “lão hóa ngược”. Ở tuổi người ta lên kế hoạch gác bút thì “mụ Trường” (cách gọi của nhà văn Trung Trung Đỉnh) vẫn ra tiểu thuyết, vẫn viết báo đều, đã thế còn nhảy sang cầm cọ và làm triển lãm ầm ầm. Mới cuối năm ngoái, “mụ” mở triển lãm cá nhân đầu tiên, tranh bán rào rào, khiến người trong và ngoài nghề hơi bị nể. Giữa tháng 8, mụ lại “ra quân” với hai cá tính hội họa khác. Trong khi Hải Kiên chín, trong khi Bùi Văn Tuất đang độ dồi dào sung sức, liệu Trần Thị Trường mới cầm cọ có sợ bị “lép vế”? “Mụ” tự tin, rằng: Mụ có sự quyến rũ riêng, đó là ánh nhìn trong trẻo, cứ có cảm xúc là vẽ, không lệ thuộc đề tài, như hai người giỏi giang kia…

Trần Thị Trường và Phó Đức Phương một thời sát cánh trên lĩnh vực quyền âm nhạc (Ảnh: FBNV)

Trần Thị Trường và Phó Đức Phương một thời sát cánh trên lĩnh vực quyền âm nhạc (Ảnh: FBNV)

Tốc độ làm triển lãm của chị cũng nhanh thật, vì lần trước thắng lớn chăng?

Trần Thị Trường: Không phải thế. Thứ nhất, không ai vẽ thay tôi được, nên nó là việc thật. Thứ hai, tôi là người đã làm cái gì thì ngưng không làm cái khác nữa, ngoại trừ viết vài chân dung, cái đó có sẵn trong tôi. Những bài chân dung về Phó Đức Phương, Thanh Lam, Tùng Dương, Mỹ Linh thì… chín mõm mòm trong tôi rồi không kể. Tôi dành 99% cho vẽ. Triển lãm đầu vào tháng 12 năm ngoái, bây giờ tôi vẽ đã được 8 tháng rồi. Mà tôi chỉ triển lãm khoảng 20 bức tranh thôi, đâu phải là nhiều? Và tôi đã chuyển chủ đề.

Chị không vẽ tĩnh vật nữa sao?
Trần Thị Trường: Tôi vẫn say mê tĩnh vật. Vẽ tĩnh vật đem lại cho tôi kỹ thuật. Càng say mê vẽ tĩnh vật bao nhiêu thì vẽ cái khác càng chắc bấy nhiêu. Tĩnh vật giúp tôi có cái nhìn đa chiều hơn. Tĩnh vật của tôi là tĩnh vật động nên bây giờ tôi vẽ cái động với không gian lớn hơn, như quán cà phê, như chân dung thiếu phụ, như cầu Long Biên, hay con chó, con mèo…

"Chờ trong quán cà phê phố cổ", sơn dầu trên toan, 120x80 cm

Mới chính thức cầm cọ nhưng chị lại được chào đón. Chị cho rằng, sức hút của Trần Thị Trường nằm ở đâu, ở tên tuổi có sẵn trong văn chương hay từ những bức tranh thân thiện, gần gũi với người thưởng thức?

Trần Thị Trường: Tôi nghĩ, sức hút nằm ở cả hai. Bởi người Việt chưa quen với việc tự khám phá ra vẻ đẹp của hội họa. Người Việt vẫn còn phải dựa vào, tin vào những tên tuổi đã có uy tín trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nào đó. Thí dụ một anh kiến trúc sư nổi tiếng cầm cọ thì tranh của anh rất dễ được chú ý, vì người xem nhìn tên tuổi anh ta. Cho nên, tôi hoạt động đa dạng nên tên tôi lặp đi lặp lại nhiều trong các tác phẩm báo chí, văn học. Nhân đây, phải tự khen tôi viết Thanh Lam, Mỹ Linh hay quá là hay (cười). 40 năm Trần Thị Trường cứ âm thầm làm những việc linh tinh từ bản quyền âm nhạc, từ trình bày báo, vẽ bìa sách… Tất cả những cái đó chỉ để nuôi những ngày về già, làm những cú giành lại thời gian đã mất.

