Trận 'quyết đấu sinh tử' giữa Israel và Iran tại Syria sắp bắt đầu?

Trong lòng chảo lửa Syria, cuộc đối đầu truyền kiếp giữa Israel và Iran ngày càng leo thang, dấy lên lo ngại nguy cơ chiến tranh lan ra toàn khu vực.

Trung Đông đã chứng kiến nhiều cuộc xung đột đa chiều, đảo chính, cách mạng hóa và sự can thiệp quân sự từ bên ngoài, tuy nhiên, một cuộc chiến tranh giữa hai cường quốc lớn trong khu vực thì chưa từng xảy ra kể từ những năm 1980. Song nguy cơ này không thể loại trừ bởi căng thẳng và sự đe dọa lẫn nhau giữa Iran và Israel đang bùng phát mạnh mẽ.

Xe quân sự của Israel trên cao nguyên Golan gần biên giới với Syria. Ảnh: Reuters.

Lửa chiến đã được châm ngòi?

Tiếng trống trận ngày một vang xa khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel tuyên bố: “Israel sẽ loại bỏ mọi khu vực nơi Iran nỗ lực đặt quyền kiểm soát của nước này”, đồng thời đe dọa “đế chế Iran đang sống những ngày cuối cùng”. Còn tại Tehran, Phó chỉ huy Lực lượng Vũ trang Cách mạng Hossein Salami lớn tiếng cảnh báo, “100.000 tên lửa đã sẵn sàng bay về phía Israel, có thể gây ra sự hủy diệt và sụp đổ đối với quốc gia này”.

Israel và Iran đã từng là “kình địch” trong nhiều thập kỷ. Điều khác biệt hiện nay là cuộc nội chiến tại Syria đang cuốn cả hai quốc gia vào vòng xoáy bất ổn, tạo ra một mặt trận chiến đấu tiềm ẩn gần hơn bao giờ hết.

Các quan chức Israel cho biết, có 80.000 tay súng tại Syria hoạt động theo mệnh lệnh của Iran. Trong khi giúp Tổng thống Syria Bashar Al Assad giành lại lãnh thổ, các tay súng Hezbolla đã triển khai trong vòng một vài kilomet ở phía Cao nguyên Golan nằm trên biên giới Israel.

Theo tờ Người Bảo vệ của Anh, giới chức quốc phòng Israel lo ngại rằng trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Assad sắp đạt được thắng lợi trọn vẹn, Iran dường như hướng tầm mắt, cũng như họng súng, xa hơn về phía Tây Nam, phía biên giới Israel. Kết quả là Israel đã nhiều lần nã tên lửa vào khu vực đồn trú của quân đội Syria và đồng minh ở khu vực giáp cao nguyên Golan. Còn Iran thì cam kết sẽ “trả thù” cho các công dân của mình bị thiệt mạng do các cuộc không kích của Israel và nước này có nhiều lựa chọn trong đòn tấn công đáp trả. Ngoài tấn công bằng tên lửa đạn đạo trực tiếp vào Israel, Iran có thể mở một cuộc tấn công vào các mục tiêu của Israel ở vùng Biển Đỏ.

Ofer Shelach, thành viên thuộc Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng tại Quốc hội Israel cho biết: “Tôi lo lắng về khả năng xảy ra một cuộc chiến toàn diện giữa Israel và Iran”. Lo ngại này không phải là không có cơ sở bởi nhiều năm qua, tâm lý và giọng điệu chống Israel không hề suy chuyển trong nội bộ Iran.

