Trận sóng thần lạ lùng

Tình trạng thiếu kinh phí do đồng tiền mất giá đã ảnh hưởng đến sự trì hoãn công việc lắp đặt hệ thống mới phát hiện sóng thần ở Indonesia

Giới khoa học gia không khỏi kinh ngạc trước quy mô của trận sóng thần tàn phá TP Palu ở Indonesia, họ cho rằng trận động đất xảy ra không lâu trước đó hôm 28-9 lẽ ra không thể gây ra những con sóng hủy diệt như vậy.

Bất ngờ

Nhận định về đợt sóng thần cao 6 m theo sau trận động đất 7,5 độ vừa qua ở Indonesia, ông Jason Patton, nhà địa vật lý tại Trường ĐH Humboldt (bang California - Mỹ) nói: "Chúng tôi dự kiến trận động đất có thể gây ra sóng thần nhưng không lớn đến như vậy". Tuy nhiên, ông cho biết khi các sự kiện như thế xảy ra, giới khoa học gia có thể tìm ra những điều họ đã không quan sát được trước đó. Ngoài ra, vị chuyên gia Patton cho rằng có thể nhiều yếu tố kết hợp lại đã góp phần gây ra trận sóng thần khó nắm bắt này. Theo ông, việc nghiên cứu đáy biển sẽ giúp hiểu được tường tận vấn đề.

Thêm vào đó, theo báo The New York Times, vị trí của TP Palu nằm ở cuối một vịnh hẹp cũng đã ảnh hưởng đến trận sóng thần. Hình dáng bờ biển và các đường nét đáy vịnh có thể đã hội tụ sức mạnh của sóng thần và đẩy nó lên trên mặt vịnh, làm tăng độ cao của sóng biển khi nó tiến đến gần bờ.

Góc nhìn từ trên không của một khu vực bị tàn phá trong thảm họa kép động đất - sóng thần ở Palu, Indonesia Ảnh: REUTERS

Góc nhìn từ trên không của một khu vực bị tàn phá trong thảm họa kép động đất - sóng thần ở Palu, Indonesia Ảnh: REUTERS

Do sóng thần hình thành quá gần Palu nên người dân nơi đây đã không có thời gian để thoát thân. Đáng chú ý là một cảnh báo sóng thần đã được chính phủ ban bố nhưng đã được dỡ bỏ khoảng 30 phút sau trận động đất, dường như là sau khi sóng thần ập vào Palu.

Trong khi đó, Indonesia hiện chỉ sử dụng những dụng cụ hiệu quả hạn chế để phát hiện sóng thần, như địa chấn kế, các thiết bị của hệ thống định vị toàn cầu, máy đo độ cao của thủy triều. Đó là nhận xét của nữ giáo sư Louise Comfort thuộc ĐH Pittsburgh (Mỹ), người tham gia dự án đưa các bộ cảm biến sóng thần mới đến Indonesia.

Bà Comfort cho biết Indonesia đã từng có một mạng lưới gồm 22 bộ cảm biến tinh vi - đặt ở đáy đại dương để phát hiện sóng thần, tương tự như ở Mỹ, nhưng chúng không còn có tác dụng nữa vì không được duy trì hoặc đã bị hư hỏng. Bà Comfort xác nhận bà đã bàn bạc về dự án trên với 3 cơ quan chính phủ Indonesia. Tuy nhiên, kế hoạch lắp đặt một hệ thống mới ở đảo Sumatra đã bị đình trệ trong tháng 9 qua.

Thiếu hệ thống cảnh báo sớm

Các chuyên gia khẳng định con số tử vong cao cũng có thể là do Indonesia thiếu các hệ thống tiên tiến phát hiện và cảnh báo sóng thần. Theo kênh CNBC, nhà nghiên cứu Comfort cho biết tình trạng thiếu kinh phí do đồng tiền mất giá đã ảnh hưởng đến sự trì hoãn công việc lắp đặt hệ thống mới phát hiện sóng thần ở Indonesia lẽ ra đã phải thực hiện trước khi xảy ra trận động đất hôm 28-9. Cụ thể, kinh phí được thông qua hồi cuối tháng 7 để lắp đặt "đã không đủ đáp ứng chi phí" do đồng rupiah của Indonesia mất giá.

Trước thảm họa trên, một đội ngũ gồm các chuyên gia Mỹ và Indonesia đã phát triển một phương pháp phát hiện sóng thần mà họ đoan chắc có thể đưa ra cảnh báo sớm hơn các hệ thống khác. Lẽ dĩ nhiên, một hệ thống như thế có thể cứu được nhiều sinh mạng.

Hệ thống đã được thử nghiệm thành công năm 2016. Chuyên gia Comfort giải thích chương trình trên sử dụng các nút cảm biến, sóng âm và cáp quang để nhận ra những thay đổi ngầm dưới nước, sau đó chuyển thông tin về cho Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG). "Loại dữ liệu này thực sự quan trọng trong việc xác định sóng thần" - bà Comfort công nhận. Nói về thảm họa vừa xảy ra, bà Comfort cho rằng BMKG đã hủy cảnh báo quá sớm bởi vì cơ quan này không có dữ liệu từ Palu. Theo bà, hệ thống phát hiện sóng thần có thể cung cấp loại dữ liệu cần thiết đó.

"Indonesia nằm trên vành đai lửa nên sóng thần sẽ lại xảy ra" - bà Comfort tỏ ra lo ngại. Đặc biệt đối với những quốc gia như Indonesia, một hệ thống phát hiện sớm có thể là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc đương đầu với các thảm họa thiên nhiên.

Năm 2004, trận động đất 9,3 độ gây ra sóng thần lớn ngoài khơi bờ biển đảo Sumatra đã cướp đi sinh mạng của 220.000 người ở các nước chung quanh Ấn Độ Dương. Gần đây, một loạt trận động đất mạnh đã hoành hành ở đảo Lombok của Indonesia, làm chết hàng trăm người.

LỤC SAN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tran-song-than-la-lung-20181001224320869.htm