Giá tranh trên thị trường hiện nay khá “ảo”. Trần Thị Trường lấy gì làm thước đo cho giá tranh của mình?
Trần Thị Trường: Lẽ ra tôi không đặt ra giá tranh cho mình. Vì tôi vẽ trước hết cho cảm xúc của tôi đến một cách ào ạt. Sau đó, với những người đồng cảm xúc là những người thích tranh của tôi, muốn đưa cho tôi bao nhiêu thì đưa. Nhưng tôi đặt giá tranh vì tôi nghĩ đến những đồng nghiệp khác. Nếu như tôi cứ bán rẻ quá, tôi không sợ người ta nghĩ tranh rẻ thì giá trị thấp, mà tôi bán rẻ có nghĩa là tôi quên các bạn tôi. Vì các bạn tôi vẽ đẹp như thế, tranh của tôi cũng đẹp, có nghĩa là tôi làm hại người khác. Vì vậy, cuối cùng tôi mới đặt ra giá tranh. Có người trả nguyên giá tranh tôi đặt ra. Có người còn cho thêm tiền. Có người thì nói chỉ có ngần này tiền thôi nhưng họ thích tranh tôi, thì tôi cũng bán. Có thể nói giá nào cũng bán, nếu “thượng đế” vì tình yêu nghệ thuật.

"Chiều muộn bên cầu Long Biên", sơn dầu trên toan, 60x90cm

So với mặt bằng chung, thì giá tranh Trần Thị Trường nằm ở cỡ nào? Chị tính giá tranh theo độ lớn hay giá trị tác phẩm?

Trần Thị Trường: Đương nhiên phải tính theo giá trị tác phẩm nhưng thường nó gắn với độ lớn của tranh. Bởi vì dù to hay nhỏ thì tôi cũng vẽ với tinh thần có giá trị mới cho xuất xưởng. Tôi không quan tâm người ta bán tranh giá cả thế nào nhưng giá tranh của tôi so với giá tranh của những bạn bè tôi biết thì ở mức trung bình.

Tôi thấy chị như tái sinh ở tuổi 70?

Trần Thị Trường: Đúng đấy. Tôi cũng ngạc nhiên về chính tôi. Hôm trước bận rộn với show Phó Đức Phương. Đến 12 giờ đêm về viết một bài tri ân với những người làm chương trình, động viên ông Phương. Sáng hôm sau tôi đã vào Sài Gòn để xem một show nhạc phim. Đi vào xem rồi lại về luôn, chẳng biết mệt là gì!

Điều gì tạo nên sự lão hóa ngược này?

Trần Thị Trường: Có thể do tập yoga chăng?

Hay yêu ngầm ai đó mà chị không tiện nói ra?
Trần Thị Trường: Liệu tôi làm như thế thì pháp luật có cấm không? (cười)

"ballet", sơn dầu trên toan, 60x80cm

Lâu nay vẫn thấy người ta nói: Vẽ thì khá về vật chất, còn nhà văn thì nghèo. Giờ chị vừa là họa sỹ, vừa là nhà văn, chị thấy nhận định đó đúng không?
Trần Thị Trường: Ồ, tôi thấy vẽ mà không bán được tranh còn nghèo hơn nhà văn nhiều. Nhà văn còn viết báo để sống. Họa sỹ mà không bán được tranh thì… Trần Thị Trường đã từng có ông chồng không bao giờ bán được tranh dù tranh của ông đẹp, nhưng nếu tranh không bán được thì cũng là một cuộc sống thất bại, chứ không phải ông ấy thất bại.

Trần Thị Trường thì sao, cuộc sống có thất bại không?

Trần Thị Trường: Tôi hình như càng đông tuổi thì càng khôn, tả xung hữu đột , viết báo để nuôi văn, viết văn để nuôi tên,có tên để bán tranh, khi chưa bán được tranh thì lập tức bán hàng thêu thùa xuất khẩu để tiếp tục chơi một cuộc chơi, để nếu không ai mua tranh thì tranh để đấy đợi thời bán như… Van Gogh. Tuổi này còn sợ gì nữa (Cười lớn)

Đào Nguyên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/tran-thi-truong-ve-ma-khong-ban-duoc-tranh-thi-con-ngheo-hon-nha-van-nhieu-1688335.tpo