Kể từ khi xung đột tại Syria năm 2011, Israel đã thực hiện ít nhất hơn 100 cuộc không kích xuyên biên giới. Gần đây nhất là cuộc không kích nhằm vào các nhân viên quân sự của Iran ở căn cứ T-4 tại tỉnh Homs, Syria ngày 9/4. Tiếp đến, tiêm kích F-15 của Israel đã tấn công thị trấn Hama sau khi Iran chuyển vũ khí đến căn cứ của Lữ đoàn 47, trong đó có tên lửa đất đối không, khiến chục binh sĩ Iran thiệt mạng, kể cả sĩ quan. Dù không phải là lần đầu tiên, nhưng cuộc tấn công này có vẻ như là đòn phủ đầu dữ dội. Trong trò chơi “ăn miếng trả miếng” này, Iran được cho là sẽ có những hành động tiếp theo và mạnh mẽ hơn. Còn phía Israel cảnh báo sẽ tiếp tục phản đòn.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters về căng thẳng giữa Israel và Iran tuần trước, một quan chức Mỹ cho rằng “trong danh sách các hành động thù địch tiềm năng trên toàn thế giới, cuộc đối đầu Israel và Iran ở Syria đứng đầu bảng thời điểm hiện tại".

Mỹ “đổ dầu vào lửa”

Không chỉ đứng ngoài căng thẳng giữa Israel và Iran, Mỹ còn được cho là “đổ thêm dầu vào lửa” khi lên tiếng bênh vực Israel. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 1/5 cho biết “Israel có quyền bảo vệ chính mình”. Ông cũng ủng hộ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tố cáo Iran tiến hành chương trình vũ khí hạt nhân bí mật mang tên Dự án Amad. Ông Netanyahu khẳng định, Iran đã nói dối về tham vọng hạt nhân trước khi ký thỏa thuận năm 2015, song lại không đưa ra được bằng chứng xác thực.

Ngoài ra, việc Tổng thống Donald Trump đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt mới để kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này, cũng khiến tình hình thêm hỗn loạn. Ngay từ khi lên nắm quyền, ông Donald Trump đã chủ trương xây dựng quan hệ nồng ấm với Israel. Không chỉ đổ hàng tỉ đô la tiền viện trợ, Mỹ còn chống lưng cho Israel về mặt ngoại giao. Nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ đang muốn siết chặt tay với Israel, tạo thế đối đầu với liên minh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran vừa mới hình thành sau những diễn biến mới trên chiến trường Syria.

Nga hạ nhiệt

Giới quan sát nhận định, trong bối cảnh tình hình giữa Israel và Iran diễn biến phức tạp như hiện nay, quốc gia duy nhất có thể đóng vai trò trung gian hòa giải, mở ra kênh đối thoại giữa các bên đó là Nga.

Sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria theo yêu cầu của Tổng thống Syria đã khiến Nga trở thành quốc gia có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Syria. Tổng thống Putin đang tìm cách thúc đẩy hòa bình trong khu vực để nâng cao vai trò của Nga, vì thế nếu một cuộc chiến xảy ra giữa Iran và Israel sẽ làm xáo trộn khu vực và làm suy yếu vị thế mà Nga đã dày công xây dựng. Hơn nữa, cuộc chiến này sẽ trở thành cái cớ để Mỹ hiện diện tại Trung Đông với quy mô lớn hơn, buộc Nga phải từ bỏ vai trò trung gian tiến vào thế đối đầu với Mỹ. Tất yếu Tổng thống Putin sẽ không thể khoanh tay đứng nhìn.

Một lý do khác, Nga dù là đồng minh thân cận của Iran, nhưng cũng có quan hệ rất đặc biệt với Israel. Cả Nga và Israel đều duy trì hợp tác chặt chẽ về quân sự, cũng như tôn trọng các quy tắc chung khi tham chiến, thậm chí có một “thỏa thuận ngầm” trên chiến trường. Vì thế, các nhà phân tích kỳ vọng rằng, Nga sẽ sử dụng ảnh hưởng của nước này để kiềm chế “cơn nóng giận” của cả Iran và Israel, tránh một cuộc xung đột không nên có./.

Hồng Anh/VOV.VN -

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tran-quyet-dau-sinh-tu-giua-israel-va-iran-tai-syria-sap-bat-dau-758606.